Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024
Trang chủCông NghệSmartphone Huawei sẽ mất gì khi bị Google rút giấy phép sử...

Smartphone Huawei sẽ mất gì khi bị Google rút giấy phép sử dụng Android, chỉ được dùng bản AOSP

“Gáo nước lạnh” đến từ Google chắc chắn sẽ khiến tham vọng trở thành nhà sản xuất smartphone số một thế giới của Huawei trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Mới đây, Google đã tuyên bố cắt đứt quan hệ hợp tác, rút giấy phép sử dụng hệ điều hành Android của Huawei, buộc hãng sản xuất đến từ Trung Quốc phải (tạm thời) chuyển sang sử dụng nền tảng nguồn mở AOSP (Android Open Source Project). Điều này có ý nghĩa gì, và nó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei trên toàn cầu như thế nào?

Trước hết, chúng ta cần hiểu sự khác biệt giữa phiên bản Android được Google cấp phép và nền tảng nguồn mở AOSP. AOSP còn được gọi là Android “đúng chất miễn phí hoàn toàn”, nhờ Google công khai toàn bộ bộ mã nguồn nên bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng hoàn toàn miễn phí. Một ví dụ điển hình nhất của hệ điều hành dựa trên AOSP là LineageOS (trước đây là CyanogenMod).

Với AOSP thì Google sẽ không thu về được bất kỳ khoản tiền nào, vì các nhà sản xuất đã tùy biến lại nền tảng của mình, không có Google Play Store hay các dịch vụ Google đi kèm, đồng nghĩa với việc Google không thể kiếm tiền từ dịch vụ quảng cáo Google Ads. AOSP hiện tại là lựa chọn khả dĩ nhất của Huawei.

Phiên bản Android được Google cấp phép chính là bản Android mà hàng tỷ người dùng trên thế giới đang sử dụng hàng ngày, trên những smartphone Samsung, Oppo, Xiaomi,… của họ. Nó được gọi với cái tên đầy đủ là Google Mobile Services (GMS). Với bản Android “đầy đủ” này, Google sẽ tích hợp tất cả những thứ thiết yếu mà hệ điều hành nào cũng phải cần đến như: dịch vị định vị vị trí, cho phép mua bên trong ứng dụng, những dịch vụ cho doanh nghiệp để bảo mật thông tin, và rất rất nhiều dịch vụ tích hợp khác.

Những dịch vụ trên là rất quan trọng, không chỉ với người dùng mà cả các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba. Chẳng hạn, Grab cần phải có quyền truy cập vào vị trí của người dùng để có thể hoạt động. Người dùng nếu không có các dịch vụ thiết yếu hàng ngày, từ công việc như Gmail, Drive cho đến giải trí như Youtube cũng sẽ khó có thể tìm được dịch vụ thay thế. Càng nhiều người dùng GMS, Google càng kiếm được nhiều tiền, và họ còn được tiếp cận vào một nguồn dữ liệu khổng lồ không ai sánh bằng.

Như vậy, khi bị Google rút giấy phép sử dụng Android, điều này đồng nghĩa với việc smartphone của Huawei sẽ mất quyền truy cập đến các bản cập nhật dành cho hệ điều hành Android, cũng như các dịch vụ của Google như kho ứng dụng Google Play, Gmail, Youtube do các ứng dụng này không dành cho phiên bản Android nguồn mở theo nền tảng AOSP và đòi hỏi phải có giấy phép của Google. Thậm chí, theo một nguồn tin nội bộ, Google sẽ “cắt” luôn cả hỗ trợ kỹ thuật cho Huawei.

Các thiết bị hiện tại của Huawei đã có kho ứng dụng Google Play vẫn có thể tải các bản cập nhật ứng dụng, nhưng đối với các bản vá bảo mật và phiên bản Android mới (sắp tới là Android Q), việc cập nhật có thể khiến những giấy phép ấy bị thu hồi và mất quyền truy cập ứng dụng. Vì vậy, trước khi Huawei đưa ra tuyên bố chính thức, người dùng không nên cập nhật hệ điều hành qua OTA.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng không chỉ phần mềm, Huawei còn tự sản xuất chip qua công ty con HiSillicon. Thông thường, mỗi khi có phiên bản Android mới, các nhà sản xuất chip di động như Qualcomm, Samsung và các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) sẽ được sử dụng sớm để tùy biến, tối ưu hóa chúng trước khi đến tay người tiêu dùng. Từ nay, Huawei sẽ mất đi đặc quyền ấy, khiến việc cập nhật phần mềm sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Huawei đang nuôi tham vọng rất lớn là trở thành hãng sản xuất smartphone số một thế giới, với nhiều quý liên tục tăng trưởng ổn định. “Gáo nước lạnh” của Google, tuy không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của Huawei tại Trung Quốc – nơi các dịch vụ của Google bị chính phủ cấm – nhưng chắc chắn sẽ để lại hậu quả to lớn trên thị trường toàn cầu, khi các dịch vụ của Google đã trở nên quá thiết yếu đối với cuộc sống thường ngày. HiSillicon từng tuyên bố đã sẵn sàng cho bất kỳ lệnh cấm nào, còn Huawei cũng được cho là đã dành nhiều thời gian phát triển một “phương án dự phòng”, nhưng liệu chúng có đủ tốt, đủ quen thuộc để người dùng đón nhận?

VH

Theo Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới