Cặp tàu tên lửa HQ-377 và HQ-378 có khả năng cơ động nhanh, được trang bị nhiều khí tài và trang thiết bị hiện đại khiến kẻ thù khiếp vía.

Cặp tàu tên lửa HQ-377 và HQ-378 là 2 trong số 6 tàu tên lửa hiện đại do Tổng công ty Ba Son ký hợp đồng đóng tại Việt Nam cho Quân chủng Hải quân từ năm 2009. Tàu được thử nghiệm nhiều lần trên thực địa, bắn đạn thật, bắn tên lửa và được Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Sau khi thử nghiệm thành công, tàu tên lửa được bàn giao cho Quân chủng Hải quân.
Theo Kiến Thức, cặp tàu tên lửa tấn công nhanh thuộc Project 12418 lớp Molniya là một trong 2 lớp tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam chỉ đứng sau các tàu hộ vệ tên lửa Gepard. Dù nhỏ gọn nhưng khả năng tác chiến của nó lại không hề thua kém các tàu chiến cỡ lớn nhờ được trang bị các tên lửa chống hạm cực mạnh.
Các tàu Project 12418 Molniya có lượng giãn nước 560 tấn, tính năng đi biển rất cao với vận tốc tối đa gần 70 km/h trong điều kiện tiêu chuẩn. Thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày, cự ly hoạt động khi chạy ở tốc độ trung bình từ 1.650-2.400 hải lý.
Tàu được thiết kế để tiêu diệt các đội hoặc nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các đội tàu khác của đối phương một cách độc lập; Bảo vệ các tàu ngầm, tàu đổ bộ; Thực hiện nhiệm vụ trinh sát…bằng các loại hỏa lực hiện đại, mạnh mẽ như 16 tên lửa chống hạm Uran-E, pháo hạm AK-176MA, pháo phòng không AK-630 và tên lửa phòng không Igla.
Được coi là loại tàu chiến hiện đại, cơ động “mang tính đột phá về công nghệ”, tàu tên lửa HQ 377, HQ 378 mang theo nhiều vũ khí điều khiển tự động, gồm tên lửa và các loại pháo, Tiền Phong cho hay.
Tàu chiến được trang bị cụm tổ hợp 16 tên lửa chống hạm Uran-E được bố trí ở 2 bên thân tàu (mỗi bên 8 tên lửa). Bên trong tổ hợp tên lửa này là đạn tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 Uran-E có khả năng xuyên phá cực mạnh với tầm phóng 135 km với biến thể xuất khẩu có thể cải tiến lên 300 km nhưng vẫn có thể mang được đầu đạn nặng 145 kg. Loại tên này nhỏ gọn nên khó đánh chặn. Với 16 tên lửa, một tàu Molniya có thể hủy diệt một tàu khu trục thậm chí là tàu tuần dương của đối phương.
Bên cạnh Kh-35 Uran-E, các tàu Molniya còn được trang bị hải pháo AK-176MA đạt tốc độ bắn lên tới 120 phát/phút, tầm bắn hiệu quả khoảng 10 km, tầm bắn tối đa đến 15,5 km. Pháo này được đánh giá có khả năng bắn chặn cả tên lửa chống hạm.
Với phòng không, tàu tên lửa của Việt Nam sử dụng tổ hợp vũ khí đánh chặn tầm gần AK-630 có tốc độ bắn lên tới 5.000 phát/phút là vũ khí chống máy bay, chống tên lửa hành trình.
Sở hữu những chiếc tàu chiến hiện đại tự sản xuất như HQ-377 và HQ-378, khả năng chiến đấu của Hải quân Việt Nam sẽ được tăng cường đáng kể, góp phần thực hiện sứ mệnh bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.