Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủThời SựTây Nguyên trở thành đích ngắm của nhiều ông lớn bất động...

Tây Nguyên trở thành đích ngắm của nhiều ông lớn bất động sản

Sở hữu nhiều lợi thế về kinh tế, du lịch, văn hoá cộng với quỹ đất còn dồi dào khả năng sinh lời cao,… các tỉnh vùng Tây nguyên cũng không nằm ngoài đích nhắm của các doanh nghiệp và giới đầu tư bất động sản.

Thị trường bất động sản Tây Nguyên đang trở thành đích ngắm của nhiều doanh nghiệp địa ốc. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Sở hữu những ưu thế lớn như quỹ đất rộng, hạ tầng giao thông hoàn thiện, nhu cầu phát triển cao, nhiều tỉnh lẻ đang trở thành “miếng bánh ngon” cho nhiều doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, Tây Nguyên là cái tên nổi bật nhờ tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, quỹ đất rộng và khí hậu ôn hoà.

Tây Nguyên (gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) có diện tích tự nhiên hơn 54.000 km2, đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Theo Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030, nhu cầu đất xây dựng đô thị của Tây Nguyên đến năm 2020 khoảng 23.880 ha và đến năm 2030 khoảng 33.470 ha. Đồng thời, năm 2030, toàn Tây Nguyên sẽ có 117 đô thị với 28 đô thị hình thành mới.

Cùng với cơ sở hạ tầng đang ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, Tây Nguyên thu hút một dòng vốn đầu tư lớn đổ về đầu tư. Kéo theo đó, thị trường bất động sản tại khu vực này đang nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Báo cáo thị trường bất động sản năm 2020 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) mới đây cũng nhận định, tình trạng quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang,… ngày càng khan hiếm và giá đất ngày một tăng cao đang khiến nhiều chủ đầu tư chuyển hướng về các nơi có tiềm năng phát triển kinh tế như Tây Nguyên.

Thị trường bất động sản Tây Nguyên đã thực sự sôi động khi xuất hiện những tổ hợp khu đô thị được đầu tư và quy hoạch bài bản, đáp ứng đúng, trúng thị hiếu của thị trường.

Theo thống kê của VARs, những dự án được quy hoạch bài bản, tiện ích đồng bộ đang dẫn dắt thị trường bất động sản Tây Nguyên với tỷ lệ hấp thụ đạt 70 – 80%. Dòng sản phẩm bất động sản cao cấp, tích hợp không gian sống hiện đại, gồm công viên, siêu thị, trường học, khu vui chơi giải trí,… luôn nằm trong giỏ hàng đắt khách.

Mức giá gia tăng của dòng sản phẩm này cũng duy trì ở mức cao và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh khi bước sang năm 2021.

Đích ngắm của nhiều “ông lớn” 

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường địa ốc như Vingroup, FLC, T&T Group, Him Lam, Văn Phú, Ecopark, Tân Hoàng Minh,… đã chọn Tây Nguyên làm điểm dừng chân.

Đơn cử, tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), tháng 6 vừa qua, CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest vừa đề xuất đầu tư vào 3 dự án, bao gồm: Dự án Khu đô thị dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2; Nghiên cứu phát triển Dự án Sân bay Lộc Phát; Qui hoạch xây dựng Khu phố đi bộ shophouse, dịch vụ thương mại, chợ đêm tại khu chợ cũ Bảo Lộc.

Tập đoàn Him Lam cũng đang xúc tiến đầu tư một số dự án tại TP Bảo Lộc như Khu dân cư phường B’Lao, khu du lịch sinh thái thác Đá Bàn (sông Đại Bình) và các tuyến đường kết nối giao thông trục Bắc – Nam. Doanh nghiệp này cũng nghiên cứu đầu tư Khu đô thị du lịch Thiên đường mắc ca có tổng diện tích hơn 187 ha nằm khu vực phía Nam TP Bảo Lộc.

Hay Tập đoàn Ecopark đang hướng tới 2 dự án tại TP Bảo Lộc là Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung và Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2.

Trong khi đó, Tập đoàn Novaland đang tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực BĐS và nông nghiệp công nghệ cao tại Bảo Lộc. Sắp tới, doanh nghiệp cho biết sẽ hỗ trợ TP Bảo Lộc trong việc tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư và sẽ hỗ trợ chi phí để TP Bảo Lộc triển khai quy hoạch phân khu.

Tại Đắk Nông, Tập đoàn T&T vừa trình bày ý tưởng đầu tư quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch sinh thái hồ Đắk R’tíh, TP Gia Nghĩa. Dự án khu đô thị du lịch sinh thái hồ Đắk R’tíh có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, diện tích gần 2.000 ha.

Mới đây, CTCP Xuất nhập khẩu Rau quả (đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T) vừa chính thức khởi công xây dựng dự án Trung tâm thương mại Đắk Mil. Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 7.500 m2 với tổng vốn đầu tư gần 645 tỷ đồng.

Trước đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức hồi đầu năm 2019, Tập đoàn FLC cũng ký kết biên bản cam kết đầu tư dự án Khu Đô thị mới bờ Đông hồ Gia Nghĩa; Dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ nhà phố FLC Center Point Đắk Nông; Dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Tà Đùng;  Dự án Khu du lịch sinh thái thác Liêng Nung; Dự án Nông nghiệp công nghệ cao FAM – Đắk Nông với tổng vốn đầu tư dự kiến 19.900 tỷ đồng.

Tại Đắk Lắk, đầu tháng 1/2021, Tập đoàn T&T đã đề xuất đầu tư 5 dự án tại TP Buôn Ma Thuột gồm: Khu đô thị thương mại dịch vụ Ea Tam (51,6 ha); Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu thương mại và nhà ở thương mại (42 ha); Dự án khu biệt thự Ea Kao (46,1 ha); Khu sân Golf hồ Ea KaoKao (76,7 ha) và Trung tâm văn hoá tỉnh Đắk Lắk.

Trước đó (giữa tháng 12/2020), Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đến Đắk Lắk để tìm hiểu đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp này đang quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, trong đó có các dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương này.

Tập đoàn cũng đề xuất tham gia đấu giá tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cũ) tại số 2 Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, đồng thời trình bày phương án quy hoạch dự án trên khu đất này.

Hay Tập đoàn Vingroup cũng có kế hoạch xây dựng Tổ hợp khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại và Nhà phố Thương mại với tổng vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỷ đồng tại vùng đất này.

Tại Kon Tum, UBND tỉnh này vừa có văn bản thống nhất chủ trương cho CTCP Đầu tư Alphanam khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại phường Lê Lợi và xã Chư Hreng, TP Kon Tum,…

Nguồn: tbdn.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới