Để tiếp tục lấy bằng chứng về hoạt động mua bán nội tạng người của Restore Life (Mỹ), phóng viên Reuters đặt những đơn hàng tiếp theo với giá 300 USD. Giao dịch sau đó diễn ra vô cùng dễ dàng và nhanh chóng khiến bất cứ ai cũng phải sửng sốt.

Cody Saunders qua đời đúng ngày sinh nhật thứ 24 của mình. Anh đã trải qua 66 cuộc phẫu thuật và hơn 1.700 lượt chạy thận. Cha mẹ anh phải chứng kiến cảnh con trai mình chịu đựng đau đớn suốt nhiều năm.
Ngày 2/8/2016, Saunders trải qua một cơn đau tim trên đường từ chỗ chạy thận về nhà và anh qua đời. Do gia đình quá nghèo, không có tiền để hỏa táng nên cha mẹ anh đã tình nguyện hiến cơ thể con trai cho một tổ chức có tên Restore Life. Restore Life là cơ sở mà người hiến có thể tặng từng phần hoặc toàn bộ. Nội tạng sẽ được dùng cho nghiên cứu y học hoặc chuyển cho các cơ sở y tế khác nếu cần.
Bố Cody, ông Richard Saunders, cho biết: “Tôi không còn cách nào khác”.
Mua nội tạng dễ dàng đến kinh ngạc
Một tháng sau khi Cody Saunders qua đời, Restore Life đã bán một phần cơ thể của người thanh niên này. Toàn bộ giao dịch chỉ được xác nhận qua email. Giá của mẫu phẩm từ nạn nhân là 300 USD gồm phí vận chuyển.

Tất nhiên, phía Restore Life đã yêu cầu xác minh danh tính người mua và mục đích sử dụng. Song quá trình này còn lỏng lẻo vậy nên họ hoàn toàn không chút nghi ngờ khi vị khách hàng này là phóng viên ngầm của tờ Reuters. Cơ quan thông tấn đã dựa trên manh mối ban đầu để tiến hành một cuộc điều tra xem rằng, nguồn nội tạng được hiến có thật sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu y khoa hay không?
Để tiếp tục lấy bằng chứng, phóng viên Reuters đặt những đơn hàng tiếp theo từ Restore Life và hóa đơn vẫn là 300 USD. Giao dịch vô cùng dễ dàng và nhanh chóng khiến ai cũng phải sửng sốt.
Làm thế nào họ có thể buôn bán nội tạng một cách đơn giản như vậy tại Mỹ?
Ngày 29/8/2016, phóng viên Reuters là Brian Grow đã gửi một email tới ông James Byrd của Restore Life. Tại thời điểm đó, phóng viên chưa biết thông tin gì về bệnh nhân Cody Saunders đã qua đời.
Để liên lạc với ông Byrd, phóng viên dùng tên thật của mình và một tài khoản email Thomson Reuters. Email có nội dung: “Chúng tôi đang tìm kiếm một mẫu xương sống cổ cho dự án nghiên cứu khoa học sắp tới, không liên quan tới phẫu thuật cấy ghép. Chúng tôi hy vọng một mức giá hợp lý bao gồm cả vận chuyển”.
Phóng viên này cũng yêu cầu nhận hàng ở Minneapolis, cách phòng nghiên cứu của Đại học Minnesota vài km.
Một tiếng sau, ông Byrd hồi âm lại: “Cảm ơn vì email của bạn. Bạn từng làm việc với tổ chức Restore Life bao giờ chưa và tại sao bạn biết đến chúng tôi”.
Phóng viên trả lời: “Tôi được một doanh nghiệp giới thiệu”.
Ông Byrd tiếp tục hỏi liệu rằng vị khách này muốn mua cột sống khu vực nào. Sau khi xác nhận, ông báo giá 300 USD. Hồ sơ của bệnh nhân hiến tạng không rõ ràng, chỉ biết anh ta 24 tuổi.
Ba ngày sau đó, phóng viên chấp nhận mức giá và bắt đầu giao dịch.
Ông Byrd trả lời: “Cảm ơn vì đã cho chúng tôi cơ hội hợp tác với tổ chức của bạn”. Kèm theo đó là câu hỏi cuối cùng để chắc chắn rằng mẫu phẩm này sẽ được dùng cho nghiên cứu y học hoặc giáo dục y khoa.
Phóng viên yêu cầu cột sống phải được chắn chắn bảo quản đông lạnh, không tan băng.
Mặc dù ông Byrd đã hỏi người mua về việc đảm bảo tính nghiên cứu của mẫu phẩm, điều này thể hiện đúng trên góc độ đạo đức. Song chính ông cũng không thể chắc chắn được rằng mẫu phẩm gửi đi có được sử dụng như đúng người mua xác nhận hay không?
Chuyên gia nói gì?
Việc buôn bán nội tạng dùng trong cấy ghép là bất hợp pháp. Hầu hết các tiểu bang bán nội tạng hoặc bộ phận cơ thể được hiến cho nghiên cứu y khoa hoặc giáo dục. Ngay cả việc mua rượu trên Internet còn được kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề này khi đòi hỏi phải có số chứng minh thư và độ tuổi tối thiểu.

Để chắc chắn hơn về vấn đề pháp lý, đạo đức và mức độ an toàn trong việc buôn bán nội tạng, phóng viên Reuters đã có buổi phóng vấn bà Angela McArthur, chủ nhiệm Hội hiến tạng thuộc Đại học Y khoa Minnesota.
Bà McArthur luôn cảm thấy lo lắng khi bộ phận cơ thể con người được trao đổi quá dễ dàng qua Restore Life. “Bất cứ ai cũng có thể mua nội tạng và mang về nhà như những món hàng để sử dụng với bất kỳ mục đích nào họ muốn” – bà nói.
Bà cũng cho rằng hồ sơ của Restore Life là không đầy đủ, các giấy tờ xác nhận khá cẩu thả và không rõ ràng. Vậy nên, cơ sở này có thể đã gửi những mẫu vật không đạt tiêu chuẩn.
“Tôi chưa từng thấy tình trạng này trước đây. Tôi khá lo lắng về tương lai của việc hiến tạng. Công chúng đã đặt niềm tin vào chúng ta khi họ ký giấy hiến xác. Nhưng những tình huống thế này sẽ khiến họ nghĩ lại” – bà nói.
Phẫn nộ
Khi phóng viên Reuters liên lạc với chủ tịch của Restore Life, ông James Byrd cho biết, đây là một hình thức kinh doanh hợp pháp. “Tổ chức của chúng tôi luôn làm việc có trách nhiệm. Chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với người hiến tặng. Đây là điều cần được tôn trọng vì đó là mối quan hệ cá nhân giữa chúng tôi” – ông nói.
Ông Byrd từ chối trả lời phỏng vấn bằng văn bản. Trong một email mới nhất, ông còn chỉ trích phóng viên Reuters đã đóng giả khách hàng để mua nội tạng.
“Rõ ràng đội ngũ phóng viên Reuters không cần sự giúp đỡ của tổ chức. Song lại tìm cách mua nội tạng. Các bạn chỉ đang cố tình làm tổn thương những nạn nhân cần được giúp đỡ” – ông bức xúc.
Bên cạnh đó, ông Byrd cũng khẳng định, Restore Life đang hoạt động tích cực bằng việc cung cấp bộ phận cơ thể cho các nhà nghiên cứu để tìm ra phương pháp chữa ung thư cũng như các chứng sa sút trí tuệ hiếm gặp.
“Chúng tôi đã giúp đỡ biết bao bệnh nhân thông qua hoạt động nhân đạo của mình. Trong đó có các công trình nghiên cứu nổi tiếng thế giới” – ông viết trong email.
Dù có biện hộ bằng lý luận nào, Restore Life không thể chối bỏ việc họ đã bán nội tạng của người hiến tặng. Bà McArthur nhận định, việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến sự thất bại, cái mà họ đang nói là cống hiến cho nghiên cứu.
Bà McArthur chia sẻ, người thân của những nạn nhân không may qua đời luôn mong rằng, phần còn lại của cơ thể con em mình sẽ giúp ích cho đời chứ không phải để phục vụ cho một ngành công nghiệp nào đó.
Giáo sư giải phẫu học, ông Thomas Champney (Đại học Y dược Miami Miller) cũng bày tỏ sự phẫn nộ: “Bộ phận cơ thể con người không thể đem ra buôn bán như những món hàng đông lạnh”.