Thủy táng hay còn gọi là thủy phân kiềm có thể sẽ là phương pháp mai táng người chết thân thiện với môi trường và hiện được nhiều quốc gia áp dụng.
Trong nhiều thập niên qua, hầu hết con người đã quá quen thuộc với việc chôn cất hoặc hỏa táng sau khi chết. Đây là 2 phương pháp mai táng đã có từ lâu đời.
Trong vài năm trở lại đây, một số bang ở Mỹ cũng như Canada đang bắt đầu tiếp cận với một phương pháp mới bằng cách sử dụng dung dịch kiềm để phân hủy xác chết. Người dân tại Vương quốc Anh cũng đang hy vọng hình thức mai táng này sớm được áp dụng tại đây.

Thủy phân kiềm (thủy táng hay thiêu xác bằng nước) còn được gọi bằng một cách khác là “hỏa táng xanh”. Hôm 23/10, California đã trở thành khu vực thứ 15 phê chuẩn hình thức mai táng này. Các nhà chức trách cho rằng, thủy táng sẽ giúp bảo vệ môi trường, tốt hơn và tiết kiệm hơn so với hỏa táng.
Cách “biến mất” nhẹ nhàng sau khi chết
Robert J Klink là một trong những người quá cố được gia đình lựa chọn phương pháp thủy táng. Ông sinh năm 1950 và lớn lên gần biển, ngay từ nhỏ Robert đã được học cách đánh bắt cá ở vùng Minnesota.
Biển cả trở thành đam mê suốt cuộc đời ông. Ông và người vợ thứ 2 là bà Judi Olmsted đã có nhiều năm đánh bắt trên sông Saint Croix.
Không may mắn, ông mắc ung thư ruột kết và ung thư gan, tình trạng sức khỏe yếu dần và khó lòng qua khỏi. Khi đó vợ ông đã đến nhà tang lễ Bradshaw tại Stillwater để tìm hiểu về phương pháp mai táng.
Bà nói với nhân viên nhà tang lễ rằng muốn lựa chọn hình thức hỏa táng sau khi ông qua đời. Tuy nhiên, bà vô cùng kinh ngạc khi biết rằng nhà tang lễ Bradshaw còn một hình thức mai táng khác là thủy táng.
Nhân viên giải thích rằng đây là phương pháp mai táng vô cùng thân thiện với hệ sinh thái, trong đó sử dụng dung dịch kiềm có chứa kali hydroxyd giúp phân hủy cơ thể.
“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều vì tôi không hề biết gì về phương pháp này” – bà Olmsted nói.
Thông thường sau khi qua đời, người chết có tâm nguyện được chôn cất trong một cỗ quan tài với bia mộ bằng đá. Ở Mỹ, mộ thường được lót bê tông hoặc bên trong quan tài có một lớp kim loại, điều này giúp bảo vệ thi thể người quá cố.
Bên cạnh đó là hỏa táng – phương pháp đốt cháy cơ thể nhanh chóng. Song, một máy hỏa táng hoạt động vô cùng tốn nhiên liệu. Ước tính trung bình cho một cỗ máy có thể đủ sinh nhiệt để sưởi ấm trong nhà vào mùa đông suốt một tuần lễ.
Bradshaw là một trong 14 nhà tang lễ trên thế giới sử dụng phương pháp thủy táng. Giá thành tương đương với hỏa táng và đem lại hiệu quả tốt hơn.

Những lợi ích về môi trường không phải là yếu tố duy nhất khiến khách hàng lựa chọn phương pháp này.
Khi lựa chọn cách thủy phân kiềm, bà Judi Olmsted đã nghĩ tới cuộc đời của chồng mình. Ông gắn bó với biển và phương pháp mai táng bằng nước có lẽ là cách tốt nhất để ông ấy ra đi.
Giám đốc nhà tang lễ Bradshaw, bà Anne Christ, nói: “Chúng tôi không chỉ quan tâm về mặt an toàn tự nhiên và môi trường. Bên cạnh đó còn là cảm xúc của những người còn sống. Họ sẽ nhẹ nhõm hơn khi người thân yêu được ra đi một cách nhẹ nhàng trong nước thay vì đốt cháy”.
Vậy quá trình thủy phân kiềm diễn ra như thế nào?
“Có lẽ nhiều người không muốn biết điều này” – bà cười nói.
Cận cảnh quá trình thủy táng
Ban đầu, cơ thể người chết sẽ được đặt trên một tấm kim loại lớn để đưa vào bên trong máy thủy phân kiềm. Sau đó nước sẽ tràn lên vào làm nóng, dung dịch chứa kali hydroxit.

Phương pháp này giúp thi thể phân hủy một cách tự nhiên với tốc độ nhanh chóng trong khoảng 2 giờ đến 12 giờ đồng hồ. Sau đó người nhà sẽ nhận lại tro cốt như bình thường.
Xương sẽ được làm khô, nghiền thành bột. Gia đình có thể rải tro cốt ở nơi người thân mong muốn hoặc cất giữ trong lọ tro cốt.
Bà Barbara Kemmis, Giám đốc điều hành Hiệp hội hỏa táng ở Bắc Mỹ cho biết: “Với phương pháp này, mọi bộ phận sẽ tiêu tan. Cuối cùng sẽ chỉ còn lại xương của người chết”.
“25 năm trước, có khoảng 15% đến 20% người dân lựa chọn hỏa táng. Tuy nhiên, tính đến năm ngoái, 62% trong số 200.000 qua đời ở California (Mỹ) đã được mai táng bằng phương pháp hỏa thiêu” – Luật sư Terry McHale và là người cố vấn cho Hiệp hội nhà tang lễ California cho biết.
Ông McHale chia sẻ trên Healthline: “Đã có một quá trình thay đổi theo thời gian khi con người lựa chọn phương pháp mai táng người thân. Hiếp pháp cũng quy định rất rõ ràng, chỉ cung cấp dịch vụ thủy táng đối với những người thật sự có nhu cầu sử dụng”.
Đại học California (Los Angeles), một trong những cơ sở sử dụng phương pháp thủy phân kiềm để phân hủy xác chết y tế, đã chứng minh thủy táng là biện pháp an toàn, vệ sinh.
Thủy táng sẽ trở nên phổ biến?
Một số bang ở Mỹ đang hợp pháp hình thức mai táng này như: Florida, Illinois, Minnesota, Maine và Oregon… và sẽ còn tiếp tục lan rộng trong tương lai.
Trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 150.000 người chết và còn số này sẽ còn tăng lên. Hiện nay toàn cầu có khoảng 7,5 tỷ người, nhưng đến cuối thế kỷ này, dân số sẽ là 11 tỷ người.
Ở một số quốc gia, diện tích đất để xây mộ đang hạn hẹp dần. Tại Anh, ước tính rằng một nửa số nghĩa trang sẽ “hết đất” trong 20 năm tới.
Tại London, hội đồng thành phố không còn cung cấp dịch vụ chôn cất. Thay vào đó, phần mộ sẽ được thu gọn lại trên những bức tường.
Việc sử dụng đất để chôn cất mặc dù theo quan niệm truyền thống. Song phương pháp này đã cho thấy nhiều hạn chế và ảnh hưởng tới môi trường.