Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết Chính phủ và Quốc hội thống nhất miễn học phí cho học sinh cả nước, đồng thời hỗ trợ học phí học sinh tư thục, dân lập bằng cách chi trả trực tiếp đến từng học sinh.
Sáng 11.5, Ủy ban Văn hóa – Xã hội Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 2 để cho ý kiến thẩm tra dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, trong đó có nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo 3 – 5 tuổi và miễn học phí cho học sinh từ mầm non tới trung học phổ thông.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc xây dựng nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 2 – 5 tuổi và miễn học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông là thể chế hóa chủ trương của T.Ư Đảng và Bộ Chính trị.
Đối với phương thức thực hiện miễn học phí cho học sinh cả nước từ năm học 2025 – 2026, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, đối với học sinh tại các trường công lập thì đã thống nhất rất cao, ngân sách nhà nước sẽ cấp bù cho trường để học sinh không phải đóng khoản học phí nữa.
Với khối ngoài công lập (trường tư thục hoặc dân lập với khối mầm non), Nhà nước sẽ tính chi phí tương đương để hỗ trợ cho học sinh ở khối này, đảm bảo học sinh cả nước dù học ở trường công hay trường tư đều được hưởng chính sách miễn học phí.
Tuy nhiên, về phương thức chi trả khoản tiền hỗ trợ miễn học phí, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, ban đầu Chính phủ trình phương án sẽ chi trả qua cơ sở giáo dục, cơ quan thẩm tra đã thảo luận với Chính phủ thực hiện phương án chi trả trực tiếp cho học sinh thông qua gia đình, người giám hộ thì tốt hơn, công bằng và đảm bảo hơn.
“Chi trả qua cơ sở giáo dục thì dễ hơn chút. Nhưng ở trường tư, ví dụ học phí trường thu của học sinh là 5 triệu, sau khi Nhà nước hỗ trợ 1,5 triệu/học sinh thì trường có giảm mức thu học phí cho học sinh hay không? Nên tốt nhất là việc thu học phí là thỏa thuận của gia đình học sinh với nhà trường, còn Nhà nước hỗ trợ học phí thì trả trực tiếp cho học sinh”, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu và thông tin, Chính phủ cũng đã tiếp thu và thống nhất phương án này.

Về đối tượng hỗ trợ với nhóm học sinh tư thục, ông Vinh cho biết, theo quy định hiện hành thì quy định sẽ không hỗ trợ học phí đối với học sinh ở khu vực đã có đủ trường công lập.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, “luật quy định thế nhưng thực tế xác định chỗ nào đủ trường công lập rồi để không hỗ trợ thì khó khăn”. Do đó, quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật là sẽ hỗ trợ tất cả học sinh ngoài công lập, không cần xác định khu vực đó đã có đủ trường công lập hay không.
Nhấn mạnh cả 2 nghị quyết trình Quốc hội lần này đều là các chủ trương hết sức nhân văn, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh lưu ý việc quan trọng là thiết kế quy định để đảm bảo tính pháp lý, thể chế hóa được các chủ trương này.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng thông tin thêm, tại kỳ họp lần này, dự kiến Quốc hội cũng sẽ quyết định thêm một chính sách nữa là việc hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh ở các xã biên giới.
“Ủy ban chúng ta cũng sẽ thẩm tra vấn đề này. Chúng tôi cũng kiến nghị rồi vấn đề là cân đối ngân sách như thế nào còn đây là chủ trương rất nhân văn, rất cần thiết”, ông Vinh nhấn mạnh.
Trước đó, tại buổi làm việc với Đảng ủy Chính phủ, các ban, bộ, ngành về chuẩn bị nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kết luận, thống nhất chủ trương Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS ở các xã biên giới. Trong đó ưu tiên các xã biên giới miền núi (đối tượng bao gồm cả học sinh là người dân tộc thiểu số và học sinh là người dân tộc Kinh sinh sống tại các xã biên giới).
Tổng Bí thư lưu ý, thực hiện chủ trương hỗ trợ bữa ăn trưa theo lộ trình, phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nghiêm cấm việc bớt xén tiêu chuẩn ăn của học sinh.
Trước mắt thực hiện tại những xã biên giới đất liền, bắt đầu từ năm học 2025 – 2026 (tháng 9.2025). Trên cơ sở kết quả thực hiện sẽ sơ kết để nhân rộng dần ra toàn quốc. Khuyến khích các địa phương có thể cân đối kinh phí thì thực hiện ngay chủ trương này.
Lê Hiệp / Nguồn: Thanh Niên