Hơn 5 năm kiên trì theo đuổi nghề nuôi chồn hương, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Bình (thôn Đoàn Kết, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã gặt hái thành công. Từ việc bán con giống, mỗi năm, gia đình chị lãi hơn 500 triệu đồng.

Sau nhiều lần thất bại với mô hình nuôi heo sinh sản và heo rừng lấy thịt, đầu năm 2020, vợ chồng chị Bình đầu tư 150 triệu đồng để mua 10 con chồn hương (7 cái, 3 đực) về nuôi. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, vợ chồng chị gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc và phòng bệnh cho đàn chồn. Sau một thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, gia đình chị đã nắm được các đặc tính của chồn để điều chỉnh cách chăm sóc phù hợp.
Chồn hương là loài động vật có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon và được thị trường ưa chuộng. Sau hơn 1 năm gây giống, đàn chồn của gia đình chị Bình phát triển tốt và bắt đầu sinh sản đều đặn. Nhờ vậy, chị nhanh chóng thu hồi vốn.
Chị Bình chia sẻ: Chồn hương dễ nuôi, ít bệnh. Thức ăn chủ yếu là chuối, cá, cổ gà, trứng gà, trứng vịt ung… được nấu chín để nguội rồi cho ăn 1 lần vào buổi chiều. Chị tiêm vắc xin phòng bệnh cho chồn 1-2 lần/năm. Giá bán chồn giống dao động từ 9 triệu đồng đến 30 triệu đồng/cặp (gồm 1 con cái và 1 con đực) tùy theo thời gian nuôi.
Cũng theo chị Bình, chồn có đặc tính ngày ngủ, đêm thức. Ban ngày, chị vẫn có thể làm thêm công việc bảo vệ tại một trường học ở gần nhà. Chiều về, chị chuẩn bị thức ăn cho chồn. Bên cạnh đảm bảo nguồn dinh dưỡng, chị đặc biệt coi trọng vệ sinh chuồng trại để hạn chế dịch bệnh. Từ 10 con chồn hương ban đầu, đến nay, trang trại của chị đã có tới 100 con, bao gồm cả chồn cha mẹ sinh sản và chồn con.

“Chồn hương nuôi 12-14 tháng là bắt đầu sinh sản nhưng thời điểm tốt nhất là khi vật nuôi khoảng 20 tháng tuổi. Giai đoạn này, chồn sinh sản cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi. Chồn mẹ mỗi năm đẻ 2-3 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 6 con. Sau 45 ngày tuổi, chồn con được tách đàn và chăm sóc đến khi cứng cáp thì xuất bán”-chị Bình thông tin.
Hiện nay, ngoài cung ứng chồn giống cho các hộ gia đình trong tỉnh, chị Bình còn xuất bán cho khách tại Đà Nẵng, Kon Tum… Nhờ đàn chồn sinh sản ổn định và giá cả luôn giữ ở mức cao, mỗi năm, gia đình chị thu về khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Bên cạnh bán con giống và chồn thương phẩm, chị Bình còn nhận hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ khác để cùng nhau phát triển kinh tế từ mô hình này, góp phần tăng thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Bình cho biết: “Gia đình tôi dự kiến mở rộng chuồng trại và tăng số lượng nuôi lên 100 con chồn thương phẩm. Chồn nuôi thịt sau 1 năm dự kiến đạt 2,5-4 kg/con, có giá bán dao động 1,3-1,5 triệu đồng/kg”.
Bà Trần Thị Phương-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hiao-nhận xét: “Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Bình là hộ đầu tiên trên địa bàn xã triển khai mô hình nuôi chồn hương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mới đây, Hội đã tổ chức cho các hội viên đến tham quan, học hỏi để nhân rộng mô hình này”.
ĐINH YẾN / Nguồn: Báo Gia Lai