Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủTin Gia Lai"Thực đơn" du lịch ngày xuân

“Thực đơn” du lịch ngày xuân

Đất trời vào xuân, cảnh sắc vùng đất Gia Lai cũng vào mùa đẹp nhất trong năm. Thiên nhiên tươi đẹp, con người gần gũi, thân thiện sẽ là những yếu tố níu chân du khách gần xa mỗi độ xuân về.

Khám phá cảnh sắc

Gia Lai có khí hậu cao nguyên đặc trưng chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Những tháng cuối năm, khi cà phê chín đỏ, lúa vàng trải khắp cánh đồng, dã quỳ rực lên trong nắng chính là thời điểm Gia Lai bước vào mùa khô. Mùa này, nắng hanh hao trong se sắt lạnh. Những cơn gió cuốn dã quỳ vàng chấp chới, đồng cỏ đuôi chồn rạp mình chao nghiêng. Hòa vào thiên nhiên, lữ khách đắm chìm giữa mùa đẹp nhất trong năm nơi miền đất đỏ bazan.

Trên đỉnh Chư Nâm  (huyện Chư Pah). Ảnh internet
Trên đỉnh Chư Nâm (huyện Chư Pah). Ảnh internet

Biển Hồ là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đặt chân tới Pleiku. Chỉ cách trung tâm thành phố chừng 7 km, hồ nước ngọt rộng mênh mông lăn tăn gợn sóng soi nền trời trong xanh, đem lại cảm giác thanh bình, dễ chịu. Bao quanh Biển Hồ là rừng thông mát rượi đổ bóng trên mặt nước càng khiến khung cảnh thêm lãng mạn. Với nhiều du khách, Biển Hồ còn là điểm du lịch tâm linh khi có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá cẩm thạch dựng ở doi đất chạy dài ra giữa hồ. Từ Biển Hồ di chuyển thêm khoảng 4 km nữa sẽ tới núi lửa Chư Đang Ya rực rỡ dã quỳ bao quanh những ruộng khoai mật, dong riềng… Khung cảnh ấy vẽ nên bức tranh làm say đắm lòng người. Men theo con đường bê tông trải dài bên cánh đồng Ngô Sơn là tới chùa cổ Bửu Minh cùng hàng thông trăm tuổi được ví là “con đường Hàn Quốc” ở Gia Lai.

Những ai yêu thích mạo hiểm, khám phá, khi đến Gia Lai có thể lựa chọn chinh phục đỉnh Chư Nâm (huyện Chư Pah). Sau khoảng 4-5 giờ vượt qua con đường lên núi khúc khuỷu, gập ghềnh, đứng trên đỉnh Chư Nâm cao 1.500 m so với mực nước biển, du khách có thể thu vào tầm mắt trọn vẹn khung cảnh Biển Hồ xanh tươi, những thửa ruộng trải dài mênh mông và núi non điệp trùng. Hay sau một buổi vượt rừng Kon Chư Răng (huyện Kbang), bao mệt mỏi sẽ tan biến khi du khách tận mắt nhìn thấy dải nước trắng xóa tựa mây trời tuôn trào từ vách núi cao xuống vực sâu của thác 50.

Hòa cùng nhịp sống

Với 2 dân tộc bản địa là Jrai và Bahnar, bà con tại các ngôi làng còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo như nhà rông, nhà sàn, cồng chiêng, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm cùng các lễ hội đặc sắc gắn liền với đời sống sinh hoạt. Đó là những chất liệu vô giá cho loại hình du lịch cộng đồng. Nếu muốn khám phá, trải nghiệm thì Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung), làng Kgiang và Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) sẽ là điểm hẹn không làm du khách thất vọng. Tại đây, người dân đang hình thành các sản phẩm phục vụ du lịch cộng đồng từ tham quan, trải nghiệm văn hóa đến ẩm thực, trình diễn nhạc cụ, lưu trú… Tất cả đều đậm đà bản sắc.

Nếu muốn tìm về với hoang sơ đại ngàn thì làng Kon Sơ Lal, Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) là lựa chọn phù hợp. Ở đây có mái nhà rông truyền thống lớn nhất tỉnh; vẫn còn đó những nhà sàn lợp tranh, vách đất cũ kỹ ẩn mình sau cây me cổ thụ.

Đặc sắc ẩm thực

Đến Phố núi mà không thưởng thức cơm lam, gà nướng, rượu cần thì chuyến đi chưa thể trọn vẹn. Các quán trên địa bàn TP. Pleiku như: Plây Cồng chiêng (Làng văn hóa du lịch Plei Ốp, phường Hoa Lư), Bazan (phường Thắng Lợi), Nghệ nhân Ksor H’Nao (phường Đống Đa), Plei Tiêng, Plit (xã Tân Sơn) đều là những địa chỉ ẩm thực độc đáo của người Jrai bản địa, mang đậm hương vị núi rừng. Du khách có thể vừa thưởng thức ẩm thực vừa xem biểu diễn đàn trưng, trống cajon, các ca khúc Tây Nguyên hay hòa cùng tiếng cồng chiêng trầm bổng, điệu xoang nhịp nhàng quanh ánh lửa bập bùng.

Đặc sản gà nướng, cơm lam Gia Lai. Ảnh: K.N.B
Đặc sản gà nướng, cơm lam Gia Lai. Ảnh internet

Ngoài các món ăn truyền thống, phở hai tô ở các quán như phở Hồng (đường Nguyễn Văn Trỗi), Ngọc Linh (đường Phan Bội Châu), Ngọc Sơn (đường Nguyễn Thái Học) cũng là những thương hiệu ẩm thực Phố núi nổi tiếng xưa nay. Đất lành chim đậu, Phố núi còn là nơi hội tụ giá trị ẩm thực đặc sắc các vùng miền như mì Quảng, bún bò Huế, bún cua, bún riêu… Món nào cũng đậm đà, hấp dẫn.

Phong phú cơ sở lưu trú

Những năm qua, kinh tế dịch vụ-du lịch Gia Lai phát triển khá mạnh, hệ thống cơ sở lưu trú được tăng cường và dần hoàn thiện với hơn 80 khách sạn đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch, nhiều khách sạn 3-4 sao.

Anh A Ngưi trước homestay của mình ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang. Ảnh: P.V
Anh A Ngưi trước homestay của mình ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang. Ảnh: P.V

Tọa lạc ngay cửa ngõ vào trung tâm TP. Pleiku là Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai đạt tiêu chuẩn 4 sao với 117 phòng tiện nghi, hiện đại. Ngoài các dịch vụ tiện ích như wifi công cộng, bãi đậu xe rộng rãi, bồn tắm nước nóng, sân tennis, phòng thể dục, phòng sauna, massage thì khách sạn này còn có nhà hàng Acacia & Balau nổi tiếng với các món ăn Việt Nam và phương Tây. Khách sạn này là lựa chọn của các nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách quốc tế, trong nước mỗi khi công tác tại Gia Lai. Giá phòng ở đây dao động 1-4 triệu đồng/phòng/ngày.

Bên cạnh đó, TP. Pleiku còn có các khách sạn 3 sao như: Tre Xanh (đường Lê Lai), Pleiku, Khánh Linh (đường Nguyễn Tất Thành), Pleiku & Em (đường Nguyễn Văn Trỗi). Đây đều là những khách sạn nằm trong trung tâm thành phố, trên các tuyến đường nhộn nhịp, thuận lợi cho du khách lưu trú và di chuyển đến các điểm tham quan, mua sắm. Giá phòng tại các khách sạn này từ 600.000 đồng/phòng trở lên.

Ngoài ra, nếu muốn hòa cùng không gian sống với người dân sở tại, du khách có thể lựa chọn hình thức lưu trú homestay. Đó là homestay A Ngưi (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang), Trắng House (đường Lương Định Của), Hani House (đường Phù Đổng), Nhà Tôi (đường Ngô Quyền), Hoa Vàng Homestay (đường Trường Chinh, TP. Pleiku).

PHƯƠNG VI

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới