Trước phản ánh TikToker Võ Hà Linh livestream bán hàng phá giá, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đang vào cuộc xác minh và sẽ xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Chiều 22.5, tại buổi họp báo kinh tế – xã hội định kỳ, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã thông tin về vụ việc liên quan đến TikToker Võ Hà Linh (tên thật là Võ Thị Hà Linh) – người bị tố có dấu hiệu bán phá giá khi livestream bán hàng trên mạng xã hội.
Trước đó, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã có văn bản yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM tiến hành kiểm tra, xử lý các nội dung liên quan đến kênh Võ Hà Linh Official.
Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO), đơn vị này đã nhận được nhiều phản ánh từ người tiêu dùng về hành vi bán hàng của Võ Hà Linh. Các phản ánh cho rằng TikToker này đã livestream bán sản phẩm với giá thấp bất thường, thậm chí rẻ hơn giá niêm yết từ nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chính hãng.
Trong buổi bán hàng ngày 15.3, TikToker Võ Hà Linh còn đăng bài kêu gọi người tiêu dùng tích trữ hàng hóa với lý do từ tháng 4 các sàn thương mại điện tử sẽ tăng phí. VICOPRO cho rằng những thông tin này gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Ở các phiên livestream, mức giá sản phẩm được cho là thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. VICOPRO đánh giá đây là hành vi bán phá giá, mang tính chất cạnh tranh không lành mạnh, gây tổn hại cho các nhà bán lẻ truyền thống.

Phản hồi về vụ việc, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, ngày 15.5, đơn vị đã ban hành văn bản chỉ đạo Đội Quản lý thị trường thực hiện thẩm tra, xác minh đối với Chi nhánh Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Hà Linh Official (trụ sở tại TP.Thủ Đức).
Hiện vụ việc đang trong giai đoạn xác minh, do đó chưa có đủ cơ sở để cung cấp thông tin chính thức. Chi cục khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát sao và báo cáo Sở Công thương TP.HCM ngay khi có kết quả cụ thể.
Vụ việc TikToker Võ Hà Linh đang thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng yêu cầu minh bạch về giá cả, chất lượng hàng hóa từ KOL (người có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) bán hàng trực tuyến. Việc xử lý dứt điểm sẽ là tín hiệu quan trọng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng và siết chặt quản lý thị trường số.
Theo Uyển Nhi (TNO)