Mái ấm Hoa Hồng (địa chỉ L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TPHCM) nơi xảy ra vụ bạo hành trẻ em gây xôn xao dư luận được chính quyền xác định có nhiều sai phạm và đề nghị công an xem xét sớm khởi tố và xử lý nghiêm minh để răn đe.
Ráo riết vào cuộc
Sáng 4/9, từ nguồn tin phản ánh của báo chí về một bảo mẫu làm việc tại mái ấm Hoa Hồng có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với nhóm trẻ em đang được nuôi dưỡng tại mái ấm Hoa Hồng, Công an quận 12 đã phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng có mặt kiểm tra. Lực lượng chức năng đã lấy lời khai của nhiều người liên quan, trong đó có bà H. và những bảo mẫu có hành vi đánh đập trẻ em.
Đến 16 giờ, lực lượng chức năng đã dùng 2 ô tô loại 50 chỗ để đưa hàng chục trẻ đang ở mái ấm này đến 3 cơ sở bảo trợ xã hội công lập trên địa bàn TPHCM để chăm sóc, nuôi dưỡng. Ngoài ra, lực lượng công an cũng đưa một người đàn ông về trụ sở để lấy lời khai.
Chiều cùng ngày, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM đã có mặt tại mái ấm trên để ghi nhận công tác kiểm tra, lấy lời khai những người liên quan.
Chia sẻ với phóng viên, bà V.T.N.H (68 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) cho biết, bà thường xuyên mang đồ từ thiện đến cho các bé tại đây và nhiều lần chứng kiến bảo mẫu chỉ dùng một chiếc muỗng để đút thức ăn cho khoảng 10 trẻ. Theo bà H, cách cho trẻ ăn như trên dễ lây lan bệnh nếu một trong số các em bị ốm. “Xem hình ảnh các cháu bị đánh đập mà tôi đau lòng”, bà H bức xúc và cho rằng những người có hành vi bạo lực như vậy thì không nên làm nghề bảo mẫu.
Tương tự, chị Mai Chi (36 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) biết mái ấm Hoa Hồng thông qua người thân. Chị Chi nhiều lần mang nhu yếu phẩm cho các bé được nuôi ở đây. Khi mang đồ từ thiện đến, đại diện cơ sở này đưa các nhà hảo tâm lên các phòng để thăm các bé.
Theo chủ một quầy vé số gần cơ sở, trừ các nhà hảo tâm, người dân xung quanh muốn lên thăm các bé đều bị từ chối.
Nhiều sai phạm
Chiều cùng ngày, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức họp báo liên quan đến vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng.
Bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH thông tin, Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí được Phòng LĐ-TB&XH quận 12 cấp giấy phép hoạt động số 917/GPHĐ ngày 7/7/2023 với chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang. Người đại diện theo pháp luật là bà Giáp Thị Sông Hương (sinh năm 1974, ngụ phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM).
Ngay khi nhận được thông tin, Sở LĐ-TB&XH cử tổ công tác phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH quận 12 đến Mái ấm Hoa Hồng để xác minh trực tiếp và ghi nhận tổng số trẻ có mặt tại mái ấm là 85 em.
Cụ thể, có 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi; 36 trẻ từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi; 30 trẻ từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi (đang đi học tại trường mầm non trên địa bàn).
Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM nhấn mạnh, cơ sở này nhận tối đa 39 trẻ nhưng đã tiếp nhận 85 trẻ (gấp 2 lần so với số được phép), trong đó có 15 trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi chưa đầy đủ giấy tờ. Cơ sở này do quận 12 cấp phép. Hiện sở đang phối hợp địa phương rà soát, xác minh lần lượt từng trường hợp trẻ được cơ sở này tiếp nhận.
Trước những sai phạm trên, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ công an quận 12 khẩn trương thụ lý, điều tra, xác minh, làm rõ những người có liên quan đến hành vi bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng để sớm khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật vì đây là vụ việc có tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em nhằm ngăn chặn các hành vi bạo hành trẻ em tái diễn.
Địa ngục nơi mái ấm
Theo ghi nhận từ báo chí, trong suốt nhiều ngày, các nhóm trẻ ở cơ sở Hoa Hồng đã bị bảo mẫu Tuyền (47 tuổi) và các cộng sự có hành vi bạo hành không thương tiếc như: bóp mũi và miệng, kẹp chặt chân tay; tát tới tấp vào mặt khiến các em khóc lớn, mặt sưng tấy, đau đớn, chảy nhiều máu miệng.
Các “ác mẫu” còn vừa đánh, vừa chửi rủa các bé. Khi thấy một số bé thức giấc, nằm lăn lộn không chịu ngủ, có bảo mẫu còn thẳng tay bạo hành ngay trong đêm. Các hành vi đánh đập diễn ra hằng ngày như một thói quen của những cá nhân vốn được xem là “mẹ hiền” của các bé.
Theo ông Minh, vụ việc được phát hiện từ tháng 7, tháng 8, đến nay khi các cháu được đưa đến các trung tâm bảo trợ, Sở đã giao nhiệm vụ các đơn vị rà soát sức khỏe tinh thần, thể chất các cháu và báo cáo nhanh về sở.
“Chúng tôi khẳng định đây là vụ việc nghiêm trọng, những hành vi liên quan đến trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Chúng ta đang chuẩn bị đón năm học mới với tinh thần “toàn dân đưa trẻ đến trường, trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” và dành những điều tốt đẹp nhất cho các em. Vụ việc này diễn ra là rất đáng tiếc”, ông Minh bày tỏ.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định, những tổ chức, cá nhân liên quan chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Sở sẽ có giải pháp kiểm tra để đảm bảo an toàn cho trẻ.
TPHCM hiện có 79 cơ sở bảo trợ xã hội, 16 cơ sở công lập, 63 cơ sở ngoài công lập do thành phố và địa phương cấp phép. Các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng, trong chiều 4/9 đã được đưa về chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp, Làng Thiếu niên Thủ Đức và Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình.H. Thuận –
Lãnh đạo TPHCM yêu cầu xử lý nghiêm Ngày 4/9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy có chỉ đạo khẩn vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12). Bà Thúy giao UBND quận 12 chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Công an thành phố và các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe đối với hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em, đồng thời, báo cáo nhanh cho UBND thành phố ngay trong ngày 4/9. |
Theo Tiền Phong