Thứ Ba, 21 Tháng Năm, 2024
Trang chủThời SựTin sáng 16/3: Làm việc online tại nhà, F0 không được hưởng...

Tin sáng 16/3: Làm việc online tại nhà, F0 không được hưởng BHXH; hàng loạt tin vui đến với người dân Hà Nội


F0 nhận tiền bảo hiểm xã hội nhưng vẫn hưởng đủ lương từ công ty có thể bị xử phạt; Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm được phép hoạt động trở lại, các hàng quán ăn ở Hà Nội có thể chủ động thời gian đóng, mở cửa… là những thông tin mà người dân Hà Nội đang mong đợi.

Làm việc online tại nhà, F0 không được hưởng BHXH

Trên thực tế, nhiều người lao động là F0 khi có triệu chứng bệnh nhẹ vẫn có thể tiếp tục làm việc online tại nhà. Trong trường hợp này, F0 có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) nữa không?

Khi bị nhiễm COVID-19, người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được xem xét giải quyết hưởng chế độ ốm đau. Theo Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đồng thời 03 điều kiện sau:

1 – Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động mà phải nghỉ việc.

2 – Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

3 – Không thuộc trường hợp ốm đau, tai nạn do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma túy, tiền chất ma túy.

Theo quy định trên, người lao động phải nghỉ làm vì lý do bị ốm đau thì mới được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, nếu F0 vẫn đủ sức khỏe để làm việc online và nhận đủ lương từ phía doanh nghiệp thì sẽ không được quỹ bảo hiểm xã hội thanh toán tiền ốm đau.

Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội đã nêu rõ, bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,.

F0 nhận tiền bảo hiểm xã hội nhưng vẫn hưởng đủ lương từ công ty có thể bị xử phạt

Theo quy định đã đề cập ở trên, người lao động là F0 phải nghỉ làm khi điều trị Covid-19 thì mới được thanh toán tiền bảo hiểm xã hội. Như vậy, trong thời gian nghỉ ốm đau do bị F0, người lao động sẽ không được hưởng tiền lương từ phía doanh nghiệp.

Song, để hỗ trợ người lao động bị F0 có thêm thu nhập để mua thuốc và bồi bổ, nhiều doanh nghiệp vẫn trả đủ tiền lương theo thỏa thuận. Đây được xem là một khoản phúc lợi hợp pháp mà pháp luật luôn khuyến khích doanh nghiệp thực hiện để người lao động có thêm nhiều quyền lợi. Điều này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 4 Bộ luật Lao động như sau:

1. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Đáng chú ý, trường hợp người lao động là F0 vẫn làm việc và nhận đủ lương nhưng kê khai thông tin không đúng sự thật để hưởng bảo hiểm xã hội, cả người lao động và doanh nghiệp đều sẽ bị xử phạt theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

Tin sáng 16/3: Làm việc online tại nhà, F0 không được hưởng BHXH; phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm có thể mở cửa lại cuối tuần này - Ảnh 2.

Hà Nội cho phép cửa hàng ăn uống hoạt động bình thường, không phải đóng cửa trước 21h

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và mở cửa lại các hoạt động du lịch trong tình hình mới trên địa bàn.

Theo đó, Hà Nội cho phép các các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường (không quy định đóng cửa trước 21h hàng ngày), đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan.

Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai, quyết định số lượng người tham gia các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Về quy định 5K, thực hiện theo thứ tự ưu tiên:

1) Khẩu trang (đảm bảo 100% thực hiện);

2) Khử khuẩn (vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, vệ sinh bề mặt thường xuyên…);

3) Khai báo y tế;

4) Khoảng cách;

5) Không tụ tập đông người.

Hà Nội chính thức mở lại phố đi bộ Hồ Gươm từ 18/3

Tin sáng 16/3: Làm việc online tại nhà, F0 không được hưởng BHXH; phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm có thể mở cửa lại cuối tuần này - Ảnh 3.

Hà Nội mở lại phố đi bộ hồ Gươm từ cuối tuần này

Phố đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm sẽ được mở cửa để phát triển du lịch, người dân đến đây cần vân cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo quy định.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã có quyết định mở lại phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm để phát triển du lịch. Phương án mở lại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã được thành phố Hà Nội đồng ý về chủ trương và mở lại ngày 18/3.

Người dân đến đây cần áp dụng các biện pháp phòng dịch theo quy định, đặc biệt là tuân thủ 5K, kiểm soát người vào tuyến phố, đảm bảo giãn cách hoạt động trên tuyến phố…

Trước đó, tháng 4/2021, UBND quận Hoàn Kiếm thông báo tạm dừng tổ chức hoạt động của các không gian đi bộ trên địa bàn quận từ ngày 30/4/2021 để phòng chống dịch COVID-19.

Cũng liên quan tới không gian đi bộ ở Thủ đô, dịp lễ 30/4 và 1/5 tới đây, tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây (Thị xã Sơn Tây) sẽ được đưa vào hoạt động. Đây sẽ là tuyến phố đi bộ thứ 4 tại Hà Nội.

F0 mới “hạ nhiệt”: Hà Nội đã qua đỉnh dịch COVID-19?

Tin sáng 16/3: Làm việc online tại nhà, F0 không được hưởng BHXH; phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm có thể mở cửa lại cuối tuần này - Ảnh 4.

Sau nhiều ngày “F0 bùng nổ” và đạt đỉnh 32.650 ca/ngày (8/3), số ca mắc mới của Hà Nội đã có xu hướng giảm. Đáng chú ý, từ ngày 13/3 đến nay, Thủ đô chỉ ghi nhận dưới 30.000 F0 mỗi ngày.

“Hà Nội đã qua đỉnh dịch và bắt đầu hạ nhiệt dần?” là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm ở thời điểm hiện tại.

Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội cho hay, tình hình dịch tại Thủ đô đã hạ nhiệt trong khoảng 10 ngày vừa qua.

“Chúng tôi dự đoán có thể vào cuối tháng 3, tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội sẽ hạ nhiệt về mức như trước Tết Nguyên Đán”, vị lãnh đạo này cho hay.

Du lịch chính thức mở cửa từ 15/3: Không hạn chế hoạt động với khách nội địa, khách quốc tế chờ Bộ Y tế hướng dẫn

Trong buổi thông tin về việc mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3 do Tổng cục Du lịch tổ chức chiều nay, ông Nguyễn Trùng Khánh – tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – đã chính thức công bố Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Báo Tiền Phong cho hay, Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Tổng cục được Bộ VHTTDL giao nhiệm vụ công bố phương án mở cửa du lịch trở lại từ 15/3.

Một số vấn đề quan trọng nhất của phương án này chính là: Từ 15/3 du lịch Việt Nam mở cửa lại trong điều kiện mới, mở cửa đối với tất cả hình thức từ đường bộ, đường biển, đường sắt và hàng không tại tất cả các cửa khẩu. Chính sách miễn visa được khôi phục lại như thời kỳ trước dịch COVID-19, theo Nghị quyết mới nhất số 32 của Chính phủ ngày 15/3/2022.

Hoạt động du lịch quốc tế (inbound và outbound) tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, y tế và các quy định liên quan của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ, thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng đối với mọi đối tượng khách du lịch, đặc biệt là tất cả các thị trường khách du lịch quốc tế đáp ứng các điều kiện về xuất nhập cảnh và an toàn y tế đều có thể tới Việt Nam.

“Khách nội địa thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, văn bản hướng dẫn của Bộ VHTTDL, theo đó không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào. Các địa phương chủ động công bố kế hoạch đón khách theo cấp độ dịch”, ông Khánh nói.

Riêng đối với khách quốc tế, ông Khánh cho biết Bộ VHTTDL nỗ lực làm việc để cố gắng có giải pháp cuối cùng tạo điều kiện tối đa cho khách quốc tế. “Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế”, lãnh đạo Tổng cục Du lịch nói. Như vậy điều kiện đối với khách quốc tế vẫn phải chờ ý kiến cập nhật của Bộ Y tế.

Hải Phòng mở cửa thử nghiệm dịch vụ karaoke, vũ trường từ 15/3

Tin sáng 16/3: Làm việc online tại nhà, F0 không được hưởng BHXH; hàng loạt tin vui đến với người dân Hà Nội - Ảnh 8.

Hải Phòng cho phép karaoke, vũ trường được thử nghiệm hoạt động trở lại (Ảnh minh họa).

TP Hải Phòng cho phép thử nghiệm hoạt động trở lại đối với dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường từ ngày 15/3-15/5.

UBND TP Hải Phòng vừa ban hành văn bản về việc thử nghiệm hoạt động trở lại đối với dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường.

Theo đó, TP này đồng ý đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao về việc cho phép thử nghiệm hoạt động trở lại đối với dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố trong 2 tháng, từ ngày 15/3-15/5.

UBND TP Hải Phòng yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường và các đối tượng sử dụng dịch vụ do các cơ sở trên cung cấp phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hướng dẫn của Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao và các nội dung đã cam kết.

Sở Văn hóa và Thể thao được giao chủ trì cùng Sở Y tế, công an thành phố và các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố trong quá trình thử nghiệm hoạt động trở lại đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Văn bản số 497/BVHTTDL-VHCS ngày 18/2/2022.

Bên cạnh đó, UBND TP Hải Phòng yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố ký cam kết tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh của trung ương và thành phố; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; báo cáo UBND thành phố kết quả hoạt động thử nghiệm; căn cứ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố, kịp thời đề xuất điều chỉnh đối với việc thử nghiệm hoạt động trở lại của các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (nếu có).

Quảng Ninh cho mở lại karaoke, vũ trường, massage ở TP Uông Bí

UBND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản cho phép mở lại các hoạt động thể thao, dịch vụ,… trên địa bàn với yêu cầu phải đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch.

Theo đó, từ 12h ngày 15/3, thành phố cho phép mở lại các hoạt động dịch vụ, các cơ sở kinh doanh có điều kiện như karaoke, vũ trường, bar, massage, spa, dịch vụ internet, trò chơi điện tử công cộng, cơ sở thể dục, thể thao, bi-a, gym…

Đồng thời, các khu, điểm du lịch, nhà hàng, cơ sở lưu trú, quán cafe, giải khát, cắt tóc… cũng được phép hoạt động 100% công suất.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đám cưới, đám tang, vui chơi giải trí nơi công cộng trên địa bàn thành phố được hoạt động trở lại, tuy nhiên tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định hiện hành.

UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các phòng, ban, ngành chức năng, UBND các xã, phường trên địa bàn tăng cường công tác quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thành phố cũng khuyến cáo, khi các hoạt động được mở cửa lại người dân tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế, chủ động tự nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và vì sự an toàn của cộng đồng.

Ra ngoài rồi vô tình làm lây lan dịch, F0 có bị truy trách nhiệm hình sự?

Nêu quan điểm về quy định nêu trên, luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng, chủ trương này của Bộ Y tế trong bối cảnh hiện tại là phù hợp và cần thiết.

Tuy nhiên, luật sư Tiền lưu ý thêm, việc cho phép F0 được ra khỏi nơi cách ly không đồng nghĩa với việc lơi lỏng thực hiện các quy định về phòng chống dịch. Bởi lẽ dù phần đông người dân đã được tiêm vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ người bệnh trở nặng và tử vong. Do đó, các chế tài đối với các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch vẫn được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho người dân, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Cụ thể, về xử phạt vi phạm hành chính, nếu người bệnh không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách rồi vô tình làm lây lan dịch bệnh thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo hậu quả gây ra.

Cá biệt, các trường hợp F0 ra ngoài rồi cố ý không đảm bảo các quy định phòng, chống dịch, làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì có thể phải chịu mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo Điểm c Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nếu chưa tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

K.N (th)

Nguồn: Giadinh.suckhoedoisong.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới