Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo nghiên cứu xây dựng lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030-2035.
Văn phòng Trung ương Đảng vừa ban hành thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như định hướng thời gian tới.
Theo Tổng Bí thư, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, là nền tảng quan trọng nhất cho hạnh phúc của mọi người và sự phát triển của quốc gia. Vì vậy, đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước.
Trước yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư nhấn mạnh công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển nhanh và bền vững.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cần hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh, mọi người dân đều được sống lâu, sống khỏe, sống lành mạnh, sống hạnh phúc.

Tổng Bí thư Tô Lâm (Ảnh: Phạm Thắng).
Cũng theo Tổng Bí thư, nguồn nhân lực phải có đủ sức khỏe về thể chất, tinh thần, trí tuệ và đạo đức để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Tổng Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Đảng ủy Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo để tạo đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết mới không thay thế các nghị quyết, chỉ thị, kết luận đã có, mà tập trung giải quyết những vấn đề mới, vấn đề lớn, những điểm nghẽn, nút thắt, xác định rõ mục tiêu, lộ trình và trách nhiệm cụ thể trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo yêu cầu của Tổng Bí thư, nội dung này cần hoàn thành báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 5, đồng thời Đảng ủy Chính phủ phối hợp Đảng ủy Quốc hội để chuẩn bị thể chế hoá ngay trong kỳ họp Quốc hội sắp tới cũng như chuẩn bị về tài chính, ngân sách.
Về định hướng một số chủ trương cụ thể thực hiện ngay, Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, triển khai kiện toàn hệ thống tổ chức ngành y tế từ Trung ương tới cơ sở phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với mô hình phân tầng kỹ thuật y tế rõ ràng, hiệu quả, bảo đảm tính kế thừa, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cấp chuyên môn.
Đặc biệt, Tổng Bí thư quán triệt cần quan tâm củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở, đây là tuyến y tế gần dân nhất, đóng vai trò “gác cửa” của hệ thống y tế, cần được củng cố toàn diện, bảo đảm chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, quản lý bệnh mãn tính, phát hiện sớm và điều trị ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, cập nhật sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử…
“Hệ thống y tế cơ sở phải mạnh lên, đủ năng lực, đủ con người, đủ công nghệ, phải là nơi người dân đặt niềm tin. Chỉ như vậy mới có thể thực hiện được việc chăm sóc sức khỏe toàn dân một cách bền vững, công bằng và hiệu quả”, theo Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần. Ông giao Đảng ủy Bộ Y tế xây dựng Đề án cụ thể báo cáo Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất, những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị để chỉ đạo.
Tổng Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030-2035.
Mặt khác, Tổng Bí thư lưu ý cần rà soát lại các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, sớm hoàn thành sổ sức khỏe điện tử trên toàn quốc, triển khai bệnh án điện tử, kết nối đồng bộ dữ liệu sức khỏe; chia sẻ, công nhận và sử dụng kết quả khám, điều trị giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, giữa các ngành, các cấp…
Theo Tổng Bí thư, một xã hội khỏe mạnh không thể chỉ trông chờ vào bác sĩ, mà phòng bệnh phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh những yếu tố ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, thể dục, thể thao, khám sức khoẻ định kỳ; nói không với rượu bia, thuốc lá, chất kích thích… chính là nền tảng cho một Việt Nam khỏe mạnh hơn trong tương lai.
Hoài Thu / Nguồn: dantri.com.vn