Giới quan sát nhận định, việc Triều Tiên tuyên bố sắp đuổi kịp năng lực hạt nhân của Mỹ có phần phóng đại. Song thực tế, Bình Nhưỡng vẫn đúng khi khẳng định đủ năng lực để “tấn công nước Mỹ”.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng gần như đã cân bằng với Mỹ. Tuy nhiên, chia sẻ với Sputnik, một số nhà quan sát người Nga cho rằng, tuyên bố của Triều Tiên có phần phóng đại nhưng thực tế, Bình Nhưỡng vẫn đúng khi khẳng định đủ năng lực để “tấn công nước Mỹ”.
Phát biểu tại buổi hội thảo về việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân tại Moscow hôm 20/10, người đứng đầu ban phụ trách khu vực Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son-hui đã khẳng định, Triều Tiên sắp đuổi kịp Mỹ về năng lực hạt nhân.

“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đạt thế cân bằng với Mỹ, để Washington không còn dám bàn luận về việc tiến hành bất cứ hành động quân sự nào chống lại Triều Tiên”, bà Choe nói.
Cũng theo bà Choe, năng lực của các loại vũ khí hạt nhân chính là “sự sống còn” của Triều Tiên và Bình Nhưỡng cũng không có ý định đàm phán với Washington về vị thế hạt nhân hiện tại.
“Tình hình hiện tại càng khiến Triều Tiên hiểu rằng, chúng tôi cần vũ khí hạt nhân để chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng. Hiện Triều Tiên đang phải sống dưới mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ và chỉ có Mỹ là quốc gia duy nhất liên tục bị vũ khí hạt nhân Triều Tiên nhắm tới”, bà Choe nói thêm.
Bình luận về phát biểu của bà Choe, nhà nghiên cứu cấp cao Evgeny Kim tại Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Khoa học Nga nhận định, Bình Nhưỡng có thể đã phóng đại khi tuyên bố gần đuổi kịp sức mạnh quân sự của Mỹ, cũng như có thể khiến Mỹ bị thiệt hại nặng nề trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
“Ở đây đã có sự phóng đại bởi Triều Tiên chưa thể sánh với Mỹ về công nghệ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ngay cả ở thời điểm hiện tại và cả một thập kỷ tới”, Sputnik dẫn lời ông Kim.
Ông Kim còn nhấn mạnh, “thứ nhất, Triều Tiên chưa có hệ thống mang đầu đạn hạt nhân như Mỹ đang sở hữu. Thứ hai, Triều Tiên cũng không có nhiều đầu đạn hạt nhân như Mỹ. Dù Triều Tiên đã thử nghiệm đầu đạn hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng chưa thể sản xuất đại trà. Nói cách khác, Triều Tiên chỉ có thể sản xuất hàng loạt sau 2 – 3 năm nữa”.
Ông Kim nói thêm, “Triều Tiên vẫn có lý khi nói họ có thể gây thiệt hại cho quân đội Mỹ. Ví dụ, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan hiện đang có mặt trên biển Nhật Bản. Triều Tiên hoàn toàn có thể sử dụng các công nghệ tên lửa để tiêu diệt nhóm tàu sân bay này. Do đó, Triều Tiên vẫn đúng khi nói có thể tấn công Mỹ”.
Tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đã quay trở lại trong tuần trước, khi mà Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung ở khu vực phía đông bán đảo Triều Tiên. Cụ thể, 40 tàu chiến của Mỹ và Hàn Quốc bao gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng máy bay ném bom chiến lược B1-B của không quân Mỹ đã xuất hiện tại khu vực trải dài từ biển Hoàng Hải tới biển Nhật Bản.
“Mỹ muốn giải quyết tình hình. Washington cũng đã chuẩn bị phương án dùng vũ lực nếu cần thiết để chắc chắn rằng, Bình Nhưỡng không có năng lực đẩy Mỹ vào tình thế nguy hiểm”, Giám đốc CIA Mike Pompeo cho hay.
Khi được hỏi về việc liệu tuyên bố của Giám đốc CIA là muốn nhắm tới một cuộc tấn công sắp xảy ra giữa Mỹ và Triều Tiên, nhà phân tích chính trị Vladimir Terekhov cho rằng, những lời hiếu chiến chỉ là một phần trong chiến lược gia tăng áp lực với Trung Quốc.
Song theo ông Terekhov, không nên loại trừ bất cứ tình huống xấu nào bởi liên quan tới tình hình căng thẳng Triều Tiên, Mỹ đã tính tới phương án tấn công quân sự.
Còn trong bài phát biểu hồi đầu tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về việc không nên ép Triều Tiên vào “chân tường” đồng thời nhấn mạnh, Triều Tiên là một quốc gia có chủ quyền và “mọi mâu thuẫn cần được giải quyết theo cách văn minh”.