Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủCông Nghệ'Trọng nam khinh nữ' - căn nguyên của việc phụ nữ bị...

‘Trọng nam khinh nữ’ – căn nguyên của việc phụ nữ bị bạo hành triền miên ở Hàn Quốc

Phim ảnh và các sản phẩm quảng bá vẽ ra cho chúng ta viễn cảnh về một đất nước Hàn Quốc đầy mộng mơ, giàu có sung túc và bình đẳng. Nhưng cũng như nhiều quốc gia khác, đất nước của vùng Đông Á đang tồn tại sự bất bình đẳng giới nghiêm trọng và đáng báo động.

Hàn Quốc xếp hạng thứ 18 trong báo cáo phát triển con người của Liên Hợp Quốc năm 2016. Nhưng ở một khía cạnh khác, đất nước này xếp thứ 116 (Việt Nam xếp thứ 65) trên bảng xếp hạng bất bình đẳng giới toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016 – thấp nhất trong tất cả các quốc gia phát triển. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng mô tả bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc là một ‘thực tế đáng xấu hổ’. 

Phụ nữ bị bạo hành triền miên

Hàn Quốc là quốc gia mà Nho giáo với tư tưởng nam giới có vai trò quan trọng hơn nữ giới vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc. Rất nhiều người phụ nữ ở nước này hàng ngày, hàng giờ vẫn phải hứng chịu những bất công trong xã hội.

Năm 2017 tại một quận trung tâm của Seoul (thủ đô Hàn Quốc) một người đàn ông 22 tuổi liên tục đánh vào một người phụ nữ bằng các đòn rất mạnh. Anh ta quật ngã người phụ nữ xuống đất nhiều lần trước khi những người đi bộ đến can ngan. Sau đó, thủ phạm tiếp tục lái chiếc xe tải của mình đi vào ngõ để đuổi theo người phụ nữ. Theo nạn nhân thì vụ việc xảy ra khoảng 1 tuần sau khi họ chia tay. Vụ việc này được quay video và phát tán rộng rãi trên mạng xã hội khiến lực lượng cảnh sát Hàn Quốc đã phải thực hiện kế hoạch hành động 100 ngày để trấn áp bạo lực đối với phụ nữ.

Vụ việc người đàn ông đánh cô gái ngay giữa trung tâm Seoul gây bức xúc trong dư luận Hàn Quốc

Nhưng đó không phải là vụ bạo hành hiếm hoi ở Hàn Quốc. Tại đất nước này, những vụ ngược đãi, bạo lực với căn nguyên là bất bình đẳng giới… diễn ra rất nhiều.  Theo cơ quan Cảnh sát Hàn Quốc, vào năm 2015 có 8.367 người bị bắt giam vì tội bạo hành thể xác đối với phụ nữ (bạn đời, người yêu), tăng 8,8% so với năm 2014. Những vụ bạo hành đến từ tư tưởng gia trưởng, phân biệt đối xử với phụ nữ đã ăn sâu vào suy nghĩ của một bộ phận đàn ông Hàn Quốc.

Tháng 5/2016, một cô gái 23 tuổi bị một người đàn ông lại mặt đâm chết trong nhà vệ sinh công cộng tại quận Gangnam – nơi nổi tiếng xa hoa và giàu có ở Seoul. Lý do mà thủ phạm đưa ra rất đơn giản, anh ta không thích phụ nữ vì họ coi thường mình. Vụ việc đương nhiên gây phẫn nộ trong dư luận Hàn Quốc. Nhưng rồi rất nhiều người đàn ông ở đất nước này đã bình luận trên mạng xã hội rằng phụ nữ đang làm quá mọi chuyện.

Năm 2017, một nghiên cứu dựa trên 2.000 người đàn ông Hàn Quốc cho thấy 1.593 người (79,7%) từng lạm dụng thể xác hoặc tâm lý của bạn gái khi đang hẹn hò. Khoảng 71% số người được hỏi cũng cho biết họ kiểm soát hoạt động của bạn gái thong qua việc hạn chế tương tác với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình.

Trong số 1.593 người từng lạm dụng bạn gái khi hẹn hò, có 24% cho biết đã có hành động bạo lực thể xác. Đặc biệt hơn, có khoảng 100 người đàn ông nói rằng họ đã đấm bầm tím hoặc để lại những vết sẹo nhỏ trên cơ thể người yêu mình.

Trưởng nhóm nghiên cứu Hong Young Oh nói với báo chí rằng chính những người lạm dụng bạn gái cũng không nhận thức được hành động của mình là ngược đãi khi hẹn hò. Họ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng gia trưởng.

Chính sách tuyển dụng khắc nghiệt

Năm 2018, Hàn Quốc xếp hạng 30/36 quốc gia trong OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) về việc làm cho phụ nữ dù nước này xếp hạng cao nhất trong Tổ chức về tỷ lệ giáo dục đại học cho phụ nữ tuổi từ 25 – 34. Giáo sư Park Kwi-cheon đến từ trường luật Ewha ở Seoul nói với báo chí rằng: ‘Phụ nữ Hàn Quốc có tỷ lệ việc làm rất thấp dù trình độ học vấn cao. Chúng ta có thể thấy rằng việc phân biệt giới tính khi tuyển dụng vẫn đang tiếp diễn bằng nhiều cách và phổ biến trong xã hội’.

Những con số và phát biểu trên được coi là khá đúng với những gì đang diễn ra tại Hàn Quốc. Cách đây vài năm 3 trong số các ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc gồm KB Kookmin Bank, KEB Hana Bank and Shinhan Bank đã bị phát hiện loại bỏ các ứng viên nữ và thao túng điểm số để ưu tiên nam giới.

Phụ nữ Hàn Quốc khó tìm việc làm hơn nam giới rất nhiều

Trong một vụ việc khác, giám đốc điều hành của tập đoàn an toàn khí đốt Hàn Quốc (KGS) – Park Ki-dong bị phát hiện đã chủ động thao túng điểm số của 31 ứng viên khiến 8 phụ nữ có đủ điểm số bị loại và thay thế bằng các ứng viên nam trình độ thấp hơn trong năm 2015 và 2016.

Ở Hàn Quốc, khi mà tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn rất nặng nề, việc tìm việc của phụ nữ là khó khăn hơn nam giới rất nhiều. Họ thường bị xem xét rất kỹ về ngoại hình dù điều này bị cấm ở Hàn Quốc. Đặc biệt hơn các công ty lớn thường chỉ phải đối mặt với những hình phạt ở mức tối thiểu nếu phân biệt đối xử với phụ nữ. Khi ngân hàng KB Kookmin bị kết tội phân biệt đối xử với 112 ứng viên là nữ giới, họ chỉ bị phạt 4.500 USD và các nhân viên làm công tác tuyển dụng bị phạt kết án tù treo.

Trong cuộc trao đổi với CNN – một cô gái trẻ đề nghị giấu tên vì sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp cho biết: ‘Khi đi phỏng vấn công việc bán hàng, người tuyển dụng đã nói thẳng với tôi “Phụ nữ không phù hợp để làm việc này, bạn là phụ nữ, sao bạn lại theo đuổi ngành này nhỉ?”. Cô gái sau đó đi phỏng vấn ở một công ty khác và được hỏi về kế hoạch kết hôn, con cái trong khi 2 ứng viên nam khác chỉ được hỏi về công việc.

Nhưng kể cả khi có việc làm, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn chưa kết thúc với phụ nữ ở Hàn Quốc. Khi đang trong độ tuổi lao động và có con, phụ nữ ở đất nước này phải đối mặt với áp lực rất lớn hoặc là nghỉ việc hoặc trở lại với mức lương thấp hơn rất nhiều. Thậm chí nhiều người khi trở lại còn phải làm việc bán thời gian thay vì là toàn thời gian như trước.

Năm 2018, trong chương trình Get Real của Channel NewAsia, một phụ nữ có tên Jung Myung Shin nói rằng khi ở chỗ làm, nếu sếp nói đi ăn tối với cả nhóm đi thì nhiều phụ nữ e sợ và không thể không đi. 

Cách đây không lâu, một cô gái trẻ đã tố cáo bị quản lý trực tiếp của mình hãm hiếp ngay sau khi được nhận vào làm nhân viên chính thức của một công ty. Nhưng rồi để được tiếp tục làm việc, cô gái trẻ đã phải hủy đơn tố cáo. Sau đó, công ty đã cắt 10% lương của cô trong 6 tháng liên tiếp.

Theo một điều tra của Bộ giới tính, bình đẳng và gia đình Hàn Quốc vào năm 2016 thì có tới 8/10 phụ nữ cho biết họ từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Rất nhiều chính sách đã được áp dụng để thay đổi tình trạng bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc nhưng điều này là không dễ dàng.  Trong cuộc phỏng vấn với kinh truyền hình CNN, một cô gái cho biết: ‘Tôi nghĩ rằng những tư tưởng xã hội cũ ở Hàn Quốc là không dễ dàng thay đổi – bạn không thể thay đổi những gì có trong tiềm thức của mọi người’. Một cô gái khác cho biết: ‘Tôi thường nghĩ sẽ tìm kiếm một công việc ở nước ngoài, sau đó tôi sẽ được giải phóng khỏi tất cả các tư tưởng bất bình đẳng giới’.

T.T

Theo Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới