Thứ Tư, 17 Tháng Tư, 2024
Trang chủBí Ẩn Khoa HọcTrung Quốc thực hiện sứ mệnh đặc biệt trên mặt trăng lần...

Trung Quốc thực hiện sứ mệnh đặc biệt trên mặt trăng lần đầu sau 50 năm

Trung Quốc trong tuần này sẽ phóng tàu thăm dò để lấy mẫu đất, đá trên mặt trăng, khôi phục nỗ lực từ năm 1970.

Trung Quốc sẽ phóng tàu thăm dò lên mặt trăng để thu thập mẫu đất, đá, trong sứ mệnh đầu tiên sau 50 năm. Ảnh: AFP
Trung Quốc sẽ phóng tàu thăm dò lên mặt trăng để thu thập mẫu đất, đá, trong sứ mệnh đầu tiên sau 50 năm. Ảnh: AFP

Reuters dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết, tàu thăm dò Chang’e-5, đặt theo tên của nữ thần mặt trăng của Trung Quốc cổ đại, sẽ tìm cách thu thập các mẫu vật chất có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm về nguồn gốc và sự hình thành của mặt trăng.

Sứ mệnh này sẽ thử nghiệm khả năng của Trung Quốc trong việc thu thập từ xa các mẫu vật trong không gian vũ trụ, tiền đề để chuẩn bị cho những sứ mệnh phức tạp hơn trong tương lai.

Nếu thực hiện thành công, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới thu thập được các mẫu vật chất trên mặt trăng, sau Mỹ và Liên Xô nhiều thập kỷ trước.

Trong chương trình Apollo – lần đầu tiên đưa con người lên mặt trăng – Mỹ đã thực hiện tổng cộng 6 chuyến bay, đưa 12 phi hành gia lên mặt trăng từ năm 1969 đến năm 1972, mang về 382 kg đá và đất.

Liên Xô cũng đã triển khai thành công 3 nhiệm vụ nghiên cứu mặt trăng tự động vào những năm 1970. Chiếc tàu thám hiểm cuối cùng mang tên Luna 24, lấy được 170,1 gram mẫu vào năm 1976 từ khu vực Mare Crisium của mặt trăng.

Tàu thăm dò Trung Quốc, dự kiến lên đường trong vài ngày tới, sẽ cố gắng thu thập 2 kg mẫu đất đá tại một khu vực chưa từng được khám phá trên mặt trăng – một đồng bằng dung nham khổng lồ được gọi là Oceanus Procellarum.

Sứ mệnh của Chang’e-5 có thể giúp trả lời các câu hỏi như mặt trăng còn hoạt động núi lửa trong bao lâu và khi nào từ trường của nó – chìa khóa để bảo vệ bất kỳ dạng sống nào khỏi bức xạ của mặt trời – tiêu tan.

Cụ thể, khi đã vào trong quỹ đạo của mặt trăng, tàu thăm dò Chang’e-5 hướng tới việc triển khai một cặp phương tiện trên bề mặt hành tinh: Một tàu đổ bộ sẽ khoan vào lòng đất, sau đó chuyển các mẫu đất và đá đó sang một máy bay để đưa lên một trạm module quỹ đạo.

Nếu thành công, các mẫu vật sẽ được chuyển đến một tàu con thoi, quay trở lại Trái đất.

Trung Quốc lần đầu tiên hạ cánh trên mặt trăng vào năm 2013. Tháng 1.2019, tàu thăm dò Chang’e-4 của nước này đã chạm tới phần xa hơn của mặt trăng – đi tiên phong trong tất cả các quốc gia.

Trong vòng một thập kỷ tới, Trung Quốc có kế hoạch thiết lập một trạm vũ trụ riêng để tiến hành các thăm dò không người lái ở khu vực cực nam và tiếp tục triển khai các sứ mệnh Chang’e-6, 7 và 8 trong những năm 2020 và mở rộng đến những năm 2030 trước khi thực hiện sứ mệnh đổ bộ có người lái.

Hồi tháng 7, Trung Quốc đã phóng một tàu thăm dò không người lái lên sao Hỏa trong một sứ mệnh độc lập đầu tiên tới một hành tinh khác. Nước này cũng có kế hoạch lấy mẫu từ sao Hỏa vào năm 2030.

PHƯƠNG LINH (LĐO)

https://laodong.vn/the-gioi/trung-quoc-thuc-hien-su-menh-dac-biet-tren-mat-trang-lan-dau-sau-50-nam-856465.ldo

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới