Từ lễ hội cỏ hồng Đak Đoa đến lễ hội hoa dã quỳ trên ngọn núi lửa Chư Đăng Ya, có thể thấy Gia Lai đã bắt đầu có những động thái rõ ràng, cụ thể hơn để tận dụng những tiềm năng du lịch tỉnh nhà. Nhưng có một câu hỏi rằng, lẽ nào trước đó đồi cỏ hồng, núi lửa Chư Đăng Ya chưa từng đẹp đến thế? Hay chúng ta đã thờ ơ không hành động để những điểm đến ẩn khuất, mai một? Làng Kon Sơ Lăl cũ (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) là một ví dụ như thế.
Đồi cỏ hồng và rừng thông bonsai tại xã Glar (huyện Đak Đoa) thực ra đã tồn tại từ lâu. Đó là đồng cỏ rộng lớn tựa như thảo nguyên châu Phi mà chúng ta vẫn thường thấy trên màn ảnh nhỏ. Đặc biệt hơn, cứ đến những ngày đầu đông, khi những cơn gió lạnh ùa về, cỏ nơi đây bừng lên sức sống với màu hồng tím phơn phớt, bao trùm một vùng rộng lớn. Điều đáng nói, đồi cỏ nằm ngay bên con đường từ thị trấn Đak Đoa đi các xã Glar, xã Trang và A Dơk.
![]() |
Làng Kon Sơ Lăl trầm mặc ở thời điểm hiện tại. Ảnh: V.N |
Tuy nhiên phải đến năm 2016, từ một bài viết trên báo Gia Lai và nhờ sự chia sẻ của cộng đồng mạng, đồi cỏ hồng Glar mới trở thành một điểm đến thực sự. Mới đây, nhằm quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch, huyện Đak Đoa đã lần đầu tiên tổ chức lễ hội dành riêng cho nơi này.
Cũng tương tự, núi lửa Chư Đăng Ya đã sừng sững ở đó từ hàng ngàn năm. Loài hoa dã quỳ cũng mọc len lỏi quanh những nương rẫy của người nông dân đã từ lâu lắm rồi. Đến cả những người già nhất ở Chư Đăng Ya cũng không biết được rằng, dã quỳ đã mọc ở ngọn núi này từ bao giờ. Cũng từ mạng xã hội facebook, từ những lần “check-in” (đến để chụp ảnh, đăng mạng xã hội) của các bạn trẻ, những album ảnh cưới, Chư Đăng Ya bỗng trở thành một điểm đến hấp dẫn cho những ai thích du lịch, đặc biệt trong mùa hoa dã quỳ vàng nở. Trước một sức hút lớn đến như vậy, lễ hội hoa dã quỳ đã được tổ chức để Chư Đăng Ya “danh chính ngôn thuận” trở thành một địa chỉ du lịch của tỉnh nhà chứ không chỉ là điểm “check-in” đơn thuần của cư dân mạng.
Dù không còn nhiều hoa nhưng lễ hội vẫn thu hút đông đảo du khách. Vậy đủ thấy, tiềm năng của những đồi cỏ, núi lửa lớn đến như thế nào? Vậy tại sao phải đến năm 2017, những lễ hội này mới được tổ chức?
Khi đặt câu hỏi này, chúng tôi bỗng chạnh lòng nhớ về làng Kon Sơ Lăl cũ ở xã Hà Tây, huyện Chư Pah. Có một nhà báo khi đến ngôi làng này đầu năm 2011 đã thốt lên rằng: “Đó là ngôi làng Bahnar đẹp nhất mà tôi từng gặp”. Chúng tôi tin rằng, không ít người sẽ phải thốt lên như thế khi lạc bước vào không gian của một ngôi làng Bahnar “nguyên chất” như vậy.
Kon Sơ Lăl cũ là một ngôi làng đặc biệt bởi khi dân làng dời đến khu tái định cư, họ vẫn quyết định giữ lại làng cũ và vẫn luôn coi nó như linh hồn. Những ngôi nhà sàn với mái tranh, vách đất nằm dưới tán cây, đặc biệt là ngôi nhà rông với cột được làm bằng gỗ trắc là những thứ người ta sẽ khó lòng tìm thấy ở một ngôi làng nào nữa. Nhưng Kon Sơ Lăl đìu hiu và trầm mặc bởi chỉ còn những người già hoài cổ sinh sống. Tất cả dân làng đã dọn về làng mới. Có chăng mỗi khi nhớ làng, họ lại kéo nhau về nhà rông, đốt đống lửa rồi nghêu ngao hát những câu ca hào sảng giữa núi rừng, rồi lại ra đi.
Nhiều bài viết đã được đăng tải trên khắp các mặt báo để kêu gọi bảo tồn Kon Sơ Lăl trước nguy cơ mai một và hãy biến nơi đây thành điểm du lịch. Suốt 4 năm nỗ lực kêu gọi nhưng không hề có động thái gì từ các cơ quan chức năng. Đến giữa năm 2015, làng Kon Sơ Lăl bỗng dưng bốc cháy sau một vụ sét đánh. Ngôi nhà rông cùng 12 căn nhà với rất nhiều gỗ quý đã bị thiêu rụi khiến người Kon Sơ Lăl bàng hoàng, đau xót. Để nói về sự kiện ấy, một tờ báo đã phải viết lên rằng: “Cháy làng Kon Sơ Lăl cũ, Tây Nguyên mất đi một báu vật”.
Những ngày cuối năm 2017, trở lại ngôi làng, chúng tôi bùi ngùi khi chứng kiến “báu vật” năm nào xác xơ đến điêu tàn. Vụ cháy đã tạo ra một khoảng trống huơ hoác ở giữa làng. Nhiều ngôi nhà xập xệ không người ở đã ngả rạp xuống đất một cách bất lực. Vẫn có những người già ở lại làng nhưng lay lắt, hệt những ngôi nhà tranh đang run rẩy trước cơn gió mùa khô.
Lê Văn Ngọc
Baogialai.com.vn