Thứ Sáu, 3 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiTục đưa-rước tổ tiên trong dịp Tết: Đạo lý về chữ hiếu...

Tục đưa-rước tổ tiên trong dịp Tết: Đạo lý về chữ hiếu và cội nguồn

Quan niệm “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” đã ăn sâu trong tâm thức của người Việt từ bao đời. Ngày nay, tục đưa-rước tổ tiên vẫn được nhiều gia đình coi trọng, gìn giữ vào mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc như một minh chứng rõ nét nhất cho đạo lý về chữ hiếu và cội nguồn. Chiều ngày mùng 3 Tết, các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Văn Ánh (thôn 5, xã Thành An, thị xã An Khê, Gia Lai) đã gác lại mọi hoạt động vui chơi, du Xuân để tập trung về nhà cùng nhau sửa soạn mâm cơm cúng đưa tổ tiên, ông bà sau 3 ngày Tết về sum vầy cùng con cháu. Hai người con gái của ông Ánh lập nghiệp ở xa cũng chọn ngày này để về thăm nhà và tham gia nghi lễ truyền thống của gia đình.

Nhiều người lựa chọn trái cây để cúng đưa ông bà trong ngày mùng 3 Tết. Ảnh: Mộc Trà
Nhiều người lựa chọn trái cây để cúng đưa ông bà trong ngày mùng 3 Tết. Ảnh: Mộc Trà

Từ sáng sớm, bà Còn (vợ ông) đã đi xuống chợ, chọn mua những loại thực phẩm, rau xanh tươi ngon nhất; mâm ngũ quả, cau trầu cùng bó hoa vạn thọ vàng tươi để về chưng bàn thờ. Sau bữa cơm trưa là lúc cả nhà ông bắt tay vào chuẩn bị mâm cơm cúng đưa.

Trầu cau là thức không thể thiếu trên bàn thờ ông bà, tổ tiên trong những ngày Tết. Ảnh: Mộc Trà
Trầu cau là thức không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên trong những ngày Tết. Ảnh: Mộc Trà

Ông Ánh chia sẻ, con người có linh hồn nên khi ông bà đã chết, dù thể xác có mất đi nhưng linh hồn là bất diệt, vẫn về phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Do đó, tục cúng đưa-rước ông bà luôn được gia đình tôi duy trì qua nhiều thế hệ. Tùy vào điều kiện của từng nhà mà các loại thức ăn trên mâm cỗ cúng đưa ông bà có thể khác nhau, nhưng phải đảm bảo các món: kho, xào, canh, bánh tráng nướng, bánh tét, củ kiệu, bánh mứt, ngũ quả, trầu cau…

Gia chủ rót rượu cúng đưa tổ tiên. Ảnh: Mộc Trà
Gia chủ rót rượu cúng đưa tổ tiên. Ảnh: Mộc Trà

Sau khi mọi lễ vật được chuẩn bị tươm tất, ông Ánh bắt đầu thủ lễ, dâng hương vái lạy và rót trà, rượu mời tổ tiên, báo cáo với ông bà đã hết 3 ngày Tết, tiễn ông bà về lại chốn âm phủ. Sau đó tất cả thành viên trong gia đình tiếp tục khấn vái, cúng lạy. Khi hương gần tàn vào chiều tối muộn, ông Ánh lấy bộ quần áo, vải vóc và tiền vàng đặt trên bàn thờ đi hóa vàng mã “gửi” cho người đã khuất với tâm niệm “trần sao, âm vậy”. Theo ông, đây cũng là khâu quan trọng thể hiện tấm lòng thành kính, tưởng nhớ đến tổ tiên.

Thủ tục hóa vàng mã
Thủ tục hóa vàng mã “gửi” cho người đã khuất thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ đến tổ tiên. Ảnh: Mộc Trà

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Doan (tổ 1, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, Gia Lai) cũng kế thừa và gìn giữ phong tục cúng rước và đưa ông bà trong dịp Tết. “Kết thúc những ngày du Xuân ở Bình Định, trưa mùng 3 Tết, vợ chồng tôi cùng các con đã trở về nhà để sửa soạn mâm cơm cúng đưa cha chồng tôi sau khi thỉnh ông về ăn Tết với gia đình. Mâm cúng có một con gà trống luộc, 1 bát cơm và các món dùng kèm như trong bữa cơm thông thường”-chị Doan cho hay.

Tùy vào điều kiện của từng nhà mà các loại thức ăn trên mâm cỗ cúng đưa ông bà có thể khác nhau. Ảnh: Mộc Trà
Tùy vào điều kiện của từng nhà mà các loại thức ăn trên mâm cỗ cúng đưa ông bà có thể khác nhau. Ảnh: Mộc Trà

Trước đó, vào chiều 30 Tết, các gia đình đã chuẩn bị một mâm cỗ để cúng “rước”, báo cáo ngày hôm sau là Tết Nguyên đán, mời ông bà và tổ tiên về chung vui với cháu con. Đây cũng là dịp tất cả mọi thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm sum họp, tiễn năm cũ đi và đón năm mới đến. Mộc Trà

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới