Chủ Nhật, 25 Tháng 5, 2025
Trang chủTin Gia LaiUBND huyện Đak Đoa báo cáo gì vụ Công an đột kích...

UBND huyện Đak Đoa báo cáo gì vụ Công an đột kích bãi vàng

Chiều 25-5, UBND huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã có báo cáo về vụ việc có dấu hiệu khai thác khoáng sản (vàng) trái phép tại tiểu khu 416 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, trên địa bàn xã Đak Sơ Mei.

Theo UBND huyện Đak Đoa, UBND xã Đak Sơ Mei đã phát hiện, nhận được tin báo có dấu hiệu khai thác vàng trái phép từ chiều 20-5 nên đã chỉ đạo lực lượng dân quân xã, Công an xã, Kiểm lâm địa bàn phối hợp Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa tiến hành tuần tra, kiểm soát tại khu vực trên.

luc-luong-cong-an-da-bat-ngo-dot-kich-vao-bai-vang-anh-van-ngoc.jpg
Lực lượng Công an đã bất ngờ đột kích vào bãi vàng. Ảnh: Văn Ngọc

Đến ngày 24-5, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã cử lực lượng các phòng: Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường; Cảnh sát Hình sự; Cảnh sát Cơ động; Kỹ thuật Hình sự tiến hành kiểm tra khu vực.

Tại hiện trường lực lượng chức năng ghi nhận có hầm và nhiều hố thông hơi mới và cũ cùng các dụng cụ như máy phát điện, cân, cuốc, xẻng, xe rùa… phục vụ khai thác vàng. Lực lượng Công an không phát hiện đối tượng nào hoạt động tại hiện trường song đã bắt giữ 1 đối tượng nghi khai thác khoáng sản trái phép để điều tra.

Báo cáo của UBND huyện Đak Đoa nêu rõ: Qua kết quả kiểm tra hiện trường phát hiện bên cạnh hầm mới đào có dấu hiệu khai thác khoáng sản thì chủ yếu là các hầm cũ từ khá lâu đã được các lực lượng chức năng của huyện phát hiện, xử lý.

nhung-can-ham-sau-hun-hut-duoc-cac-doi-tuong-dao-nghi-de-khai-thac-vang-anh-van-ngoc.jpg
Những căn hầm sâu hun hút được các đối tượng đào nghi để khai thác vàng. Ảnh: Văn Ngọc

Thời gian qua, UBND huyện đã liên tục chỉ đạo UBND xã Đak Sơ Mei, Ban quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên tăng cường tuần tra, truy quét để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi khai thác vàng trái phép.

Huyện cũng đã thường xuyên chỉ đạo xã, các ngành liên quan thường xuyên tuần tra hàng tuần, tiến hành đẩy đuổi, do đó, trong những năm qua cơ bản không còn tình trạng khai thác vàng trái phép. Nhưng có những khó khăn như địa hình phức tạp, hiểm trở, phải đi bộ qua nhiều khe, đồi nên dễ bị các đối tượng phát hiện, tẩu tán người, công cụ, phương tiện ra khỏi khu vực khai thác trước khi các lực lượng đến hiện trường; lực lượng mỏng, đối tượng lén lút, đi từng nhóm nhỏ…

Việc tiến hành phá hủy các đường hầm bằng chất nổ mặc dù đã được các cơ quan chuyên môn của huyện nghiên cứu, đề xuất. Tuy nhiên, phương án này gặp khó khăn do cửa hầm và miệng hầm rộng có độ sâu lớn, cần số lượng thuốc nổ nhiều, địa hình phức tạp không đảm bảo an toàn cho việc hủy nổ các hầm.

bai-vang-nam-giua-canh-rung-o-xa-dak-so-mei-anh-van-ngoc.jpg
Bãi vàng nằm giữa cánh rừng ở xã Đak Sơ Mei. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, việc nổ mìn sẽ làm ảnh hưởng đến địa chất, môi trường và hệ sinh thái rừng tại khu vực này.

UBND huyện cũng cho biết, để xử lý triệt để đối với hoạt động khai thác vàng trái phép tại khu vực này, không để tiếp tục tái diễn trong thời gian đến gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, chính quyền huyện sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc.

Ngoài ra, UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo và hỗ trợ cho huyện để có phương án xem xét san lấp, đánh sập các miệng hầm đã được các đối tượng đào nhằm khai thác khoáng sản trái phép vì ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, địa chất và mặt bằng san lấp đất.

LÊ VĂN NGỌC / Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới