Tổng thống Ukraine đã ký thành luật dự luật hạn chế sử dụng ngôn ngữ Nga trên các đài truyền hình, phát thanh của nước này.
Ukraine muốn tuyệt đường tiếng Nga?
Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin, Tổng thống Petro Poroshenko đã ký ban hành luật truyền thông mới.
Luật bắt buộc tất cả các đài truyền hình và phát thanh quốc gia của nước này phải phát bằng tiếng Ukraine, ít nhất là 75% thời lượng phát sóng. Tức 3/4 các chương trình truyền hình, phát thanh của nước này hầu hết chỉ được phát bằng tiếng Ukraine.
Luật hạn chế ngôn ngữ Nga trên sóng đài truyền hình, phát thanh này đã được Quốc hội Ukraine thông qua hồi tháng 5 năm nay, với số đông lá phiếu tán thành từ 269 đại biểu.
Luật này được đưa ra dù đa phần người Ukraine nói được cả hai thứ tiếng, Ukraine và Nga. Và có tới 29% người dân nước này coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ.
Trước đó, Ukraine cũng từng cấm phát hành các tài liệu in bằng ngôn ngữ Nga, cấm hàng loạt các hãng truyền thông của Nga hoạt động tại nước này, không cho phát sóng các chương trình truyền hình của Nga…

Nhà hát không diễn kịch tiếng Nga
Sau khi có điều luật này, một Nhà hát ở thành phố Khmelnytsky (miền tây Ukraine) đã cấm diễn vở kịch Nga nổi tiếng “Anna Karenina” của tác giả Leo Tolstoy.
Nữ diễn viên Olga Sumskaya, người đóng vai Anna Karenina bức xúc: “Họ không cho diễn tác phẩm của Leo Tolstoy bằng tiếng Nga, nhưng tác phẩm này là một phần của chương trình văn học nước ngoài”.
Theo nam diễn viên Vitaly Borisyuk, Giám đốc Nhà hát đã vi phạm các thỏa thuận trước đó, hủy bỏ ký hợp đồng vì áp lực của điều luật mới.
“Tôi cho rằng, quyết định này của Nhà hát khá tiêu cực. Không có lệnh cấm diễn các vở kịch tiếng Nga, và cũng không có chỉ thị nào yêu cầu các diễn viên chỉ được nói tiếng Ukraine”, Vitaly Borisyuk nói.
Điều luật chỉ đưa ra đối với các đài phát thanh và truyền hình của Ukraine, nhưng Nhà hát này đã tự cấm đoán các vở kịch tiếng Nga. Trong khi, “Anna Karenina” là kiệt tác của Tolstoy, đã được chuyển thể thành các tác phẩm sân khấu, phim, opera và ballet trên khắp thế giới trong suốt hàng thế kỷ qua.
Vụ việc của Nhà hát này có thể tạo thành tiền lệ cho các Nhà hát khác, hay các rạp chiếu phim ở thủ đô Kiev hoặc ở các thành phố khác của Ukraine cũng không cho biểu diễn, trình chiếu phim tiếng Nga.

Vấn đề ngôn ngữ
Vấn đề ngôn ngữ luôn nan giải ở Ukraine từ sau cuộc đảo chính năm 2014. Quốc hội Ukraine Rada đã hủy bỏ hiệu lực của bộ luật ngôn ngữ trước đó.
Bộ luật này quy định tiếng Ukraine là ngôn ngữ quốc gia (chính thức), nhưng đồng thời cho phép tự do sử dụng các ngôn ngữ khu vực ở những vùng lãnh thổ có không ít hơn 10% dân số coi tiếng Ukraine không phải là tiếng mẹ đẻ.
Tại thời điểm đó, người đứng đầu nhà nước, ông Petro Poroshenko tuyên bố, ngôn ngữ quốc gia là tiếng Ukraine, và ngôn ngữ thứ hai ở nước này là tiếng Anh, “chứ tuyệt đối không phải là tiếng Nga”, đã cho thấy chủ trương muốn hạn chế tiếng Nga tại Ukraine.
Quyết định này đã gây ra tình trạng bất ổn ở miền nam và đông nam Ukraine, dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình của người dân đòi nhà nước hỗ trợ phát triển, thúc đẩy và bảo vệ tiếng Nga cũng như ngôn ngữ của các cộng đồng dân tộc ở Ukraine.
