Thứ Bảy, 4 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiỦy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trả lời kiến nghị của...

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trả lời kiến nghị của cử tri huyện Kông Chro

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 2006/UBND-NC về việc trả lời và chỉ đạo giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XII.

Kiến nghị: Căn cứ Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 10-8-2021 của HĐND tỉnh Gia Lai điều chỉnh Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Gia Lai; Quyết định 527/QĐ-UBND ngày 23-8-2021 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Gia Lai đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 thì diện tích đất đưa ra khỏi Quy hoạch rừng và đất của các Công ty lâm nghiệp, Công ty MDF Vianafor Gia Lai trả lại cho địa phương quản lý trên địa bàn huyện Kông Chro cần đo đạc là 18.969,01 ha. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để thực hiện công tác đo đạc đối với diện tích này là rất lớn huyện Kông Chro không tự đảm bảo kinh phí để thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí để UBND huyện Kông Chro thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên.

Trả lời: Căn cứ Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng; Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội; Căn cứ Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án: “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, các ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng”.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, báo cáo nhu cầu thực hiện toàn tỉnh và đã trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 433/QĐ-UBND ngày 28-8-2020 về việc phê duyệt Đề án: “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ CP, các ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, gia đình, cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Hiện nay, Đề án đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trình Chính phủ cân đối hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để thực hiện. Tuy nhiên, do tập trung nguồn lực cho công tác phòng-chống dịch Covid-19 nên đến nay Trung ương chưa phân bổ vốn cho địa phương để thực hiện Đề án này. Sau khi được Trung ương phân bổ vốn, UBND tỉnh sẽ cân đối trong dự toán hàng năm trình HĐND tỉnh thông qua để địa phương triển khai thực hiện.

Kiến nghị: Thời gian qua, Sở Giao thông-Vận tải đã khắc phục, sửa chữa mặt đường của tuyến đường tỉnh lộ 667 (đoạn từ thị xã An Khê đi vào huyện Kông Chro). Tuy nhiên, lượng xe lưu thông để vận chuyển vật liệu phục vụ xây dựng các Dự án nhà máy điện gió trên địa bàn huyện đi qua tuyến đường này khá lớn, làm mặt đường bị xuống cấp, hư hỏng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông-Vận tải tiếp tục đầu tư, sửa chữa.

Phần lớn hệ thống mương thoát nước dọc các khu vực dân cư trên tuyến đường tỉnh lộ 667 đi qua địa bàn huyện Kông Chro chưa được đầu tư xây dựng, vào mùa mưa nước tràn qua đường gây khó khăn và nguy hiểm đối với việc đi lại của người dân. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, đầu tư xây dựng hệ thống mương thoát nước dọc tuyến đường tỉnh lộ 667 đi qua địa bàn huyện Kông Chro để đảm bảo thoát nước và an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi tham gia lưu thông trên tuyến đường này vào mùa mưa, bão.

Trả lời: Đường tỉnh 667 đoạn qua địa bàn huyện Kông Chro có chiều dài 19 km (Km12+00-Km31+00) được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2012 với quy mô đường cấp IV miền núi mặt đường BTN rộng 5.5m, nền đường rộng 7.5 m, qua thời gian sử dụng trên tuyến xuất hiện hư hỏng mặt đường. Để đảm bảo giao thông trên tuyến, trong các năm qua, Sở Giao thông-Vận tải đã rất quan tâm, tập trung nguồn vốn bảo trì đường bộ để sửa chữa hư hỏng mặt đường, đầu tư xây dựng rãnh các đoạn qua huyện Kông Chro. Cụ thể: Năm 2019 đầu tư sửa chữa cục bộ thảm hoàn trả mặt đường BTN đoạn Km13-Km17 (SC mặt đường 4Km, xây dựng 330 m rãnh thoát nước dọc địa bàn xã Kông Yang); năm 2021 đầu tư sửa chữa, thảm tăng cường mặt đường đoạn Km17+00-Km19+00, Km23+00-Km25+600 (chiều dài thảm 4,6 km) và xây dựng rãnh thoát nước dọc bằng mương xây + tấm lát chiều dài 570 m (khu vực xã Kông Yang và thị trấn Kông Chro).

Hiện nay việc đi lại, lưu thông trên tuyến đoạn quan địa bàn huyện Kông Chro cơ bản được thông suốt, thuận lợi. Vừa qua do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn kéo dài tại khu vực thị xã An Khê, huyện Đak Pơ, Kông Cho; với lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến lớn làm cho các đoạn Km2-Km4, Km9-Km12 (huyện Đak Pơ), Km12 Km17 (huyện Kông Chro) xuất hiện hư hỏng xuống cấp mặt đường; Sở Giao thông-Vận tải đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ xử lý cục bộ các hư hỏng trên để đảm bảo giao thông đi lại trước mắt. Đồng thời, Sở sẽ xem xét đánh giá cụ thể để đưa vào Kế hoạch bảo trì năm 2022, để sửa chữa tăng cường tuổi thọ công trình, cũng như đảm bảo giao thông êm thuận trên tuyến. Về việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước dọc trên đoạn tuyến qua địa bàn huyện Kông Chro: Với nguồn vốn bảo trì năm 2021, Sở Giao thông-Vận tải đã đầu tư xây dựng 900 m rãnh tại một số đoạn cấp bách trên tuyến. Tuy nhiên với nguồn vốn bảo trì còn hạn hẹp, nhu cầu đầu tư sửa chữa mặt đường còn rất lớn, vì vậy, UBND tỉnh giao Sở Giao thông-Vận tải tiếp thu ý kiến của cử tri và tiếp tục rà soát, khi cần thiết sẽ đầu tư trong các năm tiếp theo.

GLO

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới