Thứ Tư, 14 Tháng 5, 2025
Trang chủTin Gia LaiVề làng Mới, nhớ Anh hùng Rơ Mah Klum

Về làng Mới, nhớ Anh hùng Rơ Mah Klum

Dù chưa phải cao điểm mùa khô nhưng tiết trời vùng biên đã khá gay gắt. Cảm giác nhẹ nhõm đôi chút chỉ khi đi dưới tán rừng cao su và khoảnh khắc bắt gặp dòng suối, hồ đập. Dừng chân cạnh đập nước làng Mới (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ), cảm giác thật dễ chịu, dù nắng nóng làm nước trong hồ giảm đi mấy phần. Cũng đã khá lâu rồi, tôi mới quay lại nơi này.

Bồi hồi ngày gặp lại

Ngoằn ngoèo theo lối tắt vắt qua những lô cao su mùa quay ong lấy mật, cuối cùng tôi cũng tới làng Mới. Đứng bên này đập, hướng về bên kia, vườn cây, mái nhà lô nhô xen giữa màu xanh của điều, cà phê. Vài chiếc xe ben chậm chậm, nặng nề cuốn tung bụi mù. Có tiếng máy bơm nước từ đập vào hồ chứa một ngôi nhà bên đường. Hai đứa bé đầu trần hứng nắng dừng lại dắt xe máy men theo ta luy xuống đập rửa lớp bụi phủ dày.

Một góc làng Mới (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ).   Ảnh: T.S
Một góc làng Mới (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ). Ảnh: T.S

Như hôm nào trước con đập bê tông đắp cao và mặt hồ trải rộng, trong tôi vẫn còn nguyên cảm giác sảng khoái, ngọt ngào. Nó chẳng phải công trình kỳ vĩ gì nhưng ý nghĩa lớn lao vô cùng. Vì vậy tưởng cũng nên nhắc lại, nó là thành quả từ ý tưởng của một con người tiên phong, sau đó là sự trợ giúp đắc lực của những người lính làm kinh tế vùng biên. Người đó hẳn mọi người còn nhớ: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Rơ Mah Klum.

Khi giặc không còn, ông Klum lại đau đầu vì dân làng nghèo khổ. Thấy người Kinh làm giàu được mà bà con mình không làm được, ông bức bối khó chịu, thậm chí dằn vặt. Sau khi vận động dân làng dời làng định canh định cư, ông lần mò tìm nguồn nước dẫn về cho dân làng tắm giặt, trồng trỉa. Không phải chỉ để tưới tắm, sâu xa hơn là từ chỗ có nước mới dạy bà con làm Đông Xuân, tránh đói giáp hạt. Những người lính thời bình làm kinh tế của Công ty 72 (Binh đoàn 15) lập tức lập kế hoạch hỗ trợ bà con đắp đập, khai hoang, vận động giao đất vào làm công nhân cao su, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng buôn làng no ấm… Từng việc một, ông Klum làm trước, theo sau là nam nữ thanh niên, bên cạnh vai trò hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của người lính. Thành công chưa bao giờ quay mặt với sự nỗ lực, với mồ hôi công sức.

Làng Mới bây giờ có đường đi lối lại, nhà cửa khang trang, 70% số hộ có ti vi, gần như hộ nào cũng có xe máy, nhiều hộ sắm được cả phương tiện vận chuyển và sản xuất đắt tiền, có nhà rông văn hóa, có trường lớp cho con em tiếp thu cái chữ, thanh niên trong độ tuổi lao động vào làm công nhân cao su, được hỗ trợ cây, con giống để tăng thu nhập, nhiều hộ như Kpui Ven có kinh tế khá giả, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa được bà con ủng hộ, tham gia nhiệt tình, nhất là việc chăm sóc sức khỏe, học hành. Dẫu cuộc sống còn không ít khó khăn nhưng so với cái thời mới lập làng (1993), đổi thay ở làng Mới là một cuộc lột xác!

Con đường chạy giữa làng vừa được rải lớp đá 1-2 nên bụi đỏ có phần lắng lại. Nhưng chỉ là đoạn ngang qua làng Mới. Rẽ trái, tôi theo con đường đất xuôi xuống cánh đồng hẹp, lúa Đông Xuân sắp vào vụ gặt. Ít thôi nhưng trước những vuông ruộng nhuộm vàng màu no ấm, thấy phấn chấn hẳn lên. Nó là thành quả của không chỉ nỗ lực kiếm tìm cái ăn, mà sâu xa hơn là góp phần làm thay đổi cả một tập quán tồn tại ngàn đời để có làng Mới hôm nay.

Còn mãi với thời gian

Tôi còn nhớ lần làm việc cùng Đại tá Trần Quang Hùng khi anh là Giám đốc Công ty 74. Anh là người có thời gian dài và bề dày thành tích điều hành, quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh của một đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, có nhiều thành tích xây dựng và phát triển doanh nghiệp, tham gia tích cực phong trào địa phương, đầu tư vùng dự án. Nói đến anh là liên hệ đến ông Rơ Mah Klum. “Lúc ấy nhiệt huyết và kỳ vĩ lắm. Đó chỉ có thể là tư duy của nhân tố đi trước số đông. Chúng tôi như được truyền thêm cảm hứng, sinh lực”-Đại tá Hùng hồi tưởng.

Và khi đã có một trái tim Đan Kô như ông Klum dẫn đường thì việc gì chẳng thành công. Con người ông là vậy, vì yêu quê hương buôn làng, căm thù giặc mà cầm súng. Hết giặc, lại cũng vì dân làng mà quyết tìm cách xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Lại cũng vì thương làng, thương người mà nhận nhiều đứa trẻ mồ côi, bơ vơ tội nghiệp làm con nuôi, chở che đùm bọc. Rồi cũng vì làng mà ra sức khuyên giải, vận động những kẻ lầm lạc theo FULRO sớm quay về để hưởng lượng khoan hồng, làm lại cuộc đời khi chưa quá muộn… Sự nghiệp, chiến công, thành tích tiêu biểu như vậy nhưng ông Klum lúc nào cũng khiêm tốn, hiền lành, giản dị. Còn nhớ, năm 2000 khi được vinh danh Anh hùng Lao động, truyền thông hỏi rất nhiều và nhận được câu trả lời khá bất ngờ từ ông: “Tôi chỉ biết làm chứ ít biết nói”!

Bần thần trước ngôi mộ của ông hồi lâu, tôi mới trở lại mái nhà mà ông gắn bó. Vợ ông, bà Rơ Mah H’Nhi cùng cháu nội Rơ Lan Theo đang ở nhà bên cạnh, thấy có khách liền quay về, có cả ông Rơ Mah Tênh-người hàng xóm, cùng thế hệ già Klum. Bà H’Nhi vừa được Hội Người cao tuổi địa phương mừng thọ 80, giấy chứng nhận để trong tủ. Theo lời anh Rơ Lan Bin-chồng của Theo, ngoài số tiền hỗ trợ người cao tuổi, hàng tháng bà H’Nhi còn được hưởng chế độ dành cho gia đình có công, chừng đâu 800 ngàn đồng. Ngoài ra, hoa màu trong vườn có hơn 200 cây cà phê, xem qua cũng khá tốt.

Nói thêm, vợ chồng ông Klum hiện còn người con ruột là Rơ Lan Roi. Anh Roi có đến 7 người con và đang sống với vợ ở làng Dơk Ngo (xã Ia Dơk). Con đông lại còn nhỏ nên anh cũng bấn lắm, lâu lâu mới về thăm mẹ, thăm con cháu, phụ giúp sửa sang nhà cửa, vườn tược. Ông Rơ Mah Tênh chỉ nhớ một người con nuôi khác của ông Klum ở làng Pơng. Sách báo viết ông Klum có đến 15 người con nuôi. Nhận làm con nuôi, cưu mang giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ tội nghiệp là hành động đẹp và lễ nhận con nuôi đã trở thành nét văn hóa đặc sắc còn được lưu giữ cẩn thận của người Jrai nói riêng, các tộc người Tây Nguyên nói chung. Theo thời gian, những đứa con của ông Klum dần khôn lớn, đủ lông đủ cánh bay xa làm ăn, sinh sống.

Sống với bà nội, vợ chồng Rơ Lan Theo-Rơ Lan Bin cho rằng đó là may mắn. May mắn vì mình là cháu một người ông nổi tiếng, được quan tâm giúp đỡ của Nhà nước cũng như của Binh đoàn 15. Hiện anh Bin đang là công nhân của Công ty 74, nhận chăm sóc 400 cây cao su. Mùa này làng nghỉ, chủ yếu bà con tưới cà phê, anh Bin làm máng, bôi keo che mưa vườn cao su kinh doanh, lúc rỗi đi nhặt hạt điều.

Đã có khá nhiều người cho rằng, phát huy nhân tố Rơ Mah Klum trong cuộc sống hiện nay để xây dựng các làng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa là việc cần đẩy mạnh. Và, nói như lời Đại tá Trần Quang Hùng thì: “Khi còn đang công tác tại đơn vị, chúng tôi vẫn thường nhắc nhở anh em cán bộ, nhân viên, công nhân sâu sát với cơ sở, với bà con dân làng, noi gương Anh hùng Klum, nhất là trong làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng buôn làng no ấm. Làm được như vậy cũng có nghĩa là trả ơn ông Klum, là làm cho hình ảnh Anh hùng Rơ Mah Klum sống mãi, góp phần xây dựng phát triển đơn vị vững mạnh, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp chung”.

Thất Sơn

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới