Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024
Trang chủCông NghệVì sao có kiểm tra nhưng không phát hiện xăng giả ở...

Vì sao có kiểm tra nhưng không phát hiện xăng giả ở Đắk Nông trong năm 2018?

Trong năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông đã 2 lần thanh tra về xăng dầu tại địa phương nhưng chỉ phát hiện 1 cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về chất lượng.

Có kiểm tra nhưng ít phát hiện sai phạm

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng hiện đang làm rõ gần 10 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở Đắk Nông liên quan đến đường dây sản xuất và phần phối xăng giả.

Điều đáng chú ý là vào tháng 4/2018, Bộ khoa học và Công nghệ đã yêu cầu các Sở kiểm tra chất lượng xăng dầu địa phương. Thực hiện yêu cầu này, Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông đã tổ chức 2 đợt thanh tra về chất lượng xăng dầu, ghi nhãn hàng hóa vào tháng 6/2018. Đến tháng 9/2018, đơn vị này lại tiếp tục kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng xăng dầu với 28 cơ sở kinh doanh tại địa phương.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là kết quả kiểm tra của 2 đợt này ít mang lại hiệu quả. Cụ thể hơn, trong đợt kiểm tra đầu tiên, đoàn kiểm tra đã tiến hành làm việc với 4 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và lấy 5 mẫu xăng về kiểm tra. Kết quả phát hiện 1 cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về chất lượng. Đó là mẫu xăng A95 của Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Hiệp Thu. Công ty này sau đó đã bị xử phạt 36 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh 2 tháng. Ở đợt kiểm tra vào tháng 9/2018, các đơn vị chức năng lấy 9 mẫu xăng dầu để kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm.

Trả lời báo chí, ông Bùi Huy Thành – Giám đốc sở Công thương Đắk Nông cho biết 3 công ty nằm trong đường dây sản xuất, mua bán xăng giả không phải đối tác bán xăng cho các cửa hàng theo giấy phép kinh doanh được cấp. Các cửa hàng xăng ở Đắk Nông trực tiếp lấy xăng giả từ 3 công ty trên về bán cho người dân.

Cùng với đó, lãnh đạo sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông cho rằng khi thanh tra đều thực hiện theo kế hoạch, thông báo trước cho các cơ sở kinh doanh biết. Điều này khiến các cửa hàng bán xăng giả có thời gian chuẩn bị để đối phó. Thậm chí, trong một bồn xăng có nhiều ngăn, khi bị kiểm tra, các cửa hàng kinh doanh sai trái sẽ đưa mẫu của ngăn chứa sản phẩm đạt chất lượng.

Trả lời báo chí về việc trách nhiệm của cơ quan chức năng các tỉnh, thành khi không phát hiện được xăng giả, đại tá Lê Vinh Quy – Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: ‘Việc này thì phải từ từ. Chúng tôi đang chứng minh rồi mới có kiến nghị sau’.

Xăng giả đã đi đến những tỉnh nào?

Bị can Trịnh Sướng là người có liên quan mật thiết đến đường dây sản xuất và buôn bán xăng giả. Tại cơ quan điều tra, người này khai nhận được bạn bè chỉ cho cách pha chế xăng giả.

Đặc biệt hơn, trong mỗi lần giao dịch, các doanh nghiệp làm xăng giả bán cho các cửa hàng một xe bồn 26m3. Hành động này được làm trực tiếp nên không có hóa đơn. Các cửa hàng sau đó lại bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

Đường dây xăng giả liên quan đến bị can Trịnh Sướng phân phối sản phẩm cho các cửa hàng trên khắp cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, có các tỉnh thành như: Đắk Nông, Đắk Lắk, Cần Thơ, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng…

Không chỉ liên quan đến đường dây sản xuất và phân phối xăng giả, bị can Trịnh Sướng còn từng dính tới hành vi buôn lậu. Năm 2015, đối tượng này từng liên quan đến việc buôn bán xăng trái quy định một lô hàng trị giá 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đó doanh nghiệp của bị can Trịnh Sướng chỉ bị phạt 50 triệu đồng và bị trả lại xăng sai phạm. Không lâu sau, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển lại phát hiện tàu của người này chở 200.000 lít xăng trái phép.     

T.T

Theo Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới