Trong khi, các đòn trừng phạt của Washington và cộng đồng quốc tế khiến Tehran “xuống thang” trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, chiến lược này rõ ràng không phát huy tác dụng trước Bình Nhưỡng.
Hiện có hai câu hỏi chính về chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump liên quan đến các mối quan hệ song phương với Iran và Triều Tiên. Phản ứng của hai nước này trước các lệnh trừng phạt của Mỹ là khác nhau. Trong khi, lệnh cấm vận đã khiến Tehran “xuống thang” trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, chiến lược này rõ ràng không phát huy tác dụng trước Bình Nhưỡng.
Khi Bình Nhưỡng dọa thử tên lửa có khả năng vươn tới lãnh thổ Guam của Mỹ – động thái làm tăng khả năng đối đầu quân sự ở khu vực Đông Á – Tehran đang dần trở lại với nền kinh tế toàn cầu sau các đòn trừng phạt hồi năm ngoái.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây công khai không xác nhận thỏa thuận hạt nhân Iran và thậm chí dọa hủy thỏa thuận này. Sau động thái này của ông, Quốc hội Mỹ hiện có 60 ngày quyết định xem có nên tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt với Iran hay không hoặc có những điểm không phù hợp nào khiến Mỹ hủy thỏa thuận này.

Vị thế hiện tại của Iran chịu tác động sau nhiều năm chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt, đỉnh điểm vào năm 2010 vói việc cấm các lĩnh vực lớn của nền kinh tế tham gia bất kỳ hình thức đầu tư nào. Các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng hưởng lợi từ vị thế của Iran với tư cách là một nền kinh tế hiện đại, phụ thuộc vào các nguồn khu chính từ hoạt động xuất khẩu dầu khí cũng như những mối quan hệ thương mại với các đối tác nước ngoài liên quan chặt chẽ với hệ thống tài chính toàn cầu mà Mỹ là “đầu tàu”.
Hạn chế thương mại và mối quan hệ giữa Iran với nước ngoài đã được cảm nhận rõ trong xã hội nước này, đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu với số lượng ngày càng tăng.
Các đòn trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran rõ ràng đã phát huy tác dụng.
Thất bại trước Triều Tiên
Cũng là một nước theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và bị cộng đồng quốc tế phản đối, song các đòn trừng phạt không phát huy hiệu quả đối với Triều Tiên.
Mối quan hệ Bình Nhưỡng – Washington nồng ấm nhất là giai đoạn những năm trước khi Tổng thống Bush có bài phát biểu năm 2002. Cựu Tổng thống Bill Clinton khởi xướng các cuộc đối thoại với Triều Tiên vào năm 1994 và tiếp tục dưới chính quyền của ông Bush. Những nỗ lực này được đền đáp bằng việc Bình Nhưỡng đã tạm dừng chương trình hạt nhân.
Việc siết chặt các đòn trừng phạt cùng những tuyên bố “nảy lửa” ngày càng tăng của Mỹ thời gian qua được cho là khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục kế hoạch sở hữu một vũ khí hạt nhân mạnh mẽ và hệ thống phóng tên lửa có thể phóng vũ khí chết người này tới lục địa Mỹ. Tháng trước, Trump công khai tuyên bố rằng Mỹ có thể “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu bế tắc hiện tại không thể được giải quyết.
Các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, lần đầu được áp dụng vào năm 1950, được cho là đáng kể bởi phạm vi ảnh hưởng. Chúng bao gồm một lệnh cấm vận đối với hoạt động nhập khẩu nhiều loại mặt hàng, gồm các hàng xa xỉ, dầu mỏ và các sản phẩm liên quan, các khoáng sản kim loại khác nhau hay bất kỳ mặt hàng nào có thể được sử dụng cho việc tăng cường khả năng hoạt động của quân đội Triều Tiên.

Giống như các đòn trừng phạt Iran, lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Triều Tiên được hỗ trợ bởi hàng loạt các biện pháp do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua cùng sự phối hợp Liên minh châu Âu (EU) và những nền kinh tế lớn khác ở phương Tây.
Vậy, lý do nào khiến các đòn trừng phạt Triều Tiên thất bại và không thể khiến Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán hoặc thậm chí không thể ngăn nước này đạt thêm nhiều tiến bộ trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân?
Câu trả lời có thể là do quan điểm chính trị quốc tế của các bên về chương trình trừng phạt Triều Tiên. Trong khi Mỹ dựa vào sự hậu thuẫn của hàng loạt quốc gia nhằm ủng hộ hành động của Washington đối với Iran, Bình Nhưỡng tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.
Những năm gần đầy, ngày càng nhiều nhà khoa học Triều Tiên được cho là học tập/làm việc ở các trường đại học Trung Quốc. Họ lấy bằng cấp về các ngành liên quan tới tên lửa và khoa học hạt nhân. Động thái này diễn ra bất chấp các lệnh hạn chế của Liên Hợp Quốc áp dụng vào năm 2016.
Một câu hỏi đặt ra là liệu các nước đã tuân thủ đúng biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên hay chưa khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Triều Tiên vẫn duy trì ở mức 3,9% trong 5 năm qua.
Đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn của cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng đơn giản tính toán rằng, xây dựng chương trình hạt nhân thành công là phương tiện duy nhất để đảm bảo sự sống còn của chế độ.
Một lý do xác đáng lý giải thành công của chương trình cấm vận Iran là có những lợi hứa hẹn về những ngày tốt hơn sắp tới. Thực tế, với việc Iran tỏ ra sẵn sàng thực thi tốt các nghĩa vụ liên quan tới chương trình hạt nhân, họ sẽ duy trì được mối quan hệ tốt đẹp hơn với liên minh châu Âu ngay cả khi Tổng thống Trump không hài lòng với thỏa thuận hạt nhân từng được ký kết năm 2015.
Tóm lại, trước khi đặt tạo áp lực kinh tế lên Bình Nhưỡng, Washington cần chứng minh được việc “hòa nhập” với cộng đồng quốc tế sẽ đem lại những lợi ích gì, hơn là những lời hăm dọa.