Việc Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga vào dịp này phản ánh cách tiếp cận sâu sắc, nhất quán và chủ động của Việt Nam trong quan hệ với một đối tác truyền thống lâu đời.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân dự Lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại ở Quảng trường Đỏ. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945 – 9/5/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chuyến thăm chính thức Liên bang Nga. Việc Tổng Bí thư dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao thăm chính thức Liên bang Nga vào dịp này không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn phản ánh cách tiếp cận sâu sắc, nhất quán và chủ động của Việt Nam trong quan hệ với một đối tác truyền thống lâu đời.
Thủy chung, tin cậy
Trong ký ức lịch sử của nhiều thế hệ người Việt, Liên bang Nga (một trong các quốc gia lớn thuộc Liên Xô trước đây) – luôn là biểu tượng cho sự đồng hành trong những thời khắc then chốt của dân tộc. Mối quan hệ giữa hai nước được xây dựng dựa trên nền tảng tinh thần thủy chung, sự sẻ chia giữa nhân dân hai quốc gia. Trong những năm tháng kháng chiến và tái thiết, Liên Xô đã hỗ trợ Việt Nam trên cả phương diện quân sự, kinh tế và đào tạo nhân lực các ngành trọng yếu có công cuộc kiến thiết quốc gia. Đến nay, tinh thần ấy vẫn được tiếp nối bởi Liên bang Nga – với cách thể hiện mới, phù hợp với bối cảnh và lợi ích chiến lược của cả hai nước trong thế kỷ XXI.
Trên phương diện chính trị – ngoại giao, chuyến thăm của Tổng Bí thư cùng Phái đoàn lãnh đạo cấp cao của nước ta tới Liên bang Nga vào dịp này mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Điều đó cho thấy Việt Nam đánh giá cao giá trị lịch sử và nhân văn của chiến thắng này, đồng thời khẳng định quan điểm nhất quán: coi trọng hòa bình, trân trọng ký ức chung, và kiên trì với các giải pháp đối thoại, hợp tác trong xử lý vấn đề quốc tế, góp phần làm sâu sắc thêm việc trao đổi đoàn cấp cao đã diễn ra thường xuyên, đồng thời củng cố hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC hay SCO.
Không phải ngẫu nhiên mà trong Tuyên bố chung ngày 11/5, cả Việt Nam và Nga đều nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Nga hoan nghênh lập trường khách quan của Việt Nam liên quan đến xung đột Ukraine – một cách thừa nhận rằng tiếng nói của Việt Nam có trọng lượng, dù luôn giữ nguyên tắc độc lập và không chọn phe.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Moscow. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Hợp tác toàn diện
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga không đơn thuần là những dự án thương mại đơn lẻ, mà là hiện thân cụ thể của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.
Trong lĩnh vực năng lượng – trụ cột mang tính chiến lược cao – hai tập đoàn chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Cổ phần Zarubezhneft (AO “Zarubezhneft”) đã kiến tạo nên những biểu tượng hợp tác xuyên thời đại. Vietsovpetro không chỉ là một dự án kinh tế hiệu quả, mà còn là minh chứng sống động cho sự tiếp nối và làm sâu sắc hơn nền tảng hữu nghị truyền thống từ thời Liên Xô.
Trong khi đó, Rusvietpetro – một trong những dự án đầu tư ra nước ngoài tiêu biểu nhất của Petrovietnam – phản ánh chiều sâu niềm tin chính trị và mức độ gắn bó trong hợp tác thực chất giữa hai nước. Trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn chuyển dịch năng lượng, Việt Nam và Nga cũng đang chủ động mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, điện hạt nhân dân sự và công nghệ xanh – thể hiện tầm nhìn dài hạn và chiến lược về an ninh năng lượng quốc gia.
Đặc biệt, hợp tác nông nghiệp và thực phẩm không chỉ góp phần đa dạng hóa hợp tác kinh tế mà còn mang ý nghĩa ngoại giao sâu sắc. Việc Tập đoàn TH khánh thành nhà máy chế biến sữa công suất lớn tại tỉnh Kaluga vào ngày 11/5 – nhà máy đầu tiên hoàn thiện chuỗi sản xuất sữa khép kín của một doanh nghiệp Việt Nam tại Nga – là bước đi mang tính biểu tượng. Dự án này không chỉ cung cấp sản phẩm sữa sạch, chất lượng cao cho người tiêu dùng Nga, mà còn truyền tải thông điệp về sự hiện diện tích cực, có trách nhiệm và lâu dài của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường chiến lược này.
Dù nhà máy chỉ là một công trình vật chất, nhưng với giới quan sát quốc tế, nó là một thông điệp chính trị đầy tinh tế về sự hiện diện bền bỉ và thân thiện của Việt Nam tại Nga. Đó là kết quả của sự kết nối chính sách, lòng tin chính trị và mong muốn cùng phát triển trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi giữa hai quốc gia – điều mà Việt Nam và Nga đang không ngừng vun đắp trong tổng thể chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đa phương hóa.
Nếu năng lượng, nông nghiệp – thực phẩm là trụ cột kinh tế, thì quốc phòng, an ninh, khoa học, giáo dục và văn hóa chính là những kênh dẫn chiến lược, thể hiện chiều sâu và tầm cao của quan hệ chính trị Việt Nam – Liên bang Nga. Hợp tác trong các lĩnh vực này không chỉ phục vụ phát triển nội tại mỗi nước, mà còn là biểu hiện cụ thể của sự tin cậy lẫn nhau về chính sách và quan điểm đối ngoại.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm hẹp với Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow ngày 10/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh – nơi đòi hỏi mức độ gắn kết đặc biệt giữa các quốc gia có quan hệ hữu nghị thực chất – hai bên đã ký kết Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2026 – 2030 và cam kết tăng cường phối hợp về an ninh. Đây là một bước đi khẳng định vị thế chiến lược của Nga trong chính sách quốc phòng của Việt Nam và ngược lại, thể hiện sự nhất quán trong hợp tác vì hòa bình, ổn định khu vực.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khoa học – công nghệ và y tế đang trở thành điểm nhấn mới trong ngoại giao hợp tác phát triển. Việc hai nước thúc đẩy nghiên cứu chung, chuyển giao công nghệ vaccine, bao gồm cả vaccine phòng ung thư, không chỉ mang ý nghĩa kinh tế – kỹ thuật mà còn thể hiện cam kết chính trị về an sinh, sức khỏe cộng đồng và tương lai bền vững.
Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, hàng loạt bản ghi nhớ giữa các trường đại học, học viện chính trị trọng yếu của hai nước đã được ký kết, tạo nền tảng cho thế hệ kế cận hiểu và kế thừa mối quan hệ Việt – Nga. Đặc biệt, việc thành lập Trung tâm tiếng Nga Pushkin tại Việt Nam không chỉ là biểu hiện của hợp tác học thuật, mà còn mang tính ngoại giao văn hóa – củng cố nhận thức xã hội và hình ảnh tích cực về đối tác chiến lược lâu dài.
Giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa ngày càng được coi trọng như một trụ cột mềm trong chính sách đối ngoại song phương, góp phần bồi đắp tình cảm, hiểu biết, và sự gắn bó bền chặt giữa hai dân tộc – vốn là nền tảng quan trọng để củng cố niềm tin chính trị và duy trì ổn định trong những thập kỷ tới.
Bước phát triển mới
Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam không chỉ là hoạt động ngoại giao cấp cao đơn thuần, mà còn là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia có bề dày lịch sử gắn bó.
Trong bối cảnh thế giới đang tái cấu trúc trật tự, các trung tâm quyền lực có xu hướng phân tán, thì việc hai nước tiếp tục củng cố lòng tin chính trị và mở rộng hợp tác thực chất là thông điệp rõ ràng về bản lĩnh đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động và đầy trách nhiệm của Việt Nam.
Đây là dịp quan trọng để lãnh đạo cấp cao hai nước rà soát lại toàn diện các lĩnh vực hợp tác, tháo gỡ những vướng mắc chiến lược, đồng thời mở rộng các không gian hợp tác mới phù hợp với yêu cầu của thời đại – từ an ninh năng lượng, chuyển đổi số, đến giáo dục chất lượng cao và y tế cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam càng khẳng định chiều sâu giá trị lịch sử và bản sắc chính trị chung giữa hai dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền và công lý toàn cầu.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách quan trọng tại Học viện Tổng thống Liên bang Nga. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Hơn cả những văn kiện được ký kết, chuyến thăm này mang theo một ý nghĩa biểu tượng: tái khẳng định một thực tế rằng mối quan hệ Việt Nam – Nga không phải là sự kết nối nhất thời vì lợi ích, mà là một quá trình được bồi đắp bởi sự tin cậy, sự thấu hiểu và sự lựa chọn chiến lược có cơ sở lâu dài. Đó là quan hệ giữa hai quốc gia có chính sách đối ngoại linh hoạt nhưng nhất quán, có lợi ích riêng nhưng không biệt lập với các giá trị hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển chung của khu vực và thế giới.
Dưới góc nhìn của một người trẻ quan sát chính sách đối ngoại, tôi cho rằng chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư tới các nước bạn bè truyền thống tiếp tục khẳng định thông điệp rõ ràng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục bước đi vững vàng giữa dòng chảy nhiều biến động và vẫn giữ được bản sắc. Những hành động cụ thể trong giai đoạn tới sẽ là minh chứng rõ nhất cho quyết tâm chính trị và sự vững vàng của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga.
*Viện Chính sách Năng lượng và Ngoại giao Quốc tế (IIEP), Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow – MGIMO, Liên bang Nga.
Trần Hải Nam* / Nguồn: baoquocte.vn