Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiVĩnh biệt người đưa cây đàn t'rưng từ làng ra thế giới

Vĩnh biệt người đưa cây đàn t’rưng từ làng ra thế giới

Vẫn biết sinh tử là sự vô thường, nhất là khi người ta đã bước vào tuổi 92. Thế nhưng, tin Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pha từ trần vẫn khiến tôi bần thần. Vậy là lại thêm một nghệ sĩ của thế hệ dấn thân hết mình cho 2 cuộc kháng chiến cứu nước đã về cõi atâu.

Tôi hãy còn nhớ cái ấn tượng lần đầu gặp ông ở làng, cách nay dễ đã gần hai chục năm rồi. Vịn vào cái tay nắm lung lay, lần từng nấc cầu thang dốc đứng, ngước lên tôi có cảm giác ngôi nhà của Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pha (buôn Plei Pa Ơi H’Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa) cứ chon von như một tổ chim. Qua hành lang hẹp dẫn vào phòng khách thì sự so sánh ấy chẳng còn trừu tượng nữa. Tất cả đều bừa bộn và trễ nải, cứ như là vợ chồng ông sắp sửa chuyển nhà.

Vẫn biết ở làng nó thế, nhưng ông là một nghệ sĩ tiếng tăm, sống ở Thủ đô gần ba chục năm, xuất ngoại biểu diễn hàng chục nước, ăn mòn bát đũa thiên hạ mà sao… Lại mớ tài sản nghèo nàn của ông nữa: Nó vỏn vẹn là một chiếc ti vi màu cũ rích, một chiếc xe đạp cà tàng… “Oái già, nhiều của nả mà làm gì, chết có mang theo được đâu”-tiếng cười hào sảng của ông rung cả căn phòng hẹp. Răng cửa đã gần rụng hết, rượu không uống được, dù vậy thì khách đến nhà vẫn cứ lệ làng. Ông như một lõi cây rừng, từ rừng lại trở về rừng, hồn nhiên với nắng gió đại ngàn mà chẳng cần đến một nước sơn.

Nay Pha tên thật là Nay Phiar. Ông là con thứ 3 của nhà giáo Nay Der, người trí thức đầu tiên của dân tộc Jrai. Cuộc đời con người ta đôi khi cứ phải gánh lấy một thứ hệ lụy hay duyên nợ nào đó, mà trong nghệ thuật thì hình như sự này lại càng rõ lắm. Vốn cụ Nay Der vẫn muốn ông nối tiếp nghề giáo nhưng trái tim của ông dường như lại thầm hướng theo một con đường khác. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, ông xung phong đi bộ đội, vào Đoàn Văn công E120. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và duyên nợ của đời ông gắn với cây đàn t’rưng từ đó. Ông kể: Đi tập kết, mang theo nó nhưng cứ giấu giấu, chỉ nghĩ lỡ lúc nào không biết làm gì thì gõ vài tiếng cho đỡ nhớ làng.

Ấy thế nên số phận của nó đã được định đoạt chính vào lúc ông không ngờ nhất… Đoàn Văn công Tây Nguyên được thành lập, cái đêm biểu diễn ra mắt ấy phải có nhạc cụ gì của Tây Nguyên? Nhạc sĩ Nhật Lai bảo: “Ông mang cây đàn t’rưng ra đi”. Đã lâu không tập tành gì mà ngó lại cây đàn, thấy nó hoang dã lôi thôi làm sao ấy. Nhưng nhạc sĩ Nhật Lai đã nói như lệnh: “Đừng có tự ti, phải tự khẳng định mình chứ”. Chẳng chối được nữa thì đành phải liều, ông mang đàn ra đệm cho bài “Ra đi” của chính Nhật Lai. Khán giả ngơ ngác. Lần đầu tiên trong đời họ mới thấy một thứ nhạc cụ lạ lùng, tạo ra một thứ âm thanh cũng lạ lùng như vậy. Rồi thì tiếng vỗ tay dội lên như mưa rào.

Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pha bên cây đàn t’rưng của mình lúc sinh thời. Ảnh: Đ.P
Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pha bên cây đàn t’rưng của mình lúc sinh thời. Ảnh: Đ.P

Cây đàn t’rưng Nay Pha mang theo lúc ấy là nguyên gốc, ngũ cung, 11 ống. Từ sự thành công bước đầu, với sự khuyến khích của nhạc sĩ Nhật Lai, ông đã nghiên cứu nâng nó lên thành 15 ống. Bắt đầu từ đây, gần như không đêm diễn nào của đoàn lại vắng bóng t’rưng. Từ chỗ chỉ lấp ló phía sau góp vào các bản hòa tấu, dần dần Nay Pha cho nó tiến lên độc tấu. Thành công đầu tiên của ông là “Vui được mùa” của nhạc sĩ Huy Thục. Chính nhạc sĩ đã tìm đến nơi ông ở để bày tỏ sự tán thưởng. Sức cuốn hút của cây đàn ngày càng lan rộng và đến năm 1959 thì đã quyến rũ được người “kết duyên” thực sự với nó: Nguyễn Văn Hiển. Ông là nhạc công Accordion, chỉ vì mê t’rưng mà tìm đến Nay Pha để học. Đấy là người Kinh đầu tiên và cũng là người Hà Nội đầu tiên chơi được đàn t’rưng. Sau Nguyễn Văn Hiển là Phạm Thị Kim Oanh-con gái nhạc sĩ Phạm Sửu. Chị cũng là người vì mê t’rưng mà tự nguyện tìm đến Nay Pha để học, là phái đẹp đầu tiên của đất Hà thành làm chủ được cây đàn t’rưng.

Đã thành công bước đầu, dù vậy Nay Pha vẫn không nghĩ sẽ có một ngày cây t’rưng sẽ được xuất hiện trước khán giả quốc tế. Cho đến lúc này trừ một số vị khách đặc biệt đến Hà Nội có dịp xem Nay Pha biểu diễn, người nước ngoài chưa ai được nghe âm thanh của cây đàn. Ngày 5-11-1960 ấy có thể xem là một ngày lịch sử: cây đàn t’rưng chính thức xuất hiện trước khán giả Indonesia. Không thể quên được cái cảm giác “mang chuông đi đánh đất người” lúc ấy. Hồi hộp lắm, lúc nào cũng cứ bấm tay tự động viên mình.

Thế nhưng, khi đã cất tiếng đàn lên rồi thì cứ như mê đi, không tưởng gì ngoài những giọt âm thanh đang rơi… Niềm tin được bù đắp cả ngoài sự mong đợi. Jakarta rồi Sumatra, ở đâu tiết mục độc tấu của cây đàn t’rưng cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Cả Tổng thống Sukarno cũng đến xem và cổ vũ. “Vạn sự khởi đầu nan” như thế, niềm tin đã đủ. Một vạn lý trình của cây t’rưng bắt đầu từ Trung Quốc qua các nước xã hội chủ nghĩa rồi sang Bắc Âu đến Mỹ La tinh… Sự hâm mộ kể một thí dụ: ở Oslo (Na Uy) cả một vườn hoa nát bét vì khán giả cố chen đến gần để nhìn cây đàn lạ. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai có lẽ là người cảm nhận được một cách đích thực nhất sức truyền cảm của cây đàn khi ông nói với cán bộ ta ở Đại sứ quán: “Đã nghe cây đàn này nhiều lần ở Việt Nam nhưng tôi vẫn cứ mê. Âm thanh của nó như có lửa. Một cái gì đó cứ rạo rực mãi trong lồng ngực tôi”.

Học chơi t’rưng không khó, nhưng chơi hay thì chẳng mấy lăm người. Cái “quái” của cây đàn này là ở đó. Thế nên sinh ra từ đất Tây Nguyên nhưng người chơi t’rưng nổi tiếng bây giờ lại không phải người Tây Nguyên.

Và dù là người đưa t’rưng từ làng ra thế giới thì Nay Pha ghi nhận Đỗ Lộc mới là người đầu tiên cải tiến t’rưng (1977). Còn ông, mãi đến năm 1983 mới làm công việc này. Nhưng điều thú vị nhất trong những “quái chiêu” của cây đàn là chỉ có ba bài chưa ai chơi hay hơn ông được: một là “Bóng cây kơ nia” của Phan Huỳnh Điểu-Ngọc Anh, hai là “Chim pongk’ler” của Nhật Lai và ba là “Anh đi hơn cánh chim bay” của Bùi Anh Phò. Nào phải giấu nghề. Ông đã từng dạy nhiều học trò nhưng rồi thì “của thầy lại trả cho thầy”. Dễ hiểu là không ai nắm được thần hồn của cây đàn như ông. Nhưng mà thôi, di sản đã thuộc về chung, “của riêng còn một chút này”, ông đã “gác kiếm” từ lâu và hẳn là sự ra đi của ông cũng là thanh thản.

NGỌC TẤN

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới