Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựVợ chồng trẻ tranh cãi góp Tết nhà nội, nhà ngoại

Vợ chồng trẻ tranh cãi góp Tết nhà nội, nhà ngoại

Tết đến mang niềm vui sum họp nhưng cũng khiến không ít người vất vả, tất bật với chuyện ‘góp Tết’ cho gia đình sao cho thỏa đáng.

“Mình biếu bố mẹ anh 15 triệu, còn bố mẹ em 5 triệu”, Nguyễn Hạnh (26 tuổi, Bắc Ninh) nhớ lại lời chồng khi cả hai bàn về chuyện biếu Tết cho bên nội bên ngoại.

Không đồng tình với quyết định của chồng, ngược lại, Hạnh còn thấy anh “quá vô lý” khi bên trọng bên khinh.

“Con gái lấy chồng đâu phải ‘bát nước đổ đi’ như cách nói ngày xưa nữa đâu, mình phải có trách nhiệm với bố mẹ đẻ chứ. Hơn nữa, nếu chia tiền chênh lệch như vậy, hai ông bà biết được lại nảy sinh tâm lý so sánh”, cô nói.

Vì vậy, Hạnh đề nghị hai vợ chồng sẽ biếu mỗi nhà 10 triệu cho công bằng.

Với nhiều người đã lập gia đình, Tết là dịp “đau đầu” khi phải cân đo đong đếm bài toán thu chi cho ngày đầu năm mới. Ảnh: Liêu Lãm.

“Tuy nhiên, chồng mình không mấy vui vẻ khi mình đưa ra ý kiến vậy. Phần nào trong anh ấy vẫn giữ tư tưởng ‘con dâu có nhiệm vụ chăm sóc cho chồng, vun vén cho nhà chồng’ nên muốn biếu Tết nhà nội nhỉnh hơn”, Hạnh cho biết.

Cứ thế, hai người vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung. Vì chuyện biếu tiền Tết cho bố mẹ hai bên mà Hạnh và ông xã căng thẳng với nhau mấy ngày nay.

Không chỉ riêng gia đình Hạnh,Tết đem về niềm vui sum họp những mang đến lắm nỗi lo toan khi các nhà rục rịch việc sắm Tết, “đau đầu” tính toán các khoản chi tiêu cần thiết.

Với người còn độc thân, câu chuyện “góp Tết cho bố mẹ” có phần nhẹ nhàng hơn khi không phải “cân đo đong đếm” quá nhiều thứ.

Còn với những người đã lập gia đình, các con dâu, con rể lại đối mặt với bài toán quà cáp cho hai bên nội ngoại, biếu sao cho hợp lý, không làm mếch lòng nhà ai.

“Có tâm vẫn bị chê trách không có hiếu với nhà chồng”

Trái ngược với Nguyễn Hạnh, để được lòng nhà chồng, Hồng Nhung (Thái Bình) thừa nhận năm nào cô cũng sắm sửa mọi thứ cho bên nội chu toàn hơn nhà ngoại.

“Từ ngày ông Công ông Táo, mình đã cầm 3-4 triệu sang biếu nhà nội sắm Tết. Những ngày cuối năm, mình tranh thủ đi làm về sớm, không vướng bận chuyện gì ở công ty là lại tất tả đi mua ít mứt, bánh kẹo, cành đào mang sang nhà ông bà”, cô kể.

Sau khi lo xong xuôi phần nào cho bên nội, cô mới có thời gian sắm sửa cho bố mẹ đẻ.

Mọi thứ được giải quyết nhanh gọn vì Ngân cho hay mình chỉ biếu bố mẹ đẻ 500 nghìn, số tiền đủ mua cân giò với con gà để thắp hương.

“Đến đêm Giao thừa, mình chu đáo chuẩn bị thêm tiền mừng tuổi cho cho bố mẹ chồng. Ấy vậy mà nhiều khi mình vẫn bị chê trách không có hiếu”, cô thở dài.

Chuyện biếu Tết cho hai bên nội ngoại là chủ đề gây tranh cãi của nhiều cặp vợ chồng.

“Không có tiền góp Tết”

“Lấy chồng đã 5 năm, qua 4 cái Tết rồi nhưng mình vẫn thấy ‘nát óc’ mỗi lần Tết đến vì lo thu chi, mua gì cũng phải nâng lên đặt xuống”, Nhật Lệ (28 tuổi, Hà Nội) cho hay.

Chồng làm nhân viên văn phòng, vợ làm thu ngân siêu thị, thu nhập của hai vợ chồng Lệ không mấy dư dả. Không ít lần, cô phải “thắt lưng buộc bụng” mới đủ chi tiêu.

Năm nào khấm khá, cô biếu ông bà mỗi bên mỗi người 1-2 triệu. Năm nào không có điều kiện, cô chỉ mua giỏ quà thắp hương, chuẩn bị một ít hoa quả, đón Tết.

“Mình nghĩ như vậy là đủ”, cô cho hay.

Nhưng theo lời Lệ, nhờ “mồm miệng đỡ tay chân”, cô cũng xoay xở, chu toàn được việc đưa tiền cho bố mẹ chồng tiêu Tết mà không làm nhà nội phật ý.

“Quan trọng là phải biết nói năng khéo léo để quà ít, bố mẹ vẫn cảm nhận được tình cảm của con cháu. Mình thành thật nói rằng hai vợ chồng lương không cao, nhiều thứ phải chi tiêu, chuyện lương thưởng Tết cũng chưa biết thế nào nên bọn con chủ yếu chỉ có tấm lòng”.

Với các vợ chồng không dư dả tài chính, chuyện quà cáp, biếu Tết còn vất vả hơn.

Nhiều chị em cũng thú nhận, vì đồng lương ít ỏi, thưởng Tết không là bao nên đành ngậm ngùi không biếu ông bà hai bên đồng nào.

Mới sinh em bé thứ hai, công việc của chồng lại đang ở giai đoạn bấp bênh, một năm vừa rồi của vợ chồng Bùi Vân (25 tuổi, quê Bắc Giang) chẳng có mấy “đồng ra đồng vào”.

“Đành rằng chả con cái nào là không muốn biếu bậc sinh thành những ngày lễ lạt đầu năm, nhưng năm nay mình phải thú thật với hai bên là không có tiền để góp Tết”, cô gái trẻ cho hay.

Загрузка…

Lì xì cho ông bà hai bên mỗi người hai 200 nghìn là phương án thay thế được cô lựa chọn.

“Với bố mẹ đẻ thì không sao, nhưng với bố mẹ chồng khi thấy cô con dâu không đem gì sang biếu chắc cũng phật lòng ít nhiều. Nhất là nhà em chồng có điều kiện kinh tế tốt hơn, không chỉ đưa tiền sắm Tết mà còn mang quà cáp sang biếu ông bà đầy đủ”, cô kể lại.

“Chi tiêu chắt bóp nhưng vui vì đã báo hiếu”

“Đi làm xa nhà cả năm mà lại không mang gì về cho bố mẹ ngày Tết thì thấy mình vô dụng lắm. Phần cảm thấy bản thân có lỗi, phần khách khứa, họ hàng đến chơi lại hay hỏi han lẫn khoe khoang về chuyện này”, Ly Ly (24 tuổi, Hà Tĩnh) phát biểu.

Ly đi học rồi đi làm trên Hà Nội đến nay đã ngót nghét 6 năm. Ngày còn sinh viên, cô còn về thăm nhà thường xuyên. Kể từ khi vào làm cho một công ty truyền thông ở thủ đô, số lần gặp mặt cha mẹ trong một năm của Ly chỉ vỏn vẹn 1-2 lần.

Chính vì áp lực vô hình mang tên “cả năm đi làm mà không có gì cho bố mẹ”, “tay không về nhà” mà kể từ ngày đi làm, tuy lương không cao, Ly vẫn cố gắng dành một ít tiền về góp Tết cho gia đình.

Những người đi làm xa nhà thường phải đối diện với câu hỏi “Góp được bao nhiêu tiền cho bố mẹ?”.

Năm ngoái, cô mất cả buổi chiều đi dọc các cửa hàng thời trang trên phố Cầu Giấy, lựa chọn tới lui mới ưng ý ra về sau khi mua được 2-3 chiếc áo cho mẹ cùng đôi giày thể thao mới cho bố.

“Năm nay, việc làm của mình có tiến triển hơn. Làm lụng cả năm, mình đem hết số tiền 10 triệu dành dụm được đem về làm quà. Ngoài ra, mình chi thêm một số tiền nho nhỏ để mua quà, lì xì cho mấy đứa em, đứa cháu ở nhà”, cô hào hứng nói.

Để tiết kiệm số tiền 10 triệu, Ly cho hay trong nhiều tháng, cô không dám mua sắm thêm cho mình quần áo, giày dép mới và từ chối kha khá lời rủ rê tụ tập của các đồng nghiệp.

Sát ngày về quê, Ly bỏ thêm tiền mua cho đứa em trai chiếc đồng hồ mà cậu bé thích, rồi tranh thủ tạt ngang qua cửa hàng mỹ phẩm mua thêm mặt nạ dưỡng da về làm quà cho chị gái.

“Đưa tiền hết cho mẹ xong thì ra Tết mình lại phải cố gắng cày quốc làm việc rồi chi tiêu chắt bóp hơn. Nhưng ngược lại, mình cảm thấy hạnh phúc và trưởng thành vì phần nào báo hiếu được cho mẹ cha”, Ly nói chắc nịch.

Tặng quần áo, giày dép mới hay lì xì đầu năm cho bố mẹ là các cách thông dụng mà người trẻ lựa chọn khi biếu quà Tết cho gia đình. Ảnh: Quỳnh Trang.

“Chỉ mừng tuổi bố mẹ lấy may”

Nhẩm tính lại số tiền đã chi năm vừa qua cho nhu cầu của bản thân, Thu Hà (22 tuổi, Hà Nội) “giật mình” khi thấy tài khoản ngân hàng của mình chỉ còn vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng.

Với số tiền này, cô bạn cho hay chỉ đủ chi tiêu dè xẻn cho riêng mình, còn khó có thể “góp Tết” cho cha mẹ.

Làm việc tại một công ty du lịch có tiếng, thu nhập tầm 10 triệu/tháng, song Hà thừa nhận bao nhiều tiền làm ra, cô đều đổ vào việc mua sắm, du lịch, tiền làm tháng nào tiêu hết tháng đó.

Trong năm, vài ba bận, cô còn phải vay tiền bạn bè vì trót “vung tay quá trán” và số tiền thưởng Tết cuối năm của công ty, Hà dành gần hết cho việc trả nợ. Dự định tặng mẹ chiếc điện thoại mới thay cho quà Tết cũng theo đó mà “tan thành mây khói”.

“Năm nay, mình tính chỉ mừng tuổi bố mẹ lấy may mỗi người 200 nghìn thôi. Đành vậy”, cô bạn chẹp miệng.

“Mình là con một trong nhà, bố mẹ vẫn còn khỏe mạnh nên không quá đặt nặng hay yêu cầu mình phải góp tiền sắm Tết. Mọi đóng góp đều là tùy tâm nên không có cũng không sao”, Hà giải thích.

Trà My – Kiều Trang

Theo Zing News

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới