Về y học, quýt – từ múi đến vỏ, hạt, lá đều là những vị thuốc hay, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh phổ biến trong cuộc sống.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết trong y học cổ truyền vỏ quýt còn được gọi là trần bì, vỏ được phơi khô bảo quản. Trần bì tính ấm, có tác dụng kiện vị (khỏe dạ dày), long đờm, trị ho, trị phong, lợi tiểu, chữa ợ hơi, đau thượng vị.
Y học hiện đại đã chứng minh trong vỏ quýt có tinh dầu thơm gluccoxit orange, aldehit lemon, axit béo…, có tác dụng ức chế vận động của dạ dày, ruột và tử cung… Glucoxit orange có tác dụng giống vitamin P, làm giảm độ giòn của mao mạch máu, phòng xuất huyết.
Về y học, từ múi đến vỏ, hạt, lá quýt đều là những vị thuốc nổi tiếng. Vỏ quýt còn là vị thuốc tốt điều trị cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đặc biệt là có công hiệu đối với các chứng bệnh tỳ vị khí trệ, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, kém ăn, buồn nôn, ho nhiều đờm, khó chịu trong lồng ngực…
Hạt quýt vị đắng, tính bình, có công hiệu điều hòa khí, giảm đau, tan u cục, thường dùng chữa sa nang, sưng đau tinh hoàn, đau lưng, viêm tuyến sữa, ung thư vú giai đoạn đầu…
Lá quýt vị đắng, tính bình, có tác dụng trợ gan, hành khí, tiêu thũng, tan u cục, dùng chữa các chứng đau mạng sườn, sa nang, đau vú, u cục ở vú.
“Vỏ quýt xanh tính ấm, vị đắng, cay, có tác dụng chữa các chứng đau chướng mạng sườn, u cục vú, đau dạ dày, ăn khó tiêu”, bác sĩ Vũ cho hay.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ quýt
– Chữa cảm mạo: Vỏ quýt tươi 30 gram, phòng phong 15 gram, đổ 3 cốc nước, sắc lấy 2 cốc, hòa đường trắng uống lúc nóng 1 cốc, sau nửa giờ hâm nóng uống tiếp 1 cốc còn lại.
– Chữa cảm cúm, nhức đầu: Lá quýt và những loại lá thơm khác như sả, cúc tần, hương nhu, lá bưởi, lá chanh… đun nước xông cho ra mồ hôi.
– Chữa phong thấp, đau lưng, đau mình: Rễ quýt 16 gram, thổ phục linh 12 gram, ngưu tất 12 gram, thiên niên kiện 8 gram. Tất cả thái nhỏ, sắc với nước hoặc ngâm rượu uống. Cũng có thể nấu thành cao rồi pha rượu dùng.
– Chữa ho do phong nhiệt: Vỏ rễ quýt 20 gram, vỏ rễ dâu 10 gram, rễ hoặc lá cam thảo nam 10 gram (hoặc cam thảo bắc 5 gram). Ba thứ thái mỏng, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, thêm đường, chia thành 2-3 phần uống trong ngày.
– Chữa kiết lỵ: Vỏ thân quýt 20 gram, vỏ quả lựu 20 gram, vỏ quả chuối hột 20 gram, rễ tầm xuân 20 gram, búp ổi 10 gram, thái nhỏ, phơi khô, sắc uống.
– Chữa đau bụng, lưng, gối đau nhức: Rễ quýt 15-30 gram, sắc nước uống.
– Chữa sưng tấy, ứ huyết: Lá quýt 40 gram, chia 2 phần, một phần đem phơi khô, sao vàng, sắc uống, một phần để tươi, giã nát, đắp lên chỗ bị thương. Làm liên tục trong 3-4 ngày.
– Chữa nôn mửa: Vỏ quýt 10 gram, lá tỳ bà 15 gram, sắc nước uống.
– Đau lạnh bụng: Trần bì 6 gram, ô dược 3 gram, gừng 3 gram, sắc uống.
– Kém ăn: Trần bì 6 gram, tiêu tam tiên 6 gram, kê nội kim (màng mề gà) 6 gram, sắc uống.