Thứ Bảy, 19 Tháng 4, 2025
Trang chủThời SựVụ 600 loại sữa giả: Sở Công Thương 4 năm không kiểm...

Vụ 600 loại sữa giả: Sở Công Thương 4 năm không kiểm tra DN vi phạm

Sở Công Thương Hà Nội cho biết từ năm 2021 đến nay, lực lượng thanh tra, quản lý thị trường thành phố chưa thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 2 công ty vừa bị khởi tố để điều tra.

Liên quan đến vụ sữa giả, ngày 18/4, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản trả lời thông tin liên quan đến quản lý sản phẩm sữa.

Chưa kiểm tra, xử lý sản phẩm của 2 công ty

Theo Sở Công Thương, ngành y tế chịu trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa có bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng (bao gồm cả việc tiếp nhận tự công bố, xác nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo). Ngành công thương chịu trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết đến thời điểm hiện tại, Sở không tiếp nhận hồ sơ tự công bố đối với các sản phẩm sữa do Công ty CP Dược phẩm Quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất.

Thanh tra Sở, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội chưa thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 2 công ty này trong thời gian từ năm 2021 đến nay.

Vụ 600 loại sữa giả: Sở Công Thương 4 năm không kiểm tra DN vi phạm

Nhà máy sản xuất sữa của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma.

Sở Công Thương Hà Nội cho rằng đây là các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của ngành y tế. Theo quy định, Sở không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm thực phẩm của hai doanh nghiệp này.

Lực lượng quản lý thị trường chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Chuyển 2 vụ việc đến cơ quan điều tra

Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết từ năm 2021 đến nay, Sở đã tổ chức kiểm tra, hậu kiểm chuyên ngành đối với 289 doanh nghiệp, trong đó đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 47 doanh nghiệp với số tiền gần 400 triệu đồng.

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (trước đây là Cục Quản lý thị trường) đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 2.256 vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) và liên quan đến ATTP. Trong đó, đã xử phạt hành chính tổng số tiền 31,7 tỷ đồng, buộc tiêu hủy số tang vật, hàng hóa vi phạm về ATTP trị giá gần 56,7 tỷ đồng.

Đối với mặt hàng sữa, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử phạt 53 vụ với tổng số tiền phạt 546 triệu đồng. Tổng số lượng hàng hóa tịch thu, tiêu hủy với mặt hàng sữa là 5.853 lon, hộp, chai với giá trị 200,1 triệu đồng. Riêng năm 2024, chi cục đã kiểm tra, phát hiện và chuyển 2 vụ việc vi phạm liên quan đến sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng (TPCN) sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, trao đổi với PV Báo Tiền Phong về nội dung này, ông Nguyễn Quang Trung – Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP Hà Nội – cho biết trong 573 loại sữa giả phía cơ quan công an thông tin, qua rà soát đơn vị này nhận thấy có 67 hồ sơ của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và 4 hồ sơ của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group công bố tại Chi cục.

Từ năm 2021 đến nay, Chi cục ATVSTP TP Hà Nội cho hay đã lấy 4 mẫu của Rance Pharma vào tháng 8/2023 và lấy 1 mẫu của Hacofood Group vào tháng 9/2024 để đi kiểm tra.

“Khi thực hiện hậu kiểm, chúng tôi kiểm tra về điều kiện con người, điều kiện vật chất, trang thiết bị, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, quá trình sản xuất, bảo quản thành phẩm, hóa đơn, chứng từ mua bán, mẫu nhãn sản phẩm có duy trì theo hồ sơ công bố hay không. Tuy nhiên, chi cục chưa phát hiện vi phạm về các nội dung này tại Rance Pharma và Hacofood Group”, ông Trung nói.

Nguồn: tienphong.vn
Thời Sự

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới