Tổng cục thuế bước đầu chỉ đạo cơ quan thuế trên địa bàn Hà Nội đánh giá việc chấp hành nghĩa vụ thuế, bán hàng kê khai của doanh nghiệp Khaisilk, sau bê bối bán sản phẩm gắn mác “Made in China”.

Theo Người lao động, chiều 27/10, chia sẻ tại buổi Họp báo chuyên đề ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết bước đầu đã giao cơ quan thuế trên địa bàn Hà Nội có hoạt động tiếp theo trong phạm vi trách nhiệm thuế của doanh nghiệp Khaisilk, cụ thể là về thực tế bán hàng với nội dung báo chí phản ánh. 

13
Lực lượng liên ngành kiểm tra tại cửa hàng Khaisilk ở 113 phố Hàng Gai (Hà Nội) chiều 26/10.  Ảnh: Hoài Dương

Theo ông Nguyễn Đại Trí: “Ngành thuế thực hiện chức trách của mình trong việc đánh giá về việc chấp hành nghĩa vụ thuế, bán hàng, kê khai của Khaisilk như thế nào. Chúng tôi được biết Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo, cán bộ quản lý thị trường kiểm tra trực tiếp tại địa điểm kinh doanh, trực tiếp lập biên bản. Câu chuyện tiếp theo tất nhiên sẽ có phần tham gia của cơ quan thuế”.

Theo như thông tin đã đưa trước đó, vụ bê bối của Khaisilk bị phanh phui khi một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm Việt Nam của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác với giá 644.000 đồng/chiếc.

Khi nhận hàng, khách phát hiện thấy có một chiếc khăn trong đó có gắn 2 nhãn mác, một nhãn có nội dung “Khaisilk Made in Vietnam”, còn một cái khác với nội dung “Made in China”. Tiếp tục kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại thì đều phát hiện thấy dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “Made in China”.

14
Hình ảnh khăn lụa Khaisilk khách hàng đăng tải lên Facebook sau khi phát hiện khăn có nhãn mác “Made in China”. Ảnh : Dangnhuquynh

Trả lời khiếu nại của khách hàng, một đại diện của cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai – nơi bán lô hàng trên, khẳng định chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm.

Tuy nhiên sau đó, ông Hoàng Khải cho biết sẽ thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ Trung Quốc nếu khách hàng có mong muốn đổi trả. 

Hiện, cơ quan quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã vào cuộc kiểm tra và làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật về xuất xứ hàng hoá của doanh nghiệp.

Phạm Uyên / Tin nhanh Online