Chủ Nhật, 19 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiBác sĩ đang chịu nhiều áp lực

Bác sĩ đang chịu nhiều áp lực

Mới đây, chuyện bác sĩ N.T.T.-Trưởng khoa Cấp cứu một bệnh viện tuyến tỉnh nộp đơn xin nghỉ việc khiến nhiều người hết sức bất ngờ và hụt hẫng vì bác sĩ T. vốn là một bác sĩ giỏi, tâm huyết với nghề. Trước đó, Gia Lai đã có một số trường hợp bác sĩ xin nghỉ việc tương tự. Đâu là nguyên nhân?

Nhiều người cho rằng, hiện nay môi trường làm việc của ngành Y vô cùng vất vả, áp lực lớn, lương và phụ cấp chưa tương xứng, luôn phải đối mặt với kiện cáo và đôi khi còn bị bạo hành.

Bác sĩ đang chịu nhiều áp lực trong công việc. Ảnh: N.N
Bác sĩ đang chịu nhiều áp lực trong công việc. Ảnh: N.N

“Việc tốt chẳng ai biết, việc xấu thì to chuyện”

Hơn 20 năm công tác trong ngành Y, bác sĩ N.T.T.-Trưởng khoa Cấp cứu một bệnh viện tuyến tỉnh (hiện đang chờ giải quyết đơn xin nghỉ việc) chia sẻ: “Bệnh viện nào cũng vậy, Khoa Cấp cứu luôn là khoa phức tạp nhất vì phải tiếp nhận bệnh nhân đầu vào. Bệnh nhân vào viện với nhiều bệnh trạng khác nhau. Về phía người nhà cũng nhiều tâm trạng khác nhau nhưng phần lớn là nôn nóng, lo lắng, ai cũng muốn người nhà mình phải được ưu tiên, nhưng theo quy định thì tùy theo bệnh trạng, bệnh nhân nào nặng thì ưu tiên cấp cứu trước. Nhưng đó cũng là lý do khiến nhiều người nổi nóng. Và lúc đấy các bác sĩ phải mềm mỏng giải thích, nhưng chỉ cần có lời nói không vừa ý là họ vin vào đó để làm lớn chuyện. Áp lực công việc nhiều, vất vả nhưng sự cảm thông rất ít cũng khiến nhiều bác sĩ nản lòng”.

Không chỉ “bạo hành” bằng lời nói, nhiều bác sĩ còn bị chính bệnh nhân và người nhà bệnh nhân “động thủ”. Nửa đùa nửa thật, trong một lần hàn huyên, bác sĩ Tăng Văn Thành-Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) bàn về ý định may một bộ áo giáp để mặc phòng thân. Anh kể: “Bản thân tôi cũng từng bị đuổi đánh và phải bỏ chạy… Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể chạy được vì nếu đang tập trung cấp cứu cho bệnh nhân thì không thể để mặc họ nằm đấy nên đành chịu trận. Có lần, đang cấp cứu cho bệnh nhân thì bên ngoài, người thân của họ đe dọa chém. Vừa cấp cứu vừa lo nhưng rồi sau đó khi hiểu chuyện, chính anh chàng vác dao đe dọa chém bác sĩ lại rối rít cảm ơn, xin lỗi vì cái sự nóng tính của mình”.

“Thực tế, các bác sĩ, nhất là bác sĩ cấp cứu thường chịu rất nhiều áp lực. Áp lực không chỉ vì công việc thường xuyên quá tải mà còn bởi những lo lắng bị bạo hành, mà chuyện bạo hành nhân viên y tế thì ngày càng nhiều. Có những người không chịu được áp lực đã xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác”-bác sĩ Thành chia sẻ.

Lương, phụ cấp chưa tương xứng

Nhiều người mặc định đã là bác sĩ thì chẳng ai nghèo; ngoài làm bệnh viện, về nhà mở thêm phòng mạch tư, khám bệnh kê toa, ăn hoa hồng các hãng dược là có ngay thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng. Nhưng trên thực tế không phải bác sĩ nào cũng có điều kiện mở phòng mạch tư, nhiều bác sĩ vẫn chỉ sống với đồng lương là chính. Có người đi làm gần 20 năm nhưng lương và phụ cấp chưa quá 7 triệu đồng/tháng.

Theo báo cáo của Sở Y tế, 6 tháng đầu năm nay đã có 10 trường hợp nhân viên y tế nghỉ, thôi việc. Trước đó, năm 2016, số trường hợp nghỉ, thôi việc là 29 người. Toàn tỉnh hiện vẫn đang trong tình trạng thiếu bác sĩ. Chỉ tiêu tuyển dụng hàng năm đều có nhưng hầu như tuyển không đủ chỉ tiêu vì thiếu đầu vào. Theo đăng ký nhu cầu tuyển dụng năm 2016 cho toàn ngành, kế hoạch tuyển bác sĩ năm 2016 của tỉnh Gia Lai là 203 bác sĩ nhưng đến nay chỉ có 57 hồ sơ nộp về.

Theo quy định của Bộ Nội vụ, Hiện tại, mức lương cơ bản là 1,3 triệu đồng/tháng. Bác sĩ ra trường được hưởng mức lương của cử nhân (trình độ đại học nói chung), có hệ số 1 là 2,34; cứ mỗi 3 năm được tăng lương một lần. Như vậy, bác sĩ sau khi tốt nghiệp ra trường, nhận việc thì lương khởi điểm (sau khi trừ các khoản bảo hiểm) không quá 3 triệu đồng/tháng. Lương thấp, phụ cấp không đáng kể, phải thường xuyên trực đêm, công việc quá tải… là những nguyên nhân khiến bác sĩ nản lòng. Nhiều người còn cho rằng, mức lương hiện nay vừa thấp vừa cào bằng, không liên quan đến hiệu suất công việc, bác sĩ khám 100 bệnh nhân thu nhập cũng chẳng khác gì so với khám cho 10 bệnh nhân nên không động viên được những người có chuyên môn giỏi. Cũng bởi thu nhập thấp, một bộ phận bác sĩ giỏi quyết định rời bệnh viện công sang đầu quân cho các bệnh viện tư vì chế độ đãi ngộ tốt hơn, môi trường làm việc lý tưởng hơn.

Như Ý

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới