Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, 2024
Trang chủDu Lịch Gia laiBánh tét bà Dẫn ở phố núi Pleiku

Bánh tét bà Dẫn ở phố núi Pleiku

Không chỉ hiện diện trong ngày giỗ, Tết, bánh tét (cả bánh chưng, bánh ú) giờ đây được bán quanh năm như một món hàng quà cho bữa ăn phụ. Trong số những hàng rong bán thứ bánh này ở Pleiku, nhiều người biết đến xe bánh tét của bà Dẫn.

Tôi lần tìm đến địa chỉ 14 Trần Văn Bình (TP. Pleiku). Ghé mắt nhìn qua cánh cửa sắt, thấy dưới mái hiên trước sân nhà một đống củi khô, cưa khúc to bằng bắp vế người lớn, chất gọn gàng. Một đống lá chuối tươi bó gọn to tướng ở trên hè nhà. Bà Dẫn (SN 1958) đang lúi húi nấu bánh sau bếp, nghe tiếng khách gọi, giục cháu ngoại ra mở cửa, mời khách vào. Rót li nước chè xanh đậm chát, bên bếp lửa đun 2 nồi bánh to tướng sôi sùng sục, bà cho biết: “Tôi quê ở tỉnh Hải Dương, vào Gia Lai từ hồi còn con gái, làm kế toán Ty Thương nghiệp tỉnh. Sau thời gian nghỉ chế độ một lần, tôi trải đủ thứ nghề cùng chồng nuôi đàn con 8 đứa. Nghề bán bánh tét có thâm niên chỉ hơn 10 năm nay. Ngày thường, chồng và các con tranh thủ thời gian tham gia, mỗi người mỗi việc được “chuyên môn hóa”. “Thế điều gì làm nên “thương hiệu” bánh tét bà Dẫn?”.

Bà Dẫn lấy bánh cho khách. Ảnh: Đ.P
Bà Dẫn lấy bánh cho khách. Ảnh: Đ.P

Bà Dẫn cười hiền khô: “Tôi nghĩ, chắc bánh tét nhà này hội tụ phong cách nấu bánh cả 3 miền, cụ thể là hành được phi, thịt được tao qua cùng gia vị nên bánh có hương vị, nêm nếm vừa ăn được khách hàng mến mộ. Cái cốt yếu là nguyên liệu làm nên chiếc bánh, nhất là thịt, phải tươi ngon, được rửa sạch bằng nước muối, chần nước sôi qua một lượt để khử mùi hôi”. Bánh tét của bà Dẫn hấp dẫn thực khách còn bởi được gói bằng lá chuối hột (được lau sạch, chần qua nước sôi) cho bánh giữ được màu xanh lá. Đun nấu kéo dài 18 giờ nên bánh chín mà vẫn giữ nguyên hạt gạo nếp chứ không bị bấy. Cách xếp lá (với bánh tét, bánh ú), bẻ góc (với bánh chưng) và cả cách buộc dây lạt khéo léo để nước không bị thấm vào bánh, giữ bánh lâu bị ôi thiu. Ngoài ra, giá thành bánh của bà “bình dân” như mọi hàng bánh khác mà chất lượng ngon, hợp khẩu vị nên được khách hàng ưa chuộng.

Ngày thường, gia đình bà Dẫn chỉ gói 20 kg gạo nếp, gồm bánh tét và bánh ú. Buổi sáng, từ 6 giờ 30 phút, bà đẩy xe hàng dọc chợ đêm, vòng qua đường Trần Phú, vào bên trong Trung tâm Thương mại Pleiku, đến 11 giờ trưa là bán hết. Mối chiếc bánh tét, bà Dẫn bán ra với giá 25.000 đồng. Nếu mua lẻ 5-10 ngàn đồng bà cũng bán, cắt khúc ra.

Bà Dẫn cho biết, nghề gói bánh tét cao điểm trong năm chỉ có vài ba đợt: mồng 5 tháng 5, Thanh minh và Tết. Riêng dịp Tết, từ 23 tháng Chạp đến tận cuối chiều 30 là cao điểm. Dịp này, nhà bà chộn rộn suốt đêm ngày, ngoài các cô con gái tranh thủ việc cơ quan, còn phải tăng cường thêm vợ chồng cô em chồng mới “xử” hết 500 kg nếp/ngày. Tám nồi bánh đỏ lửa suốt ngày đêm để cho ra trung bình mỗi ngày 400 chiếc bánh. “Khách đặt hàng tăng dần mỗi năm nhưng nhân lực có hạn nên cũng chỉ dám nhận lời chừng mực thôi. Thế mà điện thoại vẫn đổ chuông réo gọi liên tục. Họ còn đặt mua để bán lại cho khách hàng mà”-bà Dẫn cho biết.

Bà Dẫn tâm sự, nghề làm bánh tét sống được, vì ngày thường nó là thức quà bình dân nhưng đậm nét văn hóa ẩm thực cả nước. Ngày giỗ, Tết trong thời buổi “chuyên môn hóa”, công việc bận rộn, thay vì gò lưng gói bánh thì bà con, nhất là lớp trẻ họ đặt mua cho tiện.

Đình Phê

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới