Thứ Hai, 6 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiCá cơm Sê San

Cá cơm Sê San

Không phải cá anh vũ, cá lăng hay cá chép mà chính hình ảnh những con cá cơm trắng phau phơi mình trên những tấm lưới trải dọc bến sông đã thôi thúc chúng tôi ngược tuyến biên giới, dầm mình trong sương đêm để kiếm tìm loại đặc sản mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho dòng Sê San.
Lênh đênh giữa sương đêm
Khi mặt trời dần khuất sau các dãy núi phía Tây cũng là lúc những người dân sống bằng nghề chài lưới ở xã Ia O (huyện Ia Grai) chuẩn bị cho hành trình đánh bắt cá cơm trên sông Sê San.
  Cá cơm tươi được phơi trên lưới.   Ảnh: P.U
Cá cơm tươi được phơi trên lưới. Ảnh: P.U
Theo chân anh Nguyễn Văn Hải-một người sống bằng nghề đánh bắt cá cơm, chúng tôi xuống bến thuyền ngay phía sau nhà để thực hiện công việc đốt đèn. Anh Hải bảo, đèn là thứ không thể thiếu trong việc đánh bắt cá ban đêm vì đàn cá sẽ đi theo hướng có ánh sáng để vào vó (một tấm lưới rộng chừng 10 m2 được giăng bởi 4 chiếc cọc). Nói rồi anh cho thuyền nổ máy chạy đến các vó được đặt trên sông và làm các thao tác quen thuộc là đặt chiếc bình ắc quy vào đúng vị trí chân cột, đốt đèn treo lên chiếc cột giữa vó; đồng thời hạ thấp chiếc màn vó sâu khoảng 6 m xuống mặt nước. Chiếc vó đầu tiên cách bến chừng 10 phút thuyền máy, những vó còn lại cách nhau 200 m. Mỗi ngày, anh Hải phải mất 2 giờ đốt đèn cho 14 vó trên sông. Xong việc, anh trở về nhà ăn tối, nghỉ ngơi. Anh Hải chia sẻ: “Trong tháng, trừ 2 ngày trăng sáng (14 và 15 Âm lịch), tôi mới nghỉ ở nhà. Còn lại, tối nào tôi cũng bắt đầu công việc đốt đèn từ 16 giờ đến 18 giờ và quay vó khai thác cá từ 3 đến 5 giờ sáng”.
3 giờ sáng, khi mọi người còn đang say giấc thì những hộ dân sống bằng nghề chài lưới ở xã Ia O đã lục đục thức dậy mang theo các vật dụng xuống thuyền. Gồng mình vượt qua cái lạnh thấu da thấu thịt, chúng tôi dò dẫm theo chân chị Đào Thị Liên-người có 8 năm gắn bó với dòng Sê San, cùng anh Nguyễn Văn Khỏe-một người thợ được chị Liên thuê, lên thuyền cho kịp giờ quay vó. Đây được xem là công đoạn tốn rất nhiều sức. Chừng 10 phút quay tay, chiếc vó đầu tiên từ từ nhô lên khỏi mặt nước. Trước mắt chúng tôi, vô số cá cơm trắng phau đang búng nhảy trong vó. Chị Liên mừng rỡ: “Hôm nay trúng mánh rồi! Riêng vó này thôi cũng được trên 10 kg cá cơm tươi!”. Nói rồi, chị Liên hướng mũi thuyền sát miệng vó để anh Khỏe trút hết số cá vừa thu hoạch được. Xong vó thứ nhất, thuyền lại lướt nhanh đến các vó tiếp theo. Gần 3 giờ lênh đênh trên sông và dầm mình trong sương đêm, chị Liên, anh Khỏe đã quay xong 34 chiếc vó, thu được hơn 1 tạ cá cơm tươi.
Đặc sản cá cơm khô
Khi thuyền cập bờ, các ngư dân nhanh chóng rửa lại cá bằng nước sông cho sạch rồi đem phơi trên các tấm lưới, tấm bạt. Cứ vài tiếng đồng hồ, họ đảo cá một lần bằng cách dùng một chiếc que thật dài đập mạnh lên lưới cho cá bung rời ra. Cá cơm sông rất mỏng thịt nên chỉ cần phơi một nắng là khô.
Nói về cơ duyên gắn bó với dòng Sê San, chị Liên trải lòng: “Sống bằng nghề sông nước nên khi hay tin thủy điện Sê San 4 ngăn đập, tôi đã quyết định rời hồ Dầu Tiếng (tỉnh Bình Phước) lên Gia Lai. Cá cơm khi đó nhiều vô kể, người khai thác lại ít nên có đêm tôi đánh bắt được vài tạ. Lâu dần, người này mách người kia, dân chài ở khắp nơi đổ về hình thành cả một xóm chài ven sông”. Số người khai thác nhiều đồng nghĩa với lượng cá trên sông giảm. “Hôm nào may mắn thì được 1-2 tạ, có hôm chỉ được mấy chục ký. Cá cơm tươi bán 25.000 đồng/kg, còn cá cơm khô có giá 110.000 đồng/kg. Nếu chịu khó thì mỗi ngày cũng kiếm được 150-200.000 đồng”-anh Hải chia sẻ.
Với người dân sống bằng nghề chài lưới, cá cơm tươi trước nay chỉ dùng làm mắm hoặc thức ăn cho cá nuôi lồng chứ ít đem bán. Nhưng cá cơm khô thì khác vì dễ chế biến, dễ cất trữ cũng như dễ vận chuyển đi các nơi… Chị Liên khoe: “Món cá sông phơi khô này chỉ cần ăn một lần là ghiền, do đó có ngày tôi bán ra đến 1-2 tạ. Mới đây, có khách ở tận Hà Nội gọi điện mua vài chục ký và nhờ tôi gửi xe ra”. Vốn là khách quen của xóm chài, anh Nguyễn Văn Dương-cán bộ tăng cường của xã Ia O (huyện Ia Grai) trần tình: “Ở nhà tôi, ai cũng thích món cá cơm sông vì cá sạch, không tẩm ướp, không chất bảo quản. Cứ 2-3 tuần, tôi lại ghé xóm chài mua vài ký để ăn dần và biếu người thân”.
Dân dã, dễ ăn, có thể chế biến thành nhiều món khác nhau chính là thế mạnh khiến cá cơm khô sông Sê San ngày càng được người tiêu dùng khắp nơi lựa chọn. Và chúng tôi sau khi thưởng thức món cá cơm khô rim mắm ngay tại làng chài đã quyết định mua vài ký để ăn dần trong những ngày Xuân.
Phương Dung – Phương Uyên

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới