Thứ Bảy, 18 Tháng Năm, 2024
Trang chủThời SựCâu chuyện thể thao: Có thật các nữ VĐV rất thích thi...

Câu chuyện thể thao: Có thật các nữ VĐV rất thích thi đấu vào ngày… đèn đỏ?

Khoa học đã chứng minh rằng ‘ngày đèn đỏ’ ảnh hưởng ít nhiều đến việc thi đấu, cũng như thành tích của các vận động viên (VĐV) thể thao, tuy nhiên vẫn có những trường hợp đặc biệt ngoại lệ.

ngay-den-do-5
“Cô gái vàng” Nguyễn Thị Huyền là trường hợp đặc biệt.

Hôm qua (31/10), VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền đã tiết lộ thông tin gây bất ngờ khi cho biết trong những “ngày đèn đỏ” cô lại thi đấu tốt hơn.

“Riêng với Huyền, những ngày này tôi cảm thấy mình thi đấu sung hơn. Thật ra SEA Games vừa rồi Huyền cũng đang bị ấy chứ. Nhưng Huyền vẫn thi đấu và phá kỷ lục bình thường”, nhà vô địch nội dung 400m vượt rào tại SEA Games 29 tiết lộ.

Thế nhưng điều đó có đúng với đại đa số nữ VĐV thi đấu thể thao chuyên nghiệp? Câu trả lời là không!

150202154427-heather-watson-tennis-exlarge-169
Heather Watson thất bại vì… “ngày đèn đỏ”.

Tại giải Úc mở rộng năm 2015, tay vợt số 1 nước nước Anh Heather Watson đã nhận thất bại vô cùng cay đắng, bị loại ngay ở vòng 1. Sau trận đấu, Watson đổ lỗi cho việc cô đang ở trong những “ngày đèn đỏ” của con gái, nên không thể có phong độ tốt nhất.

Tại Olympics 2016, đội tuyển bơi nữ Trung Quốc chỉ về thứ tư tại nội dung bơi 4x100m tiếp sức hỗn hợp. Sau cuộc thi, ngôi sao bơi lội của Trung Quốc Phó Viên Tuệ gửi lời xin lỗi tới các đồng đội và tiết lộ mình chính là nguyên nhân dẫn tới kết quả không tốt của đội vì mới bắt đầu kỳ kinh nguyệt vào hôm trước.

ngay-den-do-2
Hoàng Thị Thanh mất HCV một cách đáng tiếc tại SEA Games 29.

Thậm chí đồng đội của Huyền tại tuyển điền kinh là Hoàng Thị Thanh, cũng vừa mất HCV tại SEA Games 29 ở nội dung marathon. Cô từng lập kỷ lục quốc gia tại giải Việt dã báo Tiền Phong với thành tích 2 giờ 45 phút 25 giây, nhưng lại thi đấu không tốt trên đất khách. Người đánh bại Hoành Thị Thanh là VĐV người Philippines Mary Joy Tabal, giành HCV với thành tích chỉ là 2 giờ 48 phút 26 giây.

“Điều kiện thi đấu hôm nay là quá tốt nhưng do đúng ngày phụ nữ nên tôi không thể duy trì thể lực để đạt thành tích tốt nhất của mình”, Hoàng Thị Thanh nói sau khi chỉ giành HCB chung cuộc.

Thực tế trên thế giới ghi nhận rất nhiều thất bại đáng tiếc của các nhà vô địch hay những vận động viên nổi tiếng vì ‘ngày đèn đỏ’, chứ không đặc biệt được như Nguyễn Thị Huyền. Vậy chuyện tệ nhị này ảnh hưởng thế nào tới các VĐV?

ngay-den-do-3

Một thống kê khác cho thấy có trên 85% người phụ nữ khi đến ngày đèn đỏ sẽ gặp các hiện tượng: đau tức ngực, căng ngực, cảm giác bứt dứt, khó chịu, đau đầu, đau bụng, cơ thể mệt mỏi, stress.

Nhà nghiên cứu thể thao Georgie Bruinvels đã khảo sát 1.800 VĐV nữ và kết quả hơn một nửa trong số đó nói họ cảm thấy chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng tới khả năng vận động. Còn Giáo sư Toby Richards của trường Đại học London cho rằng việc thiếu sắt do mất máu nhiều (50-80 ml máu/tháng) là nguyên nhân chính dẫn tới thành tích không tốt của các VĐV.

Trong khi đó, John Brewer, Giáo sư của ngành Khoa học thể thao tại Đại học St Mary’s, cho biết: “Các VĐV dễ dính chấn thương bởi vì lượng oestrogen đạt mức cao nhất trong lúc rụng trứng, chính điều này đã khiến các gân và dây chằng trở nên lỏng lẻo, dễ gây chấn thương”.

ngay-den-do-4
Jessica Judd từng bật khóc vì thành tích không như ý do phải thi đấu trong “ngày đèn đỏ”.

Chia sẻ về hệ quả thực tế của việc phải thi đấu trong “ngày đèn đỏ”, VĐV điền kinh Jessica Judd nói rằng thời gian chạy của cô có thể chênh lệch 15 giây so với khi cơ thể bình thường.

“Ở giải vô địch quốc nội, tôi chạy 3000 mét hết 9 phút 15 giây và cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Một tuần sau đó, tại giải Birmingham Grand Prix, tôi chạy số mét tương tự nhưng chỉ mất 9 phút mà không cần tập thêm gì. Thật đáng sợ vì ngày đầu và ngày cuối của chu kỳ kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến bạn nhiều như vậy”, Jessica nói.

ngay-den-do-8
Thuốc tránh thai trở thành “thần dược” với các nữ VĐV.

Với đại đa số các VĐV, “ngày đèn đỏ” là cơn ác mộng thật sự. Họ phải tìm cách trì hoãn để không làm ảnh hưởng tới thành tích và thuốc tránh thai lại trở thành “thần dược”. Thuốc tránh thai chứa 2 loại hormone sinh dục nữ: estrogen và progesterone, giúp trì lượng hormone trong cơ thể làm trứng không rụng.

“Là một VĐV, cơ thể của tôi phải ở trong trạng thái tốt nhất để thi đấu, và nếu điều đó có nghĩa là điều chỉnh kỳ kinh thì bạn bắt buộc phải làm điều đó”, nhà cựu vô địch cầu lông thế giới Gail Emms từng nói về chuyện cô sử dụng thuốc để can thiệp vào chu kỳ kinh nguyệt.

ngay-den-do-6
Tampon chưa được sử dụng nhiều tại châu Á.

Ngoài ra không ít VĐV chọn sử dụng loại băng vệ sinh dạng ống (tampon), đặc biệt là ở môn bơi, để tránh tác động phụ từ thuốc. Tuy nhiên sản phẩm này còn gây nhiều tranh cãi và có thể gây ra hội chứng sốc nhiễm độc. 

Lauren Wasser (27 tuổi) một nữ VĐV người Mỹ buộc phải cắt một chân để tránh hội chứng sốc nhiễm độc từ tampon. Các bác sĩ sau đó cho biết do loại băng vệ sinh này thấm hút quá nhanh khiến môi trường âm đạo bị khô, tạo điều kiện cho vi khuẩn Staphylococcus aureus phát triển. Nghiêm trọng hơn, vi khuẩn gây các nhiễm trùng lan từ âm đạo sang chân khiến một bên chân của cô hoại tử. 

ngay-den-do-7
Cựu VĐV điền kinh Paula Radcliffe từng lập kỷ lục thế giới dù không có thể trạng tốt nhất.

Cũng có nhiều nữ VĐV dũng cảm, dám đối mặt với cơn ác mộng, và cho rằng đó là “lẽ tự nhiên của tạo hóa”. Huyền thoại điền kinh Paula Radcliffe là một người như thế, cô từng phá vỡ kỷ lục thế giới tại cuộc thi Chicago Marathon vào “ngày đèn đỏ” mà không sử dụng sản phẩm hỗ trợ hay thuốc men.

“Tôi cố vứt nó ra khỏi đầu và không để nó trở thành chướng ngại. Nó là một trong những thứ có thể trở thành vấn đề lớn nếu bạn suy nghĩ quá nhiều. Tôi đã phá kỷ lục thế giới nên nó không thể là vật cản được, nhưng chắc chắn nó là lý do khiến tôi bị đau bụng trong 1/3 chặng đường cuối của cuộc đua và không cảm thấy thoải mái như bình thường”, Paula Radcliffe chia sẻ.

ngay-den-do-10

Thế nhưng rào cản lớn nhất đối với các VĐV không phải ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt, mà chính là tâm lý ngại chia sẻ. Đại đa số các HLV đều là nam giới và các nữ VĐV khó có thể nói “chuyện con gái” một cách thẳng thắn. Hơn nữa, chủ đề về “ngày đèn đỏ” là nhạy cảm, không được nhắc hay bàn tới nhiều ở cả châu Âu lẫn châu Á.

Bà Georgie Bruinvels cho rằng “ngày đèn đỏ” cần được y học và giới thể thao đánh giá đúng tầm quan trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa. Thậm chí các VĐV và BHL phải thẳng thắn trao đổi, ghi chú rõ ràng thời điểm một cách đều đặn, nhằm sớm chuẩn bị biện pháp an toàn và hiệu quả nhất.

Nguyên Sang / Tin nhanh Online

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới