Thứ Tư, 1 Tháng Năm, 2024
Trang chủDu Lịch Gia laiChư Đăng Ya thuở chưa có dã quỳ…

Chư Đăng Ya thuở chưa có dã quỳ…

Chư Đăng Ya, cái tên bỗng nổi tiếng 3 năm trở lại đây đang làm háo hức lòng người. Nhắc đến Chư Đăng Ya, bây giờ người ta liên tưởng ngay đến dã quỳ. Mùa này người người đang lũ lượt rủ nhau đi ngắm núi và hoa. Chính quyền và ngành chức năng cũng kịp nắm bắt độ nóng để tổ chức lễ hội hoa dã quỳ từ ngày 1 đến ngày 3-12-2017 dưới chân ngọn núi này.

Chư Đăng Ya nằm trên địa phận xã cùng tên, thuộc huyện Chư Pah, là một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm. Từng ấy thời gian, qua quá trình phong hóa của nham thạch, thiên nhiên đã ban tặng nơi này một vùng đất bazan phì nhiêu, màu mỡ.

Núi Chư Đăng Ya.                                                       Ảnh: Hòa Carol
Núi Chư Đăng Ya. Ảnh: Hòa Carol

Ngược dòng về đầu thế kỷ XIX, Chư Đăng Ya đã từng là một ngọn núi được phủ xanh bởi cánh rừng nguyên sinh, phong phú các chủng loài động, thực vật. Đến đầu thập niên 60 thế kỷ trước, người ta còn bắt gặp vô số giống khỉ đặc hữu ở đây, nghịch có tiếng, chẳng sợ người, phá phách chọc ghẹo rất bạo dạn. Hiện nay, đến Chư Đăng Ya, khách vẫn còn bắt gặp rải rác vài cây cổ thụ, những đứa con thế hệ cuối cùng của thần rừng quanh chân núi. Dung nham phun trào từ cổ xưa còn để lại đã cho Chư Đăng Ya loại đá bọt macma độc đáo. Hang đá nhà thờ Ngô Sơn được làm từ đá này.

Khoảng năm 1920, cố Hiển, một linh mục người Pháp, đã cho khai phá sườn Bắc lập vườn trồng cà phê mít, giống này chịu được độ dốc và khô hạn. Nghe bảo ở đây, lúc ấy có cà phê rất ngon nhờ hàng đàn chồn trong rừng tự nhiên ra ăn trái chín và thải khắp nơi, cứ thế mà đi nhặt, sạch và thật 100%. Cố Hiển cũng cho xây dựng nhà thờ Hiển Sơn theo kiến trúc nhà sàn, bằng gỗ cà chít, thứ gỗ bền không thua căm xe, ấm vào mùa đông và mát khi hè về (còn gọi là nhà thờ Hà Bầu), cùng với Ngô Sơn, Tiên Sơn mà thành Tam Sơn. Hiển Sơn được xem là một trong những giáo xứ đầu tiên ở vùng này. Nhà thờ Hiển Sơn đã bị tàn phá, giờ chỉ còn tháp chuông với chi chít vết đạn bom của một thời chinh chiến, thay vào đó là nhà thờ Chư Đăng Ya mới xây dựng cách đây hơn 10 năm, dân tại chỗ quen tên mà gọi là nhà thờ Hà Bầu hay nhà thờ đá. Ở đó có cây me cổ thụ được cụ Hưởng-một trong những người đầu tiên vỡ hoang vùng đất này-trồng năm 1925, cách vị trí nhà thờ hơn 3 cây số, đã được di dời về định vị trong khuôn viên. Thật đáng trân trọng cái tâm bảo tồn của họ.

Sự màu mỡ của đất đã là nguồn sống nhiều đời của cư dân Chư Đăng Ya, đặc biệt là rất phù hợp với yêu cầu dinh dưỡng của các loại thân củ như dong riềng, khoai lang. Cũng vì thế mà rất nhanh, rừng phải nhường chỗ cho rẫy nương và cũng rất nhanh khi chỉ một mùa bỏ hoang thì quá trình diễn thế thảm thực vật phải dừng lại với cỏ dại và cây bụi. Chư Đăng Ya có cái may khi dã quỳ hay cúc quỳ (còn được gọi là sơn quỳ, quỳ dại, hướng dương dại, hướng dương Mexico, cúc Nitobe) được thể lấn lướt mạnh mẽ mà nhuộm vàng Chư Đăng Ya mỗi giao mùa thu đông, chẳng thế có người còn đặt cho chúng cái tên thật lãng mạn là hoa báo đông.

Dã quỳ không phải là thực vật đặc hữu của xứ ta, nó có xuất xứ từ Trung Mỹ, được các ông Tây đồn điền du nhập vào nhân giống làm phân xanh cho cây trồng của họ. Tại Việt Nam, dã quỳ đã được người Pháp đưa vào đầu tiên tại các đồn điền ở Lâm Đồng. Thân dã quỳ chứa nhiều P, Ca, Mg… nên làm phân hữu cơ khá tốt. Rất dễ trồng, chỉ cần giâm cành là sống, hạt khô hễ gặp cơn gió là phát tán rộng khắp, nên loài cây này chiếm lĩnh các nơi hoang dại khắp Tây Nguyên. Một ngọn núi, một dãy đồi được phủ kín bằng sắc vàng cam của dã quỳ chắc chắn sẽ đẹp lắm, nhưng dù chỉ mới “định vị” ngang dọc đường lô sản xuất, tập trung kha khá làm viền quanh miệng phễu của núi, dã quỳ Chư Đăng Ya đã cuốn hút nhiều người rồi. Có thể những gì đang có chưa phải là chuẩn mực của một cảnh quan du lịch, nhưng Chư Đăng Ya vẫn cứ là một điểm đến trong thời điểm giao mùa 2 tháng cuối năm. Song cái đẹp của ngọn núi ấy vẫn còn gì đó mong manh. Cần, rất cần những nâng niu, chăm chút của khách đến thăm để Chư Đăng Ya không phải là một “món ăn liền”. Đừng đem thứ văn hóa “giẫm đạp”, “đụng đâu thải đấy” về đây. Đau lòng lắm!

Và tôi thầm tiếc, phải chi cảnh quan Chư Đăng Ya vẫn còn một chút hùng vĩ của rừng ngày xưa, được chấm phá bởi sắc vàng cam cuốn hút của dã quỳ ngày nay, thì nhan sắc ấy sẽ đẹp hơn rất nhiều…

Nguyễn Sơn

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới