Thứ Hai, 20 Tháng Năm, 2024
Trang chủDu Lịch Gia laiCó hay không hòn đá thiêng ở di tích “Ao ông Nhạc“?

Có hay không hòn đá thiêng ở di tích “Ao ông Nhạc“?

Nằm trong hệ thống Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo trải dài ở các huyện, thị xã: Kbang, An Khê, Đak Pơ và Kông Chro, di tích Kho tiền ông Nhạc gồm 3 hạng mục: nền nhà, kho tiền và ao ông Nhạc ở huyện Kông Chro là cụm di tích có những giai thoại đáng chú ý về “đá thiêng”.

Trong một chuyến điền dã gần đây, chúng tôi đã đến thăm các di tích này. Dù đường vào đây còn chưa thật sự khai thông nhưng du khách được bà con sống trong vùng chỉ dẫn tận tình. Nếu có thời gian trao đổi với bà con đồng bào Bahnar, chúng ta sẽ bắt gặp những câu chuyện tâm linh đầy lý thú.

Ao ông Nhạc đã trùng tu và những viên “đá thiêng” được đưa từ lòng ao lên bờ.                                Ảnh : Q.N
Ao ông Nhạc đã trùng tu và những viên “đá thiêng” được đưa từ lòng ao lên bờ. Ảnh : Q.N

Về vị trí, có điều rất lạ mà chúng tôi tận thấy: đây là khu đất bằng phẳng nhưng lại có nhiều đá mồ côi lớn lẫn vào trong đất và chiếm khoảng 30% đất đá (người dân phải đào dọn các viên đá rồi tận dụng xếp thành hàng rào làm bờ ruộng). Họ giải thích rằng, đá ở vùng đất này giống như “kho của cải” vậy! Trong dân gian lưu truyền rằng, ông Nhạc khi xây dựng căn cứ để khởi nghĩa đã mời thầy phong thủy đến xem đất, sau đó ông quyết định chọn nơi đây làm nơi đúc tiền (?) và xây dựng kho cất giữ tiền của nghĩa quân Tây Sơn.

Đến đây, chúng ta còn được nghe câu chuyện về hòn đá thiêng dưới ao ông Nhạc, một câu chuyện cũng đầy bí ẩn của bà con Bahnar. Chuyện là, trước kia ở dưới đáy ao ông Nhạc có một khối đá có hình thù giống một con khỉ mẹ đang bồng con, ngay tại đó có một mạch nước ngầm phun chảy. Nhờ vậy, nơi đây nước trong và đầy quanh năm, dùng để lấy nước ăn và tắm cho thủ lĩnh… Mấy năm trở lại đây, khi cụm di tích lịch sử kho tiền-nền nhà-ao ông Nhạc được trùng tu, khối đá này bị đưa lên bờ, để lăn lóc và không còn nguyên hình khối ban đầu. Cũng từ đó đến nay, không hiểu sao mạch nước ngầm không thấy phun nữa; mùa khô nước cạn, mùa mưa nước đầy nhưng lại không có nơi thoát nước nên trở thành ao tù.

Câu chuyện thực hư chưa phân định, nhưng sự thật là, trong quá trình trùng tu, cải tạo, dường như nhiều chi tiết đã bị bỏ qua, nhất là về “tâm linh, tín ngưỡng”-một thành tố bên trong của các di tích lịch sử-văn hóa nói chung, của di tích Tây Sơn Thượng đạo nói riêng.

Quốc Ninh

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới