Thứ Năm, 2 Tháng Năm, 2024
Trang chủCông NghệĐánh giá Huawei FreeBuds 3: Ngán gì AirPods

Đánh giá Huawei FreeBuds 3: Ngán gì AirPods

Chọn thiết kế “bông tai” hao hao AirPods, rõ ràng Huawei không ngại nhận gạch đá từ dư luận cho chiếc tai nghe true wireless FreeBuds 3 của mình. Dường như, hãng công nghệ Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để “phản dam” bằng nhiều tính năng như chống ồn chủ động ANC, Bluetooth 5.1, hay chất âm chú trọng bass…

Phải thừa nhận một sự thật rằng, dù Apple AirPods không phải là mẫu tai nghe true wireless (không dây hoàn toàn) đầu tiên trên thế giới, nhưng kể từ khi sản phẩm này ra đời, thị trường tai nghe true wireless đã thực sự bùng nổ. Không chỉ các hãng âm thanh bị thu hút, gần như mọi nhà sản xuất smartphone hiện nay đều có một mẫu tai nghe true wireless “làm của riêng”. Tất nhiên, là một trong những hãng smartphone lớn nhất thế giới, Huawei cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi này.

Đánh giá Huawei FreeBuds 3: Sợ gì AirPods

Huawei FreeBuds 3 – tai nghe true wireless đầu tiên của Huawei được bán ra tại thị trường Việt Nam

Bản thân hãng smartphone Trung Quốc đã cho ra mắt hàng loạt mẫu tai nghe true wireless và FreeBuds 3 hiện là đại diện mới nhất. Đây cũng là mẫu tai nghe true wireless đầu tiên được Huawei bán ra tại thị trường Việt Nam – một trong những thị trường chiến lược của hãng này –  tiếp nối mẫu smartwatch Huawei Watch GT 2 nhằm hoàn thiện hệ sinh thái hỗ trợ cho smartphone, tablet.  

Huawei FreeBuds 3 hiện có giá 4,29 triệu đồng, gần ngang bằng Apple AirPods 2 bản sạc thường hay Samsung Galaxy Buds.

Thiết kế vừa quen vừa lạ, chất lượng gọi thoại rõ nét

Nhìn thoáng qua có thể thấy Huawei FreeBuds 3 trông như “anh em một nhà” với Apple AirPods bởi kiểu dáng “chiếc que” thần thánh, khi đeo lên chẳng khác nào đôi “bông tai” điệu đà. Chưa kể đến phần củ tai (housing) huyền thoại từ thời EarPods. Khó có thể phủ nhận, Huawei đã có những “học hỏi” nhất định từ thiết kế earbud cực kỳ thành công của nhà Táo nhưng nếu để ý kỹ hơn, có thể thấy hãng công nghệ Trung Quốc đã có những tinh chỉnh và không chỉ đơn thuần “copy paste”.

Đánh giá Huawei FreeBuds 3: Sợ gì AirPods

FreeBuds 3 có thiết kế củ tai (housing) giống hệt Apple AirPods nhưng phần thân có sự khác biệt và thêm lựa chọn màu đen bên cạnh trắng truyền thống

Đầu tiên dễ nhận thấy nhất là về màu sắc. Thay vì chỉ có duy nhất một lựa chọn màu trắng như AirPods, FreeBuds 3 có thêm phiên bản màu đen. Màu sắc này sẽ giúp thiết bị trông sạch sẽ hơn và nhiều khả năng sẽ có ngoại hình bền bỉ hơn bởi không bị hiện tượng “ố vàng” hay “cháo lòng” cũng như khó để lộ bụi bẩn.

Đánh giá Huawei FreeBuds 3: Sợ gì AirPods

Phong cách “bông tai” với phần đuôi dài ngoe nguẩy hợp với những ai thích một chút phô trương

Khác biệt tiếp theo và cũng là lớn nhất khi Huawei sử dụng hộp sạc hình tròn còn Apple là hộp hình chữ nhật dù kích thước gần như tương đương nhau. Hộp của FreeBuds 3 được làm nhẵn bóng khá bắt mắt và được ví như hộp… chỉ tơ nha khoa và quả nhiên cách đóng mở cũng rất gần gũi. Điểm trội hơn ở hộp của FreeBuds 3 là bên cạnh cổng sạc có dây chuẩn USB Type C (công suất 6W – 5V1,2A), còn tích hợp sẵn sạc không dây chuẩn Qi 2W. Trong khi với AirPods 2, bạn sẽ phải bỏ ra thêm khoảng 1 triệu đồng mới có tính năng sạc pin không dây tiện lợi này.

Đánh giá Huawei FreeBuds 3: Sợ gì AirPods

Hộp đựng tích hợp sẵn sạc không dây bên cạnh cổng sạc USB Type C

Hộp của FreeBuds 3 được làm chắc chắn, dễ dàng đóng mở bằng một tay và có tiếng “click” khá vui tai khi đóng nắp. Kích thước hộp vừa phải, kiểu dáng tròn trịa nên dễ đút vừa vào túi quần, túi áo hay túi đeo chéo. Hộp có nam châm phía trong và giữ phần tai nghe rất chắc chắn. Ngay cả khi dốc ngược rồi lắc và giũ mạnh, FreeBuds 3 vẫn nằm yên vị và không hề có dấu hiệu xê dịch chút nào.

Hộp đựng giữ tai rất chắc, dốc ngược rồi lắc và giũ mạnh cũng không “xi nhê” chút nào

Khi săm soi kỹ hơn vào FreeBuds 3 có thể thấy phần thân, thay vì nối liền với phần củ tai như AirPods, thân của FreeBuds 3 dài hơn, kéo thẳng lên phần củ tai và tạo thành một chiếc mấu nhỏ. Điều này giúp việc lấy tai ra khỏi hộp dễ hơn nhờ có thêm điểm tựa. Đồng thời nếu cần có thể lấy một lúc được cả 2 tai thay vì từng tai một như AirPods. Tuy nhiên, chất liệu nhựa bóng trơn nhẵn của phần vỏ làm việc lấy FreeBuds 3 trở nên khó khăn khi tay ra nhiều mồ hôi.

Đánh giá Huawei FreeBuds 3: Sợ gì AirPods

Phần thân của FreeBuds 3 được kéo dài, tạo thành chiếc mấu nhỏ phía trên làm điểm tựa khi lấy tai ra khỏi hộp

Đuôi tai của FreeBuds 3, phần chứa mic thoại cũng bầu bĩnh và lớn hơn, mà theo Huawei là để cản tiếng gió thổi, giảm tiếng ồn của gió một cách hiệu quả hơn, giúp việc gọi điện rõ ràng hơn trong môi trường nhiều gió hay khi chạy bộ hoặc đi xe ở tốc độ 20 km/h. Ngoài ra, Huawei còn tuyên bố FreeBuds 3 có cả cảm biến khung xương tai để nhận diện giọng nói tốt hơn. Thực tế, khi đi xe máy ở tốc độ trên 20 km/h tôi vẫn có thể đàm thoại tốt bằng FreeBuds 3 với chất lượng nghe gọi rõ nét.  

Đánh giá Huawei FreeBuds 3: Sợ gì AirPods

Chất lượng gọi thoại rõ nét, phần lớn nhờ thiết kế phần đuôi thon dài với mic phía dưới cùng cảm biến khung xương tai để nhận diện giọng nói tốt hơn

Kết nối ban đầu gây khó hiểu nhưng sau đó hoàn toàn nhanh, ổn định

Nhìn chung, ấn tượng về kiểu dáng, hộp đựng của FreeBuds 3 là rất tốt nhưng đáng tiếc trải nghiệm kết nối ban đầu lại làm tôi có chút hụt hẫng. Khi mở hộp lần đầu tiên, không hề có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tai nghe đã bật hay ở trạng thái chờ kết nối. Cắm sạc và thấy đèn xanh hiện lên, chứng tỏ pin vẫn đầy, tôi luay huay một hồi và lần đầu tiên sau nhiều năm lại phải mò mẫm sách hướng dẫn để tìm cách sử dụng một thiết bị công nghệ.

Việc kết nối ban đầu dễ làm người dùng bối rối

Hóa ra, muốn khởi động FreeBuds 3 trong lần đầu tiên kết nối, bạn sẽ phải nhấn vào một chiếc nút gần như “vô hình” trên phần hộp đựng. Có lẽ, dụng ý của Huawei khi thiết kế chiếc nút “vô hình” này là để phần hộp được liền mạch, không gây xao nhãng. Dù thế, tôi có thể cam đoan rằng nếu không đọc sách hướng dẫn, hiếm có ai có thể biết đến sự tồn tại của nó. Thiết nghĩ, Huawei nên làm nút bấm này nổi bật hơn và đặt thêm một ký hiệu nhỏ như biểu tượng Bluetooth bên cạnh chẳng hạn để người dùng có thể nhận biết dễ hơn.   

Nút bấm để kết nối và đưa FreeBuds 3 vào chế độ Pairing gần như “vô hình” nếu không để ý kỹ và đọc sách hướng dẫn sử dụng

Dù sao, ơn giời là việc này chỉ xảy ra trong lần đầu tiên sử dụng mà thôi, ở các lần tiếp theo, FreeBuds 3 cho tốc độ kết nối rất nhanh nhẹn. Và khi đã quen với nút bấm này, tôi lại thấy nó có phần tiện lợi, nhất là khi cần ghép cặp với một thiết bị mới. Chỉ cần nhấn và giữ nút bấm bên trên hộp, FreeBuds 3 sẽ được đưa vào chế độ Pairing. Với các thiết bị chạy EMUI 10 như Huawei Mate 30/ Mate 30 Pro, sẽ có một cửa sổ Pop Up gần tương tự iOS khi kết nối thành công.

Đeo thoải mái cả ngày, bám chắc kể cả lúc chạy bộ, nhảy nhót

Nhờ kiểu dáng earbud, chỉ cài nhẹ lên tai (thay vì nhét sâu vào trong tai như hầu hết các tai nghe true wireless in-ear khác) nên tương tự AirPods, FreeBuds 3 đeo rất thoải mái, gần như không hề có cảm giác đau tai, vướng víu, nóng tai hay bí bách khó chịu nào dù đeo trong nhiều giờ. Đây là ưu điểm vượt trội của các tai nghe earbud so với in-ear.

Thiết kế dạng earbud giúp việc đeo FreeBuds 3 hoàn toàn thoải mái cả trong thời gian dài

Độ chắc chắn, bám tai của FreeBuds 3 khá ấn tượng. Ngay cả khi lắc đầu mạnh, chạy bộ, nhảy nhót, hay đi xe máy tốc độ 50-60 Km/h vào đường xóc, tai vẫn không bị lỏng ra chút nào. Tuy vậy, chiếc tai nghe sẽ dễ bị rơi nhất khi bạn đeo hay tháo…khẩu trang, bởi phần đuôi dài rất bị vướng vào dây quai của chiếc “rọ mõm”.

Một lưu ý khác là giống như AirPods, FreeBuds 3 không có khả năng chống nước nên bạn cần cẩn thận khi đeo dưới trời mưa và kể cả lúc tập gym, chạy bộ, ra nhiều mồ hôi.  

Chống ồn chủ động ANC chỉ hoạt động tốt ở môi trường không quá phức tạp

Tất nhiên, đánh đổi lại cho sự thoải mái, các tai nghe earbud có một điểm yếu chí mạng là khả năng chống ồn. Để khắc phục nhược điểm này, FreeBuds 3 được trang bị tính năng chống ồn chủ động ANC (Active Noise Cancelling) đảm nhiệm bởi chipset chuyên dụng Kirin A1 do chính Huawei tự phát triển.

Về cơ bản, tai nghe sẽ phát ra một tần số âm thanh đặc biệt để lấn át những tiếng ồn xung quanh và bạn có thể thấy áp lực lên tai khi sử dụng. Hiệu quả chống ồn của FreeBuds 3 là khá tốt trong môi trường không quá phức tạp như văn phòng hay lúc đi ô tô khi có thể giảm tới 70-80% tiếng ồn xung quanh. Với những tình huống khó hơn như khi đi xe máy, hiệu quả giảm xuống chỉ còn khoảng 10-20%.  

FreeBuds 3 là một trong những tai nghe earbud hiếm hoi trên thị trường có chống ồn chủ động ANC

FreeBuds 3 không có tính năng xuyên âm (hear through) để có thể nghe rõ hơn âm thanh môi trường mà không cần tháo tai nghe. Đây là tính năng thường xuất hiện trên các mẫu true wireless in-ear và đại diện mới nhất là mẫu AirPods Pro.

Bạn có thể bật tắt nhanh tính năng chống ồn ANC bằng cách gõ đúp vào tai trái, trong khi gõ đúp vào tai phải sẽ là phát/chuyển nhạc. Hiện gõ đúp là cách duy nhất để tương tác và điều khiển FreeBuds 3 cũng như để nhận cuộc gọi. Thật buồn là tai nghe này không hỗ trợ gõ 1 chạm, 3 chạm, nhấn giữ hay vuốt, không cho tăng giảm âm lượng, lùi bài hát trên tai nên việc điều khiển còn nhiều hạn chế.

Tai chỉ nhận lệnh gõ đúp, không thể gõ 1 chạm, 3 chạm, nhấn giữ hay vuốt

Huawei có cung cấp ứng dụng Huawei AI Life để quản lý FreeBuds 3 và mang tới một số tính năng như xem chi tiết thời lượng của 2 tai trái, phải lẫn hộp đựng. Tùy chỉnh lại các thao tác gõ đúp hay điều chỉnh khả năng khử tiếng ồn chủ động ANC và cập nhật firmware. Nhìn chung các tính năng của AI Life mới dừng ở mức cơ bản. Huawei nên tham khảo thêm Samsung với ứng dụng Galaxy Wearable mang tới nhiều tính năng phong phú như tinh chỉnh âm thanh, tăng cường bass, treble, tùy chỉnh thông báo app, tìm tai nghe hay đọc luôn hướng dẫn sử dụng, các mẹo vặt với sản phẩm.

Ứng dụng Huawei AI Life trên Android cung cấp thêm các tùy chỉnh và theo dõi pin

Giao diện chính của Huawei AI Life được làm đơn giản, trực quan

Khả năng tùy biến lệnh gõ đúp cho cả tai trái và phải

Có thể xem được cả thời lượng pin chính xác của hộp sạc và tinh chỉnh mức độ khử ổn ANC

Một lưu ý quan trọng là AI Life chỉ có trên Android. Nếu dùng FreeBuds 3 với iPhone, bạn sẽ không có ứng dụng hỗ trợ nào. Dù thế, bạn vẫn có thể kết nối chiếc tai nghe này với một điện thoại Android nào đó của bạn bè, người thân rồi tinh chỉnh các tính năng. Mọi thiết lập sẽ được lưu lại từ mức độ chống ồn hay những tùy chỉnh về lệnh gõ đúp.

Chất âm ấn tượng, âm bass sâu và lực, không bị delay, trễ tiếng

Là một trong những thiết bị đầu tiên trên thế giới được trang bị kết nối Bluetooth 5.1, Huawei còn tuyên bố tín hiệu trên FreeBuds 3 được kết nối đồng thời với cả 2 bên tai bằng công nghệ đồng bộ hóa hai kênh do họ tự phát triển, giảm đỗ trễ xuống chỉ còn 190ms. Quả thực khi chơi game, xem video với FreeBuds 3, tôi hoàn toàn không gặp phải tình trạng delay, trễ tiếng. Trong suốt quá trình trải nghiệm, FreeBuds 3 cũng cho kết nối ổn định, không bị mất kết nối, nhiễu tiếng.

FreeBuds 3 là một trong những tai nghe đầu tiên trên thế giới trang bị kết nối Bluetooth 5.1 giúp hạn chế gần như tối đa độ trễ, delay tiếng khi chơi game, xem video

Về khả năng nghe nhạc, FreeBuds 3 có chất âm khá ấn tượng với âm bass sâu và lực, trội hơn cả mẫu Galaxy Buds in-ear. Âm bass này đủ làm đa số người dùng thỏa mãn với các bản Pop pha chút EDM đang thịnh hành hiện nay như Đi Đu Đưa Đi, thậm chi là Hip Hop hay R&B ổn thỏa. Nhưng tai nghe này không dành cho bass head, bạn sẽ không có tiếng bass ù tai, ngược lại âm bass chỉ vừa đủ mà thôi.

Dải mid và treble cũng được tái tạo tách bạch, không bị dính vào nhau. Tiếng ca sĩ ngọt ngào, trong trẻo, tiếng nhạc cụ dễ nghe. Nhìn chung, FreeBuds 3 phù hợp cả với các loại nhạc nhẹ, nhạc trữ tình, bolero, nhấn mạnh vào giọng ca sỹ. FreeBuds 3 có tính năng tự động dừng nhạc khi tháo tai nghe nhưng chỉ hoạt động với các thiết bị Huawei chạy EMUI 10.

Chất âm tốt bất ngờ, trội hơn hẳn AirPods, đặc biệt là âm bass

Thời gian sử dụng liên tục khi chơi nhạc của FreeBuds 3 là khoảng 4 giờ với chiếc Huawei Nova 5T ở mức âm lượng khoảng 60%, tắt chống ồn ANC. Nếu bật chống ồn, thời lượng pin sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 3,5 giờ. Thời gian sử dụng tổng thể nếu tính cả hộp sạc là khoảng 19 giờ, đây là thời lượng pin trung bình và bạn sẽ phải sạc khá thường xuyên. Trong quá trình sử dụng, tôi nhận thấy tai trái thường nhanh hết pin hơn tai phải, có thể đây là nơi đặt con chip Kirin A1 nên tiêu tốn nhiều điện năng hơn.

Mất khoảng 1 giờ để sạc đầy hộp đựng từ mức cạn hẳn 0% và thời gian để sạc đầy tai nghe trong hộp từ mức 0% lên 100% cũng vào khoảng 1 tiếng. Điểm tiện lợi là hộp đựng của FreeBuds 3 hỗ trợ sạc không dây nên khi hộp báo pin yếu, chỉ cần đặt vào đế sạc mà không cần mò mẫm cắm dây. Tuy nhiên, cần lưu ý là khi sạc không dây, cần phải úp mặt không có logo Huawei xuống dưới.

Tổng kết

Với những gì thể hiện, Huawei FreeBuds 3 là mẫu tai nghe không dây true wireless đáng lựa chọn ở tầm giá 4 – 5 triệu đồng. Dù kiểu dáng hao hao AirPods nhưng Huawei đã biết tạo những nét riêng bằng khả năng chống ồn chủ động ANC, kết nối Bluetooth 5.1 độ trễ thấp, hộp đựng dạng tròn tích hợp sạc không dây và đặc biệt là chất âm trội hơn đối thủ đến từ Apple, nhất là âm bass.   

Kiểu dáng hao hao AirPods nhưng FreeBuds 3 đang có nhiều tính năng trội hơn, nhất là phần âm thanh và chống ồn

Thiết kế dạng earbud giúp FreeBuds 3 thoải mái, đeo lâu không gây nóng, bí tai. Hộp đựng chắc chắn và kết nối Bluetooth 5.1 ổn định, độ trễ thấp, hoạt động tốt với mọi điện thoại Android và cả iOS, nhưng để sử dụng đầy đủ các tính năng bạn sẽ phải kết nối với các smartphone Huawei chạy EMUI 10. Chất âm cân bằng với dải bass khá ấn tượng, khả năng chống ồn chủ động ANC phù hợp cho môi trường văn phòng, công sở, nghe gọi tốt.

Điểm hạn chế của FreeBuds 3 là việc cơ chế điều khiển chưa phong phú, chỉ nhận lệnh gõ đúp, không chỉnh được âm lượng trên tai. Kết nối ban đầu còn rườm rà, khó hiểu nếu không đọc sách hướng dẫn. Thời lượng pin còn thấp và không có khả năng chống nước.

Ưu điểm:

+ Thiết kế dạng earbud đeo thoải mái, dễ chịu trong thời gian dài.

+ Tai bám chắc, có thể chạy bộ, nhảy nhót, hay đi xe máy tốc độ 50-60 Km/h.

+ Hộp đựng hình tròn bắt mắt, chắc chắn và kết nối Bluetooth 5.1 ổn định, độ trễ thấp.

+ Khả năng chống ồn chủ động ANC, hoạt động tốt ở môi trường văn phòng, công sở.

+ Chất âm ấn tượng, dải bass khá sâu và lực, mid và treble tách bạch, trong trẻo, gọi thoại rõ nét.

+ Tích hợp sạc không dây.

Nhược điểm:

– Kết nối lần đầu còn rườm rà, khó hiểu do nút bấm trên hộp gần như “vô hình”.

– Điều khiển hạn chế, chỉ nhận thao tác gõ đúp, không chỉnh được âm lượng, lùi bài hát trên tai.

– Thời lượng pin trung bình, không có chống nước.

Thành Đạt

Theo Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới