Thứ Bảy, 27 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiĐộc đáo chợ quê

Độc đáo chợ quê

Dân dã, bình dị với vài bó rau, mớ củ quả hay con gà nuôi được… khung cảnh một số chợ quê của đồng bào Jrai đã tạo thêm nét đẹp trong mua bán, trao đổi hàng hóa.

 Một phiên chợ chiều ở xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa. Ảnh: R.H
Một phiên chợ chiều ở xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa. Ảnh: R.H

Về vùng ngoại ô TP. Pleiku, bạn hãy đến chợ chiều làng Ngó (đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Trà Bá). Nơi đây có rất nhiều loại rau củ quả, tôm cá, ếch… được bà con Jrai tranh thủ hái, bắt trên những cánh đồng ở xã Chư Á, An Phú đem về đây bán. Cứ đúng 13 giờ là các bà, các mẹ lại họp chợ. Đang lựa cho mình mớ rau, chị Nguyễn Thúy Liễu (tổ 10, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Rau củ ở đây giá cả tương đối rẻ, lại “cây nhà lá vườn”, luôn xanh tươi và sạch nên chiều nào tôi cũng ghé mua”.

Đang tất bật chào khách, chị H’Chăk (làng Khưn, phường Trà Bá) vui vẻ chia sẻ: “Tôi thường bán cá lóc, cá trê, cá rô, ốc, ếch đủ thứ. Buổi sáng, tôi ra ruộng mò cua bắt ốc, chiều đem lên chợ bán. Đang là mùa khô nên chỉ bán từng ấy thôi, mỗi chiều cũng kiếm được 70-80 ngàn đồng”. Còn với chị Hun (làng Ngó), các mặt hàng của chị thường là rau củ quả trong vườn nhà như: ớt, dưa leo, bắp chuối, rau muống… “Ở nhà mùa này cũng không có việc gì làm nên tôi ra chợ bán vài bó rau kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình”-chị Hun cho hay.

Bà Kpă H’Kut cùng đứa cháu bán rau vườn do bà trồng tại chợ Ia Mrơn. Ảnh: R.H
Bà Kpă H’Kut cùng đứa cháu bán rau vườn do bà trồng tại chợ Ia Mrơn. Ảnh: R.H

Cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km và dọc theo tỉnh lộ 664 có một khu chợ được gọi là “chợ tạm” (làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Thông thường khoảng 13-14 giờ là người dân bắt đầu đem hàng hóa ra bày bán. Chị Puih Hà (làng Blang 1) kể: “Tôi bán ở đây cũng hơn 1 năm rồi, đa số là các loại cá do chồng tôi đánh bắt được. Có ngày tôi còn bán vài quả bí, mướp, chuối, bắp trồng trong rẫy”. Gần đó, bà Thiêr (làng Jút, xã Ia Dêr) bày bán khá nhiều thứ như: cà đắng, mít luộc, sả, măng rừng, bơ, rau dền và có cả ốc, sò, nghêu… Chợ có nhiều thức ăn tươi ngon nên nhiều người dân từ các làng khác, kể cả công chức, viên chức cứ mỗi chiều đi làm về lại ghé qua mua hàng. Anh Nguyễn Hoàng Sa (trú tại số 21 Phạm Ngũ Lão, phường Trà Bá) chia sẻ: “Rau rừng của bà con Jrai ở đây rất tươi ngon, mua để dành 2, 3 ngày dùng cũng không sao. Buổi chiều, tôi thường ghé đây mua rau, giá cả thì rẻ lắm, chỉ vài ngàn đồng là đủ cho bữa chiều rồi”.

Và, không biết từ khi nào mà buổi chợ chiều ở xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) lại rộn ràng đến thế. Cứ khoảng 14-15 giờ là người dân quanh vùng lại gùi về chợ bán những loại rau quả họ trồng ở vườn hay hái từ rừng về: bó lá mì, hoa đu đủ, mồng tơi, cà đắng cùng vài bó rau dớn, ớt chỉ thiên, hoa núc nác, bông so đũa, lá é, cỏ thơm, đọt lá tang liang… Ngoài ra còn có các sản vật như tôm, cua, cá, ốc đá mà dòng sông Ba ban tặng. Bà Kpă H’Kut (thôn Bah Leng, xã Ia Ma Rơn) bộc bạch: “Rau ở đây không có thuốc bảo vệ thực vật nên nhiều người thích mua, bày hàng ra là có người đến lựa luôn. Mỗi bó lá mì, hoa đu đủ, rau dại…, mình bán chỉ 5.000 đồng thôi, ngày nào cũng kiếm được vài chục ngàn đồng”.

Cứ thế, mỗi chiều, những phụ nữ Jrai vẫn gùi trên lưng những bó rau, con cá dân dã mang ra chợ bán. Với họ, chợ quê không chỉ là nơi trao đổi, bán mua mà còn là dịp giao lưu, chia sẻ những niềm vui, cách làm ăn, chuyện trò sau một ngày làm việc mệt nhọc.

R’Ô HOK

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới