Thứ Hai, 20 Tháng Năm, 2024
Trang chủDu Lịch Gia laiDu lịch Gia Lai nằm đâu trong bản đồ du lịch Việt...

Du lịch Gia Lai nằm đâu trong bản đồ du lịch Việt Nam?

Dù luôn tự hào là nhiều thắng cảnh, nhiều địa danh nổi tiếng cùng các di chỉ lịch sử cũng như một nền văn hóa mang đậm nét truyền thống lâu đời, thế nhưng du lịch Gia Lai vẫn èo uột trong nhiều năm qua. Nói văn hoa một tí thì tìm trên bản đồ du lịch Việt Nam ngành du lịch Gia Lai vẫn nhạt nhòa như cách ví von đó vẫn là “tòa lâu đài cổ bí ẩn trong rừng già” nhưng đường vào thì… vẫn chưa có.

Những nét văn hóa truyền thống đặc sắc vẫn chưa được ngành du lịch Gia Lai biến thành thế mạnh để phát triển du lịch.

Gia Lai có gì đặc sắc?

Nhắc đến Gia Lai người ta nghĩ đến ngay “đôi mắt Pleiku – Biển Hồ đầy”, thủy điện Ia Ly (1 trong 2 thủy điện của cả nước đưa vào hoạt động du lịch) hay mùa dã quỳ đầy nắng. Thế nhưng, vùng đất này còn được thiên nhiên ưu đãi nhiều hơn thế! Chỉ điểm qua như: Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh–được công nhận là Di sản ASEAN với hệ động, thực vật đa dạng, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nguyên sơ, quần thể Di tích Tây Sơn thượng đạo ghi dấu một thời của 3 anh em nhà Nguyễn Huệ…

Gia Lai hiện còn lưu giữ một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó phải kể đến “Không gian văn hóa cồng chiêng” của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Bên cạnh đó là những bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa thể hiện qua kiến trúc nhà sàn, nhà rông, nhà mồ, qua các lễ hội truyền thống, nhạc cụ, sử thi, truyện cổ của người Gia Rai, Ba Na. Chưa kể Gia Lai có rất nhiều điểm du lịch sinh thái gắn với thiên nhiên hùng vĩ, di tích văn hóa, lịch sử, những sản vật, sản phẩm được thiên nhiên ưu ái ban phú như hồ tiêu, cà-phê, mật ong…

Phong phú, đặc sắc là thế nhưng nhìn lại, du lịch Gia Lai vẫn chưa có gì nổi trội. Bởi phần lớn du khách vẫn chưa mặn mà với những điểm đến nơi đây. Tất cả các điểm đến từ du lịch sinh thái, văn hóa đến truyền thống, lịch sử vẫn “mù mờ” với du khách. Họa hoằn chăng có vài đoàn du lịch từ tỉnh bạn, hoặc các đoàn famtrip mà ngành du lịch tỉnh này “mời” đến. Đến Biển Hồ hay mới đây ngành du lịch tỉnh lập đề án bổ sung thêm Khu du lịch Biển Hồ – Chư Đăng Ya vào các khu du lịch Quốc gia nhưng du khách đến đây vẫn chỉ là con số đếm trên đầu ngón tay. Đa phần là những người du lịch nhỏ lẻ kiểu gia đình, hoặc lần đầu tới Pleiku. Thế nhưng, đến đây họ cũng chỉ chụp vài bức ảnh “check in” chứng minh mình đã đặt chân đến. Thực sự, chưa có gì để đảm bảo níu kéo họ trở lại đây lần nữa!

Thế nên, DN lữ hành, du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng lơ thơ vài DN và cũng chưa tạo nên những tour du lịch thực sự hấp dẫn. Bởi họ cũng biết, Gia Lai chưa phải là điểm đến mà chỉ là điểm trung chuyển, hầu hết du khách ở lại Bình Định, Đắc Lắc–nơi cơ sở lưu trú, các dịch vụ đặc sắc, đa dạng hơn Gia Lai gấp nhiều lần. Chưa kể những điểm du lịch cũng chưa được đầu tư nhiều khiến sức hấp dẫn vơi đi trong lòng du khách.

Đơn cử, quần thể Di tích Tây Sơn thượng đạo được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1991 nhưng hiện  nhiều nơi đã xuống cấp hoặc có nguy cơ mai một như cánh đồng, vườn mít Cô Hầu (tại H. Kbang). Hay như mới đây, mật ong Gia Lai lọt vào Top 10 đặc sản làm quà tặng nổi tiếng Việt Nam 2017 do Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Vietkings) bình chọn. Thế nhưng, có điều gì đó bấp bênh khi người Gia Lai kiếm mật ong đúng nghĩa… “mật ong thật” còn khó, chưa kể Gia Lai chưa xây dựng được thương hiệu mật ong cho chính mình. Trong khi 2 tỉnh lân cận là Kon Tum, Đắc Lắc đã xây dựng được thương hiệu các sản phẩm nổi tiếng như: rượu sim, rượu Ngọc Linh, sâm Ngọc Linh, lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột… thì hồ tiêu Chư Sê vẫn làm hoài nghi người tiêu dùng khi… tiêu sạch vẫn chưa được đảm bảo.

Cánh đồng Cô Hầu (H. Kbang) trong quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo ngày càng bị thu hẹp diện tích và ít được quan tâm tôn tạo.

“Mãi là tiềm năng”

Mới đây, trong cuộc họp giao ban trực tuyến 9 tháng đầu năm của tỉnh Gia Lai, lần nữa câu chuyện “làm du lịch” lại “nóng” hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ lãnh đạo UBND tỉnh đặt ra nhiều câu hỏi như thế cho người đứng đầu ngành du lịch. Thế nhưng còn đó vẫn nhiều dấu chấm hỏi để ngành du lịch tỉnh Gia Lai đi lên. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng thừa nhận, du khách nước ngoài đến với Gia Lai càng ngày càng giảm và công tác tuyên truyền, quảng bá, khai thác du lịch hiện vẫn chưa ổn.

Điều đó cũng dễ hiểu, bởi thực sự Gia Lai chưa tạo nên dấu ấn riêng biệt cho chính mình, ngành du lịch cứ phát triển bình bình với những điểm đến dù được công bố, công nhận là hấp dẫn nhưng thực chất vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Nhìn lại, ngành du lịch Gia Lai vẫn cứ “dậm chân tại chỗ” trong những năm qua.

Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH&TT-DL tỉnh Gia Lai chia sẻ thêm: “Ngoài cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu thì nguồn nhân lực về du lịch của tỉnh đang rất ít và năng lực còn hạn chế. Tỉnh chỉ có 10 DN lữ hành, Đắc Lắc bên cạnh thì gấp 4 lần. Chưa kể cán bộ phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch quốc tế Gia Lai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Công tác quản lý Du lịch thì Sở chỉ có 5 người trong đó 1 Phó Giám đốc, còn 4 người khác làm công tác truyền thông, còn Trung tâm xúc tiến Du lịch thì chỉ có 3 người. Thế nên, năm vừa rồi, Sở phải huy động toàn ngành để phục vụ cho du lịch”.

Có thể thấy, trong thời gian gần đây, tỉnh Gia Lai đang có những bước chuyển mình để phát triển ngành du lịch, từ việc chỉ đạo ráo riết của những người đứng đầu tỉnh đến việc xúc tiến các hoạt động du lịch. Đặc biệt là ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Lai với TP Hồ Chí Minh nhằm tạo nên những điểm đến, tour, tuyến du lịch thực sự hấp dẫn. Tuy nhiên, với thực trạng như hiện nay có lẽ Gia Lai còn nhiều việc phải làm để đưa Gia Lai trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn vào bản đồ Du lịch Việt Nam!

Theo CADN.COM.VN

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới