Thứ Bảy, 18 Tháng Năm, 2024
Trang chủDu Lịch Gia lai“Dù lượn sẽ cất cánh từ Chư Đăng Ya“

“Dù lượn sẽ cất cánh từ Chư Đăng Ya“

Với phong cảnh, không gian và khí hậu thuận lợi, núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) hứa hẹn trở thành một trong những điểm bay dù lượn đẹp nhất Việt Nam. Điều này mở ra một hướng đi mới trong khai thác và phát triển du lịch tại khu vực này.

Dù lượn là môn thể thao hàng không giải trí đã du nhập và phát triển tại Việt Nam từ cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là một môn thể thao lạ lẫm với nhiều người. Chính bởi sự hấp dẫn và lạ lẫm ấy, dù lượn luôn có một sức hút đặc biệt với người xem cũng như người được trải nghiệm bay. Dù lượn cũng là một trong những sợi dây kết nối quan trọng giữa các điểm du lịch với du khách quốc tế. Bởi thế, cơ hội quảng bá du lịch từ dù lượn là rất lớn. Trong số đó phải kể đến Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” tại đèo Khau Phạ để khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Được tổ chức hàng năm, Festival này đã trở thành điểm nhấn cực kỳ quan trọng trong chuỗi hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Ở Tây Nguyên, dù lượn cũng trở thành một hình thức du lịch khám phá rất “đắt khách” với điểm nhảy dù tại núi Lang Biang (tỉnh Lâm Đồng).

Cánh dù được kéo căng khi đến điểm xuất phát trên đỉnh núi. Ảnh: L.V.N
Cánh dù được kéo căng khi đến điểm xuất phát trên đỉnh núi. Ảnh: L.V.N

Tuy nhiên, tại Việt Nam, những điểm nhảy dù đẹp có thể phát triển thành dịch vụ đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, người chơi bộ môn này cũng khá khiêm tốn với khoảng hơn 150 người trên cả nước. Theo khảo sát mới đây, núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) hứa hẹn trở thành một trong những điểm lý tưởng để phát triển dù lượn. Cụ thể, ngày 21-1 vừa qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã mời các phi công tại Câu lạc bộ (CLB) Dù lượn Hà Nội (Hanoi Paragliding) đến khảo sát bay tại núi lửa Chư Đăng Ya. Thật bất ngờ, các phi công đều đánh giá rất cao những tiềm năng mà ngọn núi này đang sở hữu.

Sau khoảng thời gian leo núi chừng 30 phút, các phi công đã đến được đỉnh núi ở độ cao hơn 100 m. Sau khi đo tốc độ gió, độ cao, hướng gió, họ nhận định đỉnh núi Chư Đăng Ya là một địa điểm thuận lợi cho việc cất cánh. “Đỉnh núi này không quá cao như những điểm cất cánh ở các nơi khác. Tuy nhiên, với sức gió và nhiệt độ cùng địa hình thì đây cũng là một điểm lý tưởng để cất cánh”-phi công Nguyễn Quang Chuẩn nhận định. Trong cuộc khảo sát, 3 phi công dù lượn đã thực hiện 4 chuyến bay từ đỉnh núi rồi hạ cánh xuống bãi đất trống dưới chân núi. Mỗi chuyến bay kéo dài 3-20 phút tùy theo điều kiện gió và nhiệt độ.

Sau các chuyến bay thử nghiệm, các phi công tỏ ra vô cùng ngỡ ngàng và thích thú với vẻ đẹp của ngọn núi lửa. Phi công Nguyễn Hải Anh chia sẻ: “Tôi đã đi rất nhiều nơi, bay ở nhiều điểm nhưng đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến ngọn núi lửa này. Dù chưa phải là mùa hoa dã quỳ nhưng ngọn núi đã rất đẹp, leo lên đỉnh núi có thể ngắm nhìn ruộng nương, những ngôi làng và đặc biệt là Biển Hồ. Có thể nói khung cảnh nơi đây thực sự ấn tượng”. Từ trên đỉnh núi, một vùng trù phú với hồ tiêu, cà phê hiện ra khiến những lữ khách phương xa phần nào cảm nhận được nhịp sống của người dân quanh ngọn núi lửa. Nhìn từ đỉnh núi Chư Đăng Ya, những ruộng lúa đã gặt xong, gốc rạ bạc phếch giữa nắng vàng giống như ruộng muối của diêm dân vùng biển. Không chỉ thích thú với cảnh sắc, các phi công cũng được trải nghiệm cảm giác lý thú khi rảo bước trên miệng núi lửa, trên những viên đá mắc ma-trầm tích còn sót lại của những đợt phun trào từ hàng triệu năm trước.

Ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Thời gian tới, Sở sẽ kiến nghị thành lập Câu lạc bộ Dù lượn Gia Lai với khoảng 10-15 thành viên. Câu lạc bộ sẽ ưu tiên tuyển chọn những người dân Jrai tại xã Chư Đăng Ya để huấn luyện bài bản về môn dù lượn, từ đó định hướng phát triển môn này theo hướng thương mại dịch vụ, thậm chí có thể dùng để tuần tra bảo vệ rừng như nhiều nơi đã thực hiện. Theo dự kiến, với sự thành công của cuộc khảo sát lần này, lễ hội dù lượn tại núi lửa Chư Đăng Ya sẽ lần đầu tiên được tổ chức trong chuỗi hoạt động của lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018”.

Phi công Vũ Thanh Hiển cũng rất hào hứng: “Ngọn núi này mà phát triển bay dù lượn thì quá tuyệt vời. Sức gió và cường độ nắng ở đây vào mùa khô rất hợp lý cho việc bay. Nếu nhiệt độ cao hơn một chút giúp dù đón được luồng khí nóng thì có thể bay hàng chục cây số về TP. Pleiku. Chư Đăng Ya lại có khoảng cách khá gần trung tâm thành phố, vào mùa khô xe máy có thể lên tận đỉnh núi nên càng có thể phát triển theo hướng dịch vụ như các nơi khác đang làm. Đầu tư cho bộ môn này cũng không quá cao, chỉ chừng 50-60 triệu đồng cho một bộ dù thôi”. Anh Hiển cho biết thêm, thời gian tới, các thành viên của CLB Dù lượn Hà Nội sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát ngọn núi Chư Nâm sát cạnh núi Chư Đăng Ya với độ cao khoảng 600 m so với mặt đất. Nếu thành công, nơi đây có thể trở thành địa điểm tổ chức những cuộc thi dù lượn mang tầm quốc tế.

Lê Văn Ngọc

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới