Thứ Hai, 20 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiDùng nước thải từ nhà máy làm… phân bón

Dùng nước thải từ nhà máy làm… phân bón

Một nhà máy tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) đã xả trực tiếp nước thải sau quá trình chế biến ra môi trường khi được một số người dân xin chất thải để làm phân bón cho cây trồng. Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nơi nhà máy đứng chân mà còn để lại nỗi lo ô nhiễm môi trường.

Thời gian vừa qua, một số hộ dân tại xã Biển Hồ và xã Trà Đa (TP. Pleiku) phản ánh việc một nhà máy tại Khu Công nghiệp Trà Đa xả nước thải ra môi trường gây mùi hôi thối. Qua tìm hiểu của P.V, đây là nước thải của Nhà máy Chế biến tiêu thuộc Công ty TNHH Chí Thành Long (gọi tắt là Nhà máy) tại lô B7, Khu Công nghiệp Trà Đa. Một số người dân ở thôn 1 và làng Đal (xã Biển Hồ), thôn 3 (xã Trà Đa) đã xin chất thải từ Nhà máy để đổ vào vườn làm phân bón cho cây trồng.

Nước thải từ nhà máy có mùi hôi thối nồng nặc.    Ảnh: L.V.N
Nước thải từ nhà máy có mùi hôi thối nồng nặc. Ảnh: L.V.N

Tại vườn của gia đình anh Ksor Nhe (làng Đal, xã Biển Hồ), P.V phát hiện có 2 hố nước thải, mỗi hố rộng 200-300 m2, độ sâu khoảng 0,5-1 mét chứa đầy nước thải từ Nhà máy. Hai hố nước này cách Nhà máy chừng hơn 2 km và nằm sát cánh đồng lúa, gần khu vực giọt nước đầu nguồn của cánh đồng. Anh Nhe cho biết, năm 2016, nghe một số người trong làng làm công nhân tại Nhà máy nói rằng, nước thải ở đây làm phân bón cho cây rất tốt nên anh cũng xin vài xe đổ vào vườn cỏ voi nhà mình. Tuy vậy, khu vực đổ ở gần làng, mùi hôi thối bốc lên, dân làng không chịu được nên năm nay anh đào hố rồi xin đổ chất thải tại khu vực rẫy để bón cho lúa, cà phê.

“Không biết có chất gì trong đó nhưng thấy đổ vào cỏ thì cỏ cũng tốt hơn, lại nghe người ta bảo tốt nên tôi nói họ đổ vô rẫy nhà mình. Họ đổ miễn phí mà. Loại nước thải này không biết có độc hại gì không, chỉ thấy mùi hôi thối quá, nhưng gắng chịu một thời gian cũng đỡ hôi thối thì mới mang bón cho cây”-anh Nhe cho hay. Cũng theo anh Nhe, mỗi ngày, Nhà máy chở 2-3 xe loại xe máy cày đến đổ vào rẫy nhà anh. Hai hố nước thải tại khu vực rẫy của anh Ksor Nhe được Nhà máy đổ trong vòng nửa tháng.

Cảnh sát Môi trường vào cuộc

Liên quan đến vụ việc, P.V đã liên hệ với lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh. Ngay sau đó, đơn vị này đã chỉ đạo một tổ công tác phối hợp với P.V đến hiện trường ghi nhận việc xả thải và lấy mẫu chất thải về kiểm tra. Theo tổ công tác, việc Công ty TNHH Chí Thành Long xả thải trực tiếp ra môi trường là vi phạm quy định về xử lý chất thải. Sáng 20-8, trao đổi với P.V, Đại tá Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, cho biết: “Hiện đơn vị đã xác minh làm rõ Công ty đổ chất thải này ra ngoài. Tuy nhiên, để xác minh chất này có độc hại hay không thì phải đưa đi giám định. Trong vụ việc này, cái khó là người dân tự ý xin chứ không phải Công ty tự ý đổ chất thải. Hiện chúng tôi đang tiếp tục làm rõ vụ việc trên”.

Theo ghi nhận của P.V, nước thải từ Nhà máy thải ra môi trường có màu đen sẫm, lỏng quánh và sệt giống nhựa đường. Đặc biệt, nước thải có mùi hôi thối, chua nồng rất khó chịu. Anh Ksor Nêk (thôn 1, xã Biển Hồ) bức xúc: “Nhà mình cách chỗ Nhà máy xả nước thải hơn 1 km mà mỗi khi gió thổi là hôi thối nồng nặc không chịu được. Tội nhất là lũ trẻ, ngửi mùi này một lúc là bị đau đầu. Khi trước, Nhà máy có đổ nước thải một lần ở khu vực nhà mả, trên đầu nguồn giọt nước ăn của làng, sau đó dân làng sợ nó theo dòng nước xuống nên không cho đổ nữa. Không biết nó có tốt thật không chứ cứ đổ ra ngoài thế này người dân không chịu được đâu”. Không chỉ đổ thành từng hố nước dạng lỏng, ở hàng chục điểm P.V phát hiện được, nước thải đổ tràn lan ra bề mặt với diện tích lớn. Nắng lên, nước thải đặc lại thành dạng bột nhưng vẫn bốc mùi khó chịu.

Trong vai một nông dân muốn xin nước thải để làm phân bón, chúng tôi đến liên hệ tại Nhà máy thì được nhân viên bảo vệ cho số điện thoại của một người phụ trách công việc này. Trao đổi với chúng tôi, anh ta quả quyết: “Đây là nước thải sau khi chế biến hạt tiêu, không dùng hóa chất nên không có độc hại gì đâu mà lo. Nhiều người họ cũng xin đổ cái này để làm phân bón rồi, tốt lắm”. Cũng theo người này, chỉ cần nông dân yêu cầu, họ có thể đổ nước thải bất cứ lúc nào và hoàn toàn miễn phí!

Lê Văn Ngọc

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới