Chủ Nhật, 19 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Ban quản lý rừng Đắk Đoa trục lợi hơn 5...

Gia Lai: Ban quản lý rừng Đắk Đoa trục lợi hơn 5 tỷ đồng

Khai khống kinh phí chăm sóc, bảo vệ rừng, giả chữ ký để chiếm đoạt hàng tỉ đồng ngân sách; ký thanh toán hàng trăm triệu đồng cho doanh nghiệp, dù thi công thiếu khối lượng đã ký kết; chi tiếp khách, mua sắm, chi công tác phí vô tội vạ… Đó là những sai phạm ở Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.

Rừng do BQLRPH Đắk Đoa quản lý bị phá

Theo kết luận của thanh tra tỉnh Gia Lai, tại BQLRPH Đắk Đoa (giai đoạn 2013 – 2017) xảy ra hàng loạt sai phạm trong việc sử dụng ngân sách nhà nước.

Cụ thể, BQLRPH Đắk Đoa đã làm các hợp đồng thuê, khoán chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng giai đoạn năm 2013 – 2016. Tuy nhiên, số tiền không thực chi theo hợp đồng lên đến khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 940 triệu đồng chi không rõ mục đích, đối tượng sử dụng.

BQL ký hợp đồng với ông Tra (xã Hải Yang), ông A Buk (xã Đắk Sơ Mei) và ông D’Run (xã Hà Đông, đều ở huyện Đắk Đoa) nuôi dưỡng hơn 100ha rừng với số tiền 453 triệu đồng. Tuy vậy, số tiền mà các hộ nhận được chỉ có 43 triệu đồng; còn 410 triệu đồng danh sách nhận và chữ ký không phải của họ. BQL hợp đồng chăm sóc rừng với các nhân viên Đỗ Văn Hùng, Hồ Chí Tuân, Phạm Thị Mỹ Diệu, Nguyễn Văn Yên cùng thủ quỹ Trương Thị Hồng Lan với kinh phí 1,1 tỉ đồng (đây là phần không khoán cho hộ, nhóm hộ nhận khoán). Lách luật, các cán bộ này không thực hiện mà thuê người đồng bào dân tộc làm thay, đáng nói danh sách chi tiền không có địa chỉ, không có chữ ký của người làm thuê. Trong 1,53 tỉ đồng tiền nuôi dưỡng rừng trồng, danh sách chi cho cán bộ có chứng từ là 590 triệu đồng, còn hơn 942 triệu đồng không biết vào túi ai.

Đối với kinh phí làm đường ranh cản lửa, BQL giao khoán cho 2 cán bộ Phan Thị Hồng Phượng và Trương Thị Hồng Lan thực hiện với số tiền 859 triệu đồng. 2 cán bộ này đã thuê người dân địa phương làm. Sau đó, ký phiếu chi số tiền thực hiện là 171 triệu đồng. Đáng nói, các hộ nhận khoán khẳng định: Không biết, không nhận tiền và không phải chữ ký của họ và số tiền 859 triệu đồng (kể cả 171 triệu đồng ảo) không biết vào túi ai.

Năm 2017, BQL hợp đồng với ông Tơh (trú làng Kon Song Lok, xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa) làm đường ranh cản lửa với số tiền 196 triệu đồng. Ông Tơh cho biết, ông chỉ được giao làm 1km với số tiền 2 triệu đồng, nhưng trong phiếu chi, ông được BQL “thanh toán” đến 36 triệu đồng, còn hơn 160 triệu đồng thì chữ ký trong hợp đồng và bản thanh lý hợp đồng không phải của ông. Hơn 1,019 tỉ đồng làm đường ranh cản lửa, danh sách chi hợp lý chỉ có 10 triệu đồng, hơn 1 tỷ đồng còn lại còn lại đã “bốc hơi”.

Trong thời gian 4 năm, từ 2014 – 2017, BQL được Sở NN-PTNT giao 1,19 tỉ đồng để phát, đốt rừng có điều khiển. Hai cán bộ là bà Phạm Thị Mỹ Diệu và Trương Thị Hồng Lan không thực hiện mà hợp đồng với hai ông Đinh Kuech và ông Ksor Thức. Xác tín chứng từ, số tiền giao thực hiện 59 triệu đồng nhưng hai ông không nhận vì nhầm tưởng là trách nhiệm của hộ nhận khoán. Trong 1,13 tỉ đồng ngân sách rót về, BQL đã chi cho cán bộ 450 triệu đồng tiêu xài, còn hơn 680 triệu đồng đã bị chiếm dụng.

Phần “Kiến nghị” trong Kết luận thanh tra

Theo kết quả kiểm tra tài chính của tỉnh Gia Lai, phát hiện lãnh đạo và nhân viên BQL đã chi tiếp khách số tiền hơn 400 triệu đồng không đúng quy định. Không đi công tác, không có lịch trình vẫn khai khống chi mua nhiên liệu hơn 510 triệu đồng; mua vật tư, hàng hóa không có mục đích hơn 250 triệu đồng; chi sai hơn 1 tỉ đồng tiền mua quà, tuyên truyền, hội thảo, hội nghị.

Theo kết luận thanh tra, các cá nhân chịu trách nhiệm về các sai phạm trên gồm: ông Hoàng Thi Thơ, Trưởng BQL từ 2013 – 2016; Trưởng ban kế nhiệm là ông Văn Hải Hội; ông Mai Hồng Chương, Phó Trưởng ban; ông Phạm Đức Linh, Kế toán trưởng; bà Phạm Thị Mỹ Diệu, Phan Thị Hồng Phượng, nhân viên kỹ thuật và bà Trương Thị Hồng Lan, thủ quỹ.

Với những sai phạm nghiêm trọng tại BQLRPH Đắk Đoa, lẽ ra vụ việc phải được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra, nhưng trong Kết luận thanh tra tỉnh chỉ kiến nghị giao cho giám đốc Sở NN-PTNT kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan.

Trong số hàng loạt BQL rừng tại Gia Lai có sai phạm, Thanh tra tỉnh đã chuyển hồ sơ 6 vụ việc sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh. Tuy nhiên, mới chỉ có 1 vụ việc là sai phạm tại BQLRPH Bắc Biển Hồ chính thức bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhiều vụ việc đã 3 – 4 năm nhưng vẫn… chưa có kết quả điều tra.

Theo Baomoi.com

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới