Chủ Nhật, 19 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Bảo tồn và phát triển giống lan kim tuyến

Gia Lai: Bảo tồn và phát triển giống lan kim tuyến

Với Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong nhân giống và xây dựng mô hình trồng lan kim tuyến dưới tán rừng tự nhiên tại huyện Kbang”, hàng năm, ông Võ Tấn Hưng-Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nga Gia Lai (thị trấn Kbang) cung ứng ra thị trường 1 triệu cây giống và trồng thành công loài lan kim tuyến dưới tán rừng.

Khi còn công tác tại Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang, trong những chuyến về buôn làng, ông Hưng chứng kiến người dân vào rừng thu hái dược liệu, trong đó có loài lan kim tuyến (lan gấm, lan kim cương) bị khai thác kiệt quệ, nguy cơ mất nguồn gen quý. Vì vậy, ông luôn trăn trở tìm cách bảo tồn và phát triển giống lan quý này. Sau khi nghỉ hưu, trong một lần đến Đà Lạt, ông Hưng có dịp tham quan mô hình nuôi cấy mô lan kim tuyến. Từ những kiến thức có được, ông Hưng bắt tay triển khai Dự án “Ứng dựng tiến bộ khoa học và công nghệ trong nhân giống và xây dựng mô hình trồng lan kim tuyến dưới tán rừng tự nhiên tại huyện Kbang” giai đoạn 2018-2021. Vượt qua nhiều đề tài khoa học, dự án này được tỉnh hỗ trợ 1,7 tỷ đồng để Công ty cổ phần Việt Nga Gia Lai triển khai thực hiện.

Năm 2019, ông Hưng vay mượn hơn 4 tỷ đồng mua sắm trang-thiết bị và xây dựng Trung tâm Khoa học công nghệ rộng 240 m2 gồm 5 phòng: sản xuất, pha chế môi trường, cấy sinh học, nuôi cây và huấn luyện cây; đồng thời thuê 4 kỹ sư nông nghiệp để sản xuất nuôi cấy mô cây lan kim tuyến.

Hàng năm, Công ty cổ phần Việt Nga Gia Lai cung ứng ra thị trường khoảng 1 triệu cây giống lan kim tuyến. Ảnh: Ngọc Minh
Hàng năm, Công ty cổ phần Việt Nga Gia Lai cung ứng ra thị trường khoảng 1 triệu cây giống lan kim tuyến. Ảnh: Ngọc Minh

Nói về giống lan quý này, ông Hưng cho hay: Lan kim tuyến thường sống ở nơi ẩm ướt và mọc rải rác trong rừng sâu, núi cao cách mặt nước biển khoảng 800-1.500 m. Mặt trên lá có màu tím nhung, gân lá hiện lên rất rõ, lá dày nhưng rất mềm mượt, óng ánh như kim tuyến, mặt dưới màu phớt hồng, thân chia thành từng đốt. Trong y học, lan kim tuyến là loại dược liệu có tác dụng tăng cường sức khỏe, bồi bổ khí huyết, chữa các bệnh viêm khí quản, ho khan, đau họng, tiêu đờm, giải nhiệt. Ngoài ra, lan kim tuyến còn có tính kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị bệnh gan, bình ổn huyết áp, chữa đau lưng, suy thận…

Theo ông Hưng, trong rừng có rất nhiều loài lan kim tuyến. Để tìm ra giống có gen tốt, hàm lượng dược liệu cao, ông cùng các kỹ sư lặn lội nhiều ngày ở những cánh rừng trên địa bàn huyện Kbang. Trong đó, ông tìm thấy 2 loài lan gấm tại khu vực rừng thuộc các xã Đak Rong và Sơn Lang có tên khoa học là Anoectochilus lylei rolfe ex downie và Anoectochilus roxburghii (Wall.) Lindl. Hai loại lan này đều có hàm lượng kinsenoside cao, phục vụ trong lĩnh vực y học, thực phẩm và mỹ phẩm. Đặc biệt, lan Anoectochilus roxburghii (Wall.) Lindl có màu tím hồng đang được thị trường ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. “Vì thế, Công ty tập trung ươm nuôi giống lan Anoectochilus roxburghii (Wall.) Lindl. Sau khi lấy cây từ rừng về sẽ được tách mô, cấy trong môi trường hóa chất sinh học để nhân giống. Cây cấy mô trải qua các phòng nuôi dưỡng, huấn luyện 3-4 tháng sẽ đem trồng trong môi trường tự nhiên”-ông Hưng chia sẻ.

Cây lan kim tuyến sau khi lấy từ rừng về sẽ được tách mô, cấy trong môi trường hóa chất sinh học nhằm nhân rộng giống cây. Ảnh: Ngọc Minh
Lan kim tuyến sau khi lấy từ rừng về sẽ được tách mô, cấy trong môi trường hóa chất sinh học nhằm nhân rộng giống cây. Ảnh: Ngọc Minh

Hàng năm, Công ty cung ứng ra thị trường khoảng 1 triệu cây giống lan Anoectochilus roxburghii (Wall.) Lindl đi các tỉnh, thành như: Hà Nội, Yên Bái, Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Kon Tum, Lâm Đồng; giá bán 2.000 đồng/cây giống. Ngoài ra, Công ty còn cung cấp sản phẩm lan kim tuyến dạng tươi và khô để nấu nước uống hoặc ngâm rượu; giá bán 20-22 triệu đồng/kg lan khô, 1,5-2 triệu đồng/kg lan tươi. Tổng doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm; sau khi trừ chi phí Công ty đạt lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Đến nay, ông Hưng đã trồng thành công 6.000 m2 cây lan kim tuyến dưới tán rừng tự nhiên và liên kết với 8 hộ dân ở xã Đak Rong triển khai mô hình.

Ông Võ Tấn Hưng-Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nga Gia Lai: Hiện nay, khách hàng từ Đài Loan, Nhật Bản đặt hàng rất nhiều nhưng Công ty sản xuất với số lượng còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có thêm nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp cây giống, trang-thiết bị cần thiết để liên kết triển khai mô hình, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá thu mua theo thị trường.

Hơn 3 năm tham gia mô hình trồng lan kim tuyến dưới tán rừng, ông Đinh Văn Miêng được ông Hưng trả tiền công trông coi 6 triệu đồng/tháng và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Ông Miêng phấn khởi nói: “Mấy năm nay, tôi được ông Hưng tạo việc làm, hỗ trợ cây giống và hướng dẫn cách trồng lan. Gia đình trồng hơn 100 m2, từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 6-12 tháng. Toàn bộ sản phẩm (hơn 1 kg khô) được ông Hưng thu mua. Sau khi trừ chi phí, gia đình lời 20 triệu đồng/năm”.

Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Lan kim tuyến có nhiều ở những cánh rừng trên địa bàn các xã: Sơn Lang, Krong, Đak Rong, Sơ Pai và Kon Pne. Hiện nay, do người dân khai thác quá mức dẫn đến nguồn cây trong tự nhiên ngày càng khan hiếm. Vừa qua, Công ty cổ phần Việt Nga Gia Lai đã góp phần bảo tồn và phát triển giống cây quý hiếm này.

NGỌC MINH

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới