Chủ Nhật, 19 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Chiêng quý của buôn làng trước nỗi lo… bị mất...

Gia Lai: Chiêng quý của buôn làng trước nỗi lo… bị mất trộm

Theo thống kê, tại các tỉnh Tây Nguyên, có hơn 10.000 bộ cồng chiêng các loại, trong đó, tỉnh Gia Lai chiếm hơn 2/3 số lượng. Thời gian qua, các băng nhóm trộm cắp nhắm đến việc trộm loại tài sản vốn được xem là “linh hồn” của các buôn làng.

Công an tỉnh Gia Lai trao trả lại một số cồng chiêng cho bị hại. Ảnh: T.T

Mới đây, Công an TP.Pleiku phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Gia Lai và Công an huyện Ia Grai truy xét, bắt giữ 2 đối tượng gồm: Vũ Thành Long (SN 1973, trú phường Thống Nhất) và Nguyễn Thành Linh (SN 1985, trú phường Đống Đa, TP.Pleiku) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.

Bước đầu, các đối tượng khai nhận, với thủ đoạn cạy cửa, đột nhập vào các bưu điện tuyến xã, Nhà thờ tôn giáo, các đối tượng đã thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm trên địa bàn.

Mới nhất là vào giữa tháng 6 và cuối tháng 7, hai đối tượng đã lấy trộm 2 bộ chiêng và 33 chiếc chiêng cổ, cùng nhiều đồ lễ thờ ở Nhà thờ Plei Choét, phường Thắng Lợi và Nhà nguyện giáo họ Pleiku Róh, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku. Hiện công an đang mở rộng điều tra vụ án.

Các chiêng cổ bị trộm đánh cắp, được Công an truy tìm, thu giữ. Ảnh T.T

Các vụ trộm cồng chiêng làm người dân và các già làng, trưởng bản bất an, lo lắng. Bởi lâu nay, cồng chiêng là loại tài sản linh thiêng và có giá trị sâu sắc trong đời sống đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.

Thanh âm của cồng chiêng thể hiện tiếng nói buồn vui, tâm tư, tình cảm của người bản địa. Nghệ nhân Rơ Mah Khơn, trú huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai – cho biết: “Tiếng cồng chiêng có từ thời ông bà xa xưa để lại, mỗi dân tộc đều có những âm điệu, nhịp chiêng, tiếng chiêng riêng biệt, giúp họ kết nối với thiên nhiên đất trời”.

Cũng như tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum còn thực hiện đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để qua đó phát triển kinh tế du lịch. Riêng tại huyện Sa Thầy còn bảo tồn được 450 bộ cồng chiêng, các buôn làng tổ chức mở các lớp dạy cồng chiêng, hát xoang… cho thế hệ trẻ. Bởi việc duy trì bản sắc văn hóa là để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Hiện chiêng cổ, quý được giới “đầu nậu” sẵn sàng mua với giá cao. Trước nạn mất cắp cồng chiêng cổ như vừa qua, người dân phải cất giữ chiêng quý cẩn thận, không để sơ hở, không để ở nơi không có người trông coi như nhà rông hay nhà tập thể của thôn buôn.

Đại tá Dương Văn Long – Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai – cho hay, sau khi truy tìm, lấy lại được số cồng chiêng sẽ tìm và trao trả lại cho các bị hại. Đồng thời biểu dương tinh thần phối hợp, khám phá nhanh vụ án trộm cắp tài sản cho các lực lượng.

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhận loại vào ngày 25.11.2005. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh: Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, với nhiều chủ thể dân tộc khác nhau như Jrai, Ba Na, Ê đê, Mạ…

Nguồn: Báo Lao Động

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới