Chủ Nhật, 19 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Chưa khai thác hết tiềm năng du lịch

Gia Lai: Chưa khai thác hết tiềm năng du lịch

 

Dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay, chúng tôi cùng gia đình một người bạn xuống Phú Thiện tham quan hồ sen. Số là anh chị ấy đọc trên Gia Lai điện tử thấy đăng cảnh hồ sen rất đẹp nên tức tốc đi ngay. Tôi cũng ngỡ nó nằm đâu đó dọc quốc lộ 25 nên cứ lái xe thẳng tiến, nào ngờ qua khỏi Ayun Hạ, Ia Ake rồi qua cả thị trấn Phú Thiện vẫn không thấy hồ đâu cả. May là có người quen ở huyện nên điện thoại hỏi thăm đường.

Theo chỉ dẫn của anh ấy, chúng tôi xuống đến xã Ia Sol rồi rẽ trái, sau đó cứ theo đường bê tông chạy dọc kênh nội đồng vào xã Ia Yeng. Chạy miết, chốc chốc dừng lại hỏi thăm đường, cuối cùng một số người dân cho biết đường đi vào đó rất khó, gần giáp huyện Ia Pa, tốt nhất là nên đi xe máy. Đã quá trưa, lại thêm gia đình bạn dẫn theo con nhỏ, sợ các cháu đói, vậy là đành quay về.

Ảnh internet
Ảnh internet

Sau khi ăn tạm ở một quán cơm bên đường tại thị trấn Phú Thiện, chúng tôi ngược lên phía đèo Chư Sê và rẽ vào công trình thủy lợi Ayun Hạ. Riêng tôi đã đến đây vài lần, còn lại đều chưa đến. Quá trưa, trời nắng chang chang, chòi gác có treo biển bán vé cùng barie chắn ngang không người canh, chúng tôi phải tự tháo cho xe qua. Lên đến chân đập, quang cảnh khá vắng vẻ. Một ngôi nhà bên sườn núi làm quán nước, phía trước che tấm bạt tránh nắng, bên dưới bày vài bộ bàn ghế nhựa. Bên cạnh 2 chiếc ô tô đang đậu, một nhóm thanh niên đốt củi nướng cá ngồi nhậu trên tảng đá lớn nhìn xuống hồ. Còn một nhóm nữa gồm 2 cặp nam nữ treo võng nghỉ dưới bóng cây. Dưới chân đập, mấy chiếc ca nô dập dềnh theo sóng…

Ngồi đợi chừng hơn nửa giờ thì thuyền đưa khách đi dạo hồ về. Trừ nhóm thanh niên vẫn đang nhậu, nhóm chúng tôi và 2 cặp nam nữ xuống thuyền. Anh lái thuyền cho biết, thuyền đưa khách tham quan hồ tính theo chuyến, mỗi chuyến 600 ngàn đồng. Con thuyền đã già nua, chạy máy dầu, chầm chậm quay mũi ra hồ. Ngoài áo phao, dịch vụ trên thuyền không có gì, không nước, không khăn, không trái cây, không thuốc chống nôn (phòng hờ)… Át cả tiếng máy, một người nói vui: Thế này thì họ lãi to, tiền dầu chừng mấy chục ngàn đồng, thuyền thì cũ. Anh ta còn hài hước: Gặp tay tôi, tôi tổ chức bán thêm nước ngọt, bánh kẹo, trái cây, thậm chí cả bia rượu nữa trên thuyền cho khách, giá tăng thêm khoảng 10%, tha hồ thu tiền!

Từ chân đập ra đến giữa hồ, thuyền đi giữa hai bên sườn núi. Cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc. Lòng hồ rộng mênh mông, xa xa là những đảo lớn, đảo nhỏ. Đi chừng hơn một giờ, thuyền đưa chúng tôi quay vào. Trên đập vẫn vắng khách.

Trên đường trở về, gia đình bạn rủ chúng tôi vào tham quan Khu Du lịch Sinh thái Hoàng Vân ở xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê), nằm ngay bên quốc lộ 14. Khác với hồ Ayun Hạ, ở đây, chúng tôi phải mua vé vào cổng với giá 20 ngàn đồng/vé. Khoảng gần 4 giờ chiều, quang cảnh ở đây khá vắng vẻ, khách không quá chục người, chủ yếu là trẻ em. Vốn thích câu cá, tôi mang cần câu vào nhưng người quản lý khu du lịch cho biết, nếu khách muốn câu cá, dùng cần câu của họ thì mỗi giờ trả 100 ngàn đồng, câu được bao nhiêu cá có quyền mang về. Còn dùng cần câu mang theo thì mỗi giờ trả 150 ngàn đồng, cá cũng được mang về.

Nhìn mặt hồ ở đây nổi lềnh bềnh vỏ lon nước ngọt, lon bia, vài đàn cá rô phi nhỏ đang nổi lên thoi thóp thở, tôi tự hỏi, không biết có cá để câu hay không, nói chi là để lại hay mang về. Chợt nghĩ đến những khu du lịch câu cá khác ở TP. Pleiku, khách cứ câu thoải mái, thích mang về thì chủ câu bán, không thì trả lại. Vậy là đành ra xe trở về Pleiku.

Dịp nghỉ lễ vừa qua, hầu như các thành phố trong khu vực đều đông đặc du khách. Các khách sạn ở Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt… đều “cháy” phòng. Và tất nhiên, các dịch vụ cũng tăng lên đáng kể. Đây chính là dịp để ngành du lịch “hốt bạc”. Ngay như Tuy Hòa (Phú Yên) là thành phố nhỏ, lại bị 2 thành phố láng giềng là Nha Trang và Quy Nhơn lấn át nhưng nhờ biết tổ chức, quảng bá nên vài năm gần đây đã vượt lên trụ vững trên bản đồ du lịch cả nước. Với bờ biển đẹp và các danh thắng nổi tiếng như Tháp Nhạn, Gành Đá Đĩa, Đầm Ô Loan…, vào dịp nghỉ lễ 30-4 năm nay, TP. Tuy Hòa còn tổ chức lễ hội âm nhạc đường phố với sự góp mặt của các ban nhạc trẻ và cả nhạc truyền thống như: bài chòi, hát bá trạo… thu hút hàng chục vạn lượt du khách các nơi đổ về.

Gia Lai và TP. Pleiku không thua kém bất cứ thành phố nào trong khu vực về danh thắng. Thế nhưng, ngành du lịch địa phương dường như chưa thực sự quan tâm đầu tư và tổ chức du lịch, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết để thu hút du khách. Tại các điểm tham quan lợi thế như: hồ Ayun Hạ, Biển Hồ, thác Phú Cường, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh… và cả các khu du lịch tư nhân đều chưa có hoạt động du lịch nào đặc sắc, thậm chí có nơi chỉ biết bán vé thu tiền.

Mong rằng, thời gian tới, “ngành công nghiệp không khói” của Gia Lai sẽ đổi mới, không chỉ thu được nhiều lợi nhuận mà còn làm cho người dân địa phương tự hào với bạn bè xung quanh rằng nơi đây cũng có những điểm vui chơi không thua kém, thu hút du khách phương xa đến tham quan, ngoạn cảnh.

Thanh Phong

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới