Thứ Bảy, 4 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Cung đường xuân cao nguyên

Gia Lai: Cung đường xuân cao nguyên

Khi cơn gió mùa khô lả lơi trong nắng vàng sóng sánh, đùa vui trên những khóm dã quỳ hoang dại khắp triền thung cao nguyên, tôi thơ thẩn trên những cung đường ngoại ô để tìm chút dư vị đổi thay của đất trời bung biêng sang mùa. Tôi tạm gọi đó là những cung đường xuân cao nguyên.

Nhớ lại Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong tại TP. Pleiku hồi đầu năm 2021 trong tiết trời ấm áp của mùa con ong làm mật, các vận động viên và bạn bè tứ phương đã chứng kiến, thưởng lãm một cung đường cự ly dài ở cao nguyên đẹp ngút ngàn bên Biển Hồ-viên ngọc bích của Pleiku, đến hàng thông trăm tuổi như mái vòm tự nhiên xanh tươi cùng với đồi chè bát ngát lung linh trong nắng mai vàng.

Con đường dốc tuyệt đẹp trên tuyến tránh TP. Pleiku thuộc địa phận xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Ảnh: Chu Thế Dũng
Con đường dốc tuyệt đẹp trên tuyến tránh TP. Pleiku thuộc địa phận xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Ảnh: Chu Thế Dũng

Khi tiết trời chớm lạnh, những bông cỏ đuôi chồn phất phơ cùng gió ngàn, tôi có chuyến thưởng ngoạn sắc màu thiên nhiên kỳ thú trong phút giây chuyển mùa. Vẫn con đường xưa ấy, tôi băng qua đập tràn Nghĩa Hưng ngập trong sắc quỳ vàng rực khoe bóng bên hồ nước trong xanh; đôi ba cần thủ kiên trì bên bờ đập buông câu chờ đợi vận may… Rồi tiếp nối, hiện ra trước mắt tôi là những đồi chè Biển Hồ mơn mởn búp xanh như tấm thảm mượt mà trải rộng trên thảo nguyên. Bên cạnh nét cổ kính của vòm thông cổ thụ, dấu vết còn lại của vùng đất được khai phá làm đồn điền từ thời thực dân Pháp, là ngôi chùa Bửu Minh trang nghiêm, tĩnh lặng. Chốn thiền môn này ban đầu có tên là Sơn Hải Miếu do những cư dân người Kinh ở đồng bằng đi tìm vùng đất mới trên cao nguyên lập nên để thờ tự theo tín ngưỡng dân gian. Từ đây, tôi men theo những con đường làng thoáng mát qua địa danh Tiên Sơn, một cái tên khá ấn tượng. Ngày trước, vùng đất này rất trù phú, thanh bình, là nơi mà những người Bình Định đầu tiên di dân chọn để làm quê hương thứ hai trên vùng Bắc Tây Nguyên xa xôi. Đến giáo xứ Tiên Sơn, một vùng quê yên ả, có bãi bồi thoáng rộng, người địa phương thường gọi là Biển Hồ Cạn, mùa mưa thì ngập nước, cá ngược dòng tìm nơi sinh sản; mùa nắng nơi này thành bãi chăn thả dê thoáng mát. Mùa này, từng nhóm thanh niên ở TP. Pleiku thường chọn làm điểm dã ngoại, check-in vào mỗi cuối tuần để thưởng ngoạn không gian trong lành của miền thôn dã.

Từ đây, tôi đi qua những cánh đồng lúa chín vàng của Tân Sơn rồi tiếp nối Ngô Sơn. Ngược lên dãy núi Chư Nâm-một nhánh của Trường Sơn đâm ngang như cánh tay khổng lồ, tôi gặp hồ thủy lợi Tân Sơn, chốn sơn thủy hữu tình, nơi đã đem lại màu xanh cho cánh đồng phì nhiêu hàng trăm héc ta trải dài theo triền thung lũng chạy tới chân núi Chư Đang Ya phía Bắc. Mùa gặt cuối năm tưng bừng rơm rạ và thơm mùi lúa mới với cánh đồng vàng ươm lung linh trong nắng ngọt, bỗng chốc tôi có cảm giác như mình đang thả hồn trên đồng đất quê nhà mùa thu hoạch. Con đường mới thẳng tắp dẫn tôi đến chân núi lửa Chư Đang Ya với ngập tràn sắc vàng của mùa dã quỳ khoe sắc thắm, nơi đã từng có những mùa lễ hội đậm đà chất văn hóa Tây Nguyên. Không như mọi năm, Chư Đang Ya khai hội với hàng ngàn du khách thập phương hội tụ, năm nay, khá trầm lắng vì đại dịch Covid-19, nhưng hàng ngày vẫn có nhiều vị khách đam mê với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ đã lặn lội đến nơi này để được thưởng lãm những phút giây huyền diệu của đất trời cao nguyên bên cạnh ngọn “hỏa diệm sơn” đã ngủ yên hàng triệu năm.

Du khách đến tham quan bãi bồi hồ Ia Nâm (xã Tân Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Đào An Duyên
Du khách đến tham quan bãi bồi hồ Ia Nâm (xã Tân Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Đào An Duyên

Ở một cung đường khác, ngoại vi đô thị Pleiku về phía Tây, đó là tuyến đường tránh mới được vận hành, dài hơn 30 km, mở ra một không gian thoáng đãng, thơ mộng cho vành đai TP. Pleiku và các thị trấn vùng ven. Đây là một cung đường ngoại ô khá lãng mạn, nhiều đoạn đường như cánh võng nhấp nhô giữa những thung lũng, cánh đồng lúa quanh co và những đồi cà phê bát ngát. Chỉ trên một cung đường ngắn, từ ngã tư đi thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai), qua cầu Ia Thông (km 13) đến ngã tư Ia Yok-quốc lộ 14 đã mang dáng vẻ khá điển hình của miền cao nguyên đầy hương sắc. Vào mùa cà phê chín đỏ, các trang trại nhộn nhịp bước vào thời kỳ thu hoạch; những sân phơi trải dài trong nắng gió chất đầy hạt cà phê căng tròn, đẹp mắt. Khi kho bãi vừa khép lại, sắc xuân cao nguyên được tô điểm bởi mùa cà phê đơm bông điểm trắng vườn đồi, tỏa mùi hương dịu ngọt, thu hút những đàn ong tìm mật ngọt.

Khi những khoảnh ruộng bên thung lũng đã khô màu rạ, vườn cà phê đã thay lá tỉa cành, những làng Nú, làng Nang, làng Ó, làng Tốt (xã Ia Sao) của người Jrai cạnh tuyến đường vành đai đã bắt đầu vào mùa “ăn năm uống tháng” theo phong tục cổ truyền. Thi thoảng, âm vang tiếng chinh chiêng “tùng chinh… tùng chinh” còn vọng lại từ một lễ hội pơ thi nào đó trong buổi chiều tắt nắng làm lay động những bờ lau trắng bên đường. Tôi cảm thấy lòng mình nhẹ thênh bay bổng cùng thứ âm thanh của đại ngàn, lãng du cùng hương sắc xuân trên các cung đường đầy ấn tượng.

HOÀNG LINH VIỆT

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới