Thứ Hai, 6 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai khắc phục hạn chế để cải thiện chỉ số PAPI

Gia Lai khắc phục hạn chế để cải thiện chỉ số PAPI

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

Việc cải thiện và nâng cao chỉ số này là nhiệm vụ quan trọng để góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, liêm chính, hiệu quả, vì dân phục vụ.

Nhận diện “điểm nghẽn”

Chỉ số PAPI cấp tỉnh là sản phẩm nghiên cứu hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cùng với sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.

Chỉ số PAPI có 8 chỉ số nội dung gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp và khai theo mẫu từ những người dân được chọn ngẫu nhiên từ các thôn, làng, xã, phường, thị trấn, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị tổ chức đã có báo cáo đánh giá với từng chỉ số nội dung cụ thể.

Theo báo cáo, kết quả chỉ số PAPI 2023 của tỉnh Gia Lai đạt 40,3179/80 điểm (điểm tối đa), tăng 0,6379 điểm so với năm 2022, xếp thứ 51/61 tỉnh, thành (có 2 địa phương không đưa vào báo cáo xếp hạng), tăng 7 bậc so với năm 2022 và thuộc nhóm đạt điểm thấp (năm 2022 là 39,68/80 điểm, xếp thứ 58/61). Trong 8 chỉ số nội dung của tỉnh năm 2023 có 4 chỉ số tăng điểm và 4 chỉ số giảm điểm so với năm 2022.

Theo đó, 4 chỉ số nội dung tăng điểm của tỉnh gồm: chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,1498 điểm/10 điểm, cao hơn 0,2298 điểm so với năm 2022, xếp thứ 43/61 (năm 2022 đứng thứ 61/61); chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 6,4906 điểm/10 điểm, cao hơn 0,2606 điểm so với năm 2022, đứng thứ 47/61 (năm 2022 đứng thứ 54/61); chỉ số thủ tục hành chính công đạt 6,9227 điểm/10 điểm, cao hơn 0,2827 điểm so với năm 2022, đứng thứ 55/61 (năm 2022 đứng thứ 60/61); chỉ số cung ứng dịch vụ công đạt 7,3842 điểm/10 điểm, cao hơn 0,5342 điểm so với năm 2022, xếp thứ 37/61 (năm 2022 đứng thứ 56/61).

Các chỉ số giảm điểm đợt này gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 4,7472 điểm/10 điểm, thấp hơn 0,2828 điểm so với năm 2022, xếp thứ 39/61 (năm 2022 đứng thứ 30/61); chỉ số công khai minh bạch đạt 4,8494 điểm/10 điểm, thấp hơn 0,1806 điểm so với năm 2022, xếp thứ 42/61 (năm 2022 đứng thứ 43/61); chỉ số quản trị môi trường đạt 3,0374 điểm/10 điểm, thấp hơn 0,0674 điểm so với năm 2022, xếp thứ 56/61 (năm 2022 đứng thứ 50/61); chỉ số quản trị điện tử đạt 2,7366 điểm/10 điểm, thấp hơn 0,1534 điểm so với năm 2022, xếp thứ 56/61 (năm 2022 đứng thứ 39/61).

Cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Đức Thụy

Cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Đức Thụy

Kết quả trên cho thấy ở nhiều nơi, người dân chưa thực sự nắm rõ về quyền lợi, trách nhiệm được tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể; hoạt động của ban thanh tra nhân dân ở nhiều nơi chưa thực sự hiệu quả; vẫn có tình trạng người dân được hỏi không tin vào tính chính xác của thông tin về thu chi ngân sách của địa phương; nhiều hộ gia đình bị thu hồi đất không hài lòng với mức giá được đền bù.

Bên cạnh đó, hoạt động cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương cũng chưa được người dân đánh giá tốt.

Thực tế vẫn tồn tại khoảng cách lớn giữa tỷ lệ người dân sử dụng internet và tỷ lệ người dùng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; tỷ lệ người dân tiếp cận cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương chưa cao. Do đó, nhiều thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến nhưng người dân ít sử dụng và chưa người dùng nào có thể thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Về vấn đề này, anh Hoàng Văn Thạo (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) chia sẻ: “Tôi không rành về máy tính hay mạng internet nên mọi việc liên quan đến giấy tờ, đất đai đều phải lên xã hoặc ra tận thị trấn để nhờ người hướng dẫn làm”.

Liên quan đến nội dung quản trị môi trường, một số người dân cho rằng doanh nghiệp hoạt động tại địa phương “lót tay” để trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường; nhiều báo cáo, yêu cầu xử lý sự cố, vấn đề môi trường của người dân chưa được chính quyền giải quyết. Ông Lê Đức Minh (thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku) cho hay: “Nhà máy chế biến chanh dây gần nhà tôi vẫn tái đi tái lại tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Tôi không hiểu sao tình trạng này vẫn không thể giải quyết triệt để, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân”.

Nỗ lực cải thiện chỉ số PAPI

Nói về những nguyên nhân khiến chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh đạt thấp, ông Võ Quốc Hùng-Phó Giám đốc Sở Nội vụ-cho biết: “Về mặt khách quan, việc điều tra xã hội học thông qua phiếu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: trình độ, vùng miền và cả thái độ mang tính cảm tính của người trả lời câu hỏi.

Kế đó, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng căn bản như: đường giao thông, dịch vụ thu gom rác thải, cấp thoát nước… trên địa bàn tỉnh còn hạn chế do ngân sách còn nhiều khó khăn. Chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao; trình độ dân trí tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp.

Còn về chủ quan thì tình hình thực tế cho thấy, một số đơn vị, địa phương, nhất là ở cấp cơ sở chưa nắm bắt, quan tâm đầy đủ về chỉ số PAPI và việc thường xuyên cải thiện, nâng cao chỉ số, lấy chỉ số làm tấm gương phản ánh để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả về quản trị và hệ thống hành chính công của đơn vị, địa phương mình.

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân nhiều khi chưa kịp thời, đầy đủ; một số nội dung cần được công khai, minh bạch, dân biết, dân bàn, dân kiểm tra chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số cơ quan, địa phương chưa thực sự quan tâm công tác rà soát, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, còn tình trạng hồ sơ tồn đọng, xử lý chậm, một số hồ sơ thủ tục giải quyết trễ hạn”.

Cũng thuộc về nguyên nhân chủ quan, tinh thần, thái độ phục vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu nhiệt tình, làm việc chưa hết trách nhiệm dẫn đến tỷ lệ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với một số lĩnh vực có xu hướng giảm. Hiệu quả công tác tuyên truyền, quản lý, khai thác, sử dụng cổng/trang thông tin điện tử chưa cao. Việc đầu tư kinh phí, phương tiện, nhân lực cho hoạt động bảo vệ môi trường còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là xử lý ô nhiễm môi trường.

Khu vực tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: H.D

Khu vực tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: H.D

“Để cải thiện thứ hạng chỉ số PAPI, Sở Nội vụ đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng đi vào thực chất, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở dân chủ, trong sạch, vững mạnh.

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia, nhất là các nội dung như vận động người dân tự nguyện đóng góp kinh phí xây mới, sửa chữa công trình công cộng; công khai các khoản đóng góp tự nguyện theo quy định, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch… Công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy định, chính sách liên quan đến đền bù, hỗ trợ, giải tỏa, tái định cư…

Các cấp chính quyền quan tâm hơn đến chất lượng nguồn nước và không khí để có những hành động kịp thời, trong đó cần huy động người dân tham gia cải thiện điều kiện môi trường sinh hoạt tại khu dân cư. Bổ sung các tiện ích phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công tỉnh; có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ kê khai hồ sơ cho cá nhân, tổ chức nộp trực tuyến được dễ dàng thuận lợi”-ông Hùng thông tin.

Ông Lê Thành Tài-Giám đốc Công ty TNHH Thành Công (tổ 4, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đề nghị: “Bên cạnh việc cần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thì tôi mong cán bộ làm ở các bộ phận liên quan cần có thái độ vui vẻ, cởi mở, nhẹ nhàng hơn với người dân. Đừng để hành chính thành “hành là chính”.

Gia Lai luôn cố gắng đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: H.D

Gia Lai luôn cố gắng đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: H.D

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết quý I, triển khai nhiệm vụ quý II-2024 về chuyển đổi số, Đề án 06 và cải cách hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đề nghị: “Các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; phối hợp với Sở Nội vụ để tuyển dụng, bố trí biên chế công chức có chuyên môn công nghệ thông tin; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, kiểm tra và xử lý dứt điểm các hồ sơ trực tuyến nộp từ Cổng dịch vụ công quốc gia quá hạn đang xử lý; thực hiện việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp và chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính”.

HÀ DUY

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới