Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Nhật ký lịch trình

Gia Lai: Nhật ký lịch trình

Cách đây vài tháng, bạn tôi vô tình trở thành F2 trong một lần ghé nhà xe liên tỉnh để gửi thực phẩm vào TP. Hồ Chí Minh cho người thân. Điều đáng nói, khi trang thông tin Chính quyền điện tử ra thông báo khẩn tìm người liên quan đến ca dương tính có ghé nhà xe này, bạn biết điều đó nhưng không nhớ thời gian cụ thể. Để chắc chắn, bạn lục tìm lại biên lai gửi hàng và rồi không chậm trễ, bạn đến trạm y tế phường khai báo y tế, nhận quyết định cách ly tại nhà.

Từ chuyện của bạn, tôi tự hỏi nếu là mình, sự việc diễn ra từ mấy ngày trước liệu có nhớ và nhớ chuẩn xác từng mốc thời gian, địa điểm? Nếu chẳng may mình trở thành F, cần phải khai báo y tế về lịch trình (đi đâu, làm gì, gặp ai, khi nào…) trong mấy ngày liền thì sẽ làm thế nào? Nhớ thiếu chính xác sẽ dẫn đến khai báo không đầy đủ, lúc này hẳn lực lượng chức năng sẽ rất khó khăn trong việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Không ai muốn mình trở thành “người mắc dịch” nhưng lại chẳng thể tự chủ, vì dịch bệnh diễn biến phức tạp. Điều duy nhất mà mỗi người có thể làm là sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng bằng việc tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế về công tác phòng-chống dịch.

Mỗi người có những cách khác nhau để thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng. Riêng tôi đã dành riêng một cuốn sổ nhỏ ghi lại hoạt động trong ngày như tập thói quen viết nhật ký. Chỉ khác ở chỗ chỉ tập trung vào thông tin về lịch trình di chuyển trong ngày. Tôi đặt tên cho cuốn sổ nhỏ ấy là nhật ký lịch trình. Tập lại thói quen đã bỏ từ lâu thật chẳng dễ, huống chi nội dung ghi chép lặp đi lặp lại với những thông tin quen thuộc về thời gian, địa điểm, người tiếp xúc. Nhiều khi bận việc, thông tin nhiều ngày liên tiếp địa phương không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, tôi có tâm lý chủ quan, ghi chép sơ sài. Nhưng rồi, chính sự thắc mắc của con trẻ: “Hôm nay hết Covid rồi hả mẹ?”, “Sao mẹ không ghi nhật ký?”… khiến tôi thấy mình phải có trách nhiệm đến cùng với việc đang làm.

Với việc lưu lại lịch sử di chuyển, anh bạn tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi biết chính xác mình không liên quan đến các điểm dịch tễ ở thị trấn Chư Sê. Anh kể, thời điểm anh và bạn đi công tác ngang qua thị trấn, nơi đây vẫn chưa ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Vì vậy, anh và bạn có dừng lại ăn sáng, gặp gỡ bạn bè uống cà phê. Ngay khi ghé quán, anh đã bật ứng dụng Google Maps trên điện thoại di động để lưu lại lịch sử di chuyển trên hệ thống. Việc làm tưởng thừa thãi ấy lại có tác dụng, vì ngay khi dịch bệnh tại thị trấn Chư Sê diễn biến phức tạp với nhiều ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, anh bình tĩnh mở điện thoại, kiểm tra thời gian, địa điểm đã đến để biết chắc mình có bị ảnh hưởng gì không. Anh bảo: Mất thời gian một chút nhưng yên tâm. Thay vì phải ngồi lục lại trí nhớ, bán tín bán nghi, mình chỉ cần mở sổ ghi chép hoặc tìm kiếm trên dòng thời gian của điện thoại thông minh thì mọi thứ đều rõ ràng. Dịch bệnh đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, mỗi người cẩn thận một chút sẽ giúp cho công tác phòng-chống dịch thuận lợi hơn!

Cả nước đã chuyển sang trạng thái bình thường mới với việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để thực hiện “mục tiêu kép”. Điều đó đòi hỏi mỗi người trong chúng ta tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

AN NGUYÊN

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới