Thứ Ba, 14 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Phát hiện thêm nhiều di tích khảo cổ thời đại...

Gia Lai: Phát hiện thêm nhiều di tích khảo cổ thời đại Đá cũ

Trong quá trình thực hiện đề tài “Khảo sát các di tích khảo cổ học tiền sử huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai” do Thạc sĩ Vũ Tiến Đức-Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên làm chủ nhiệm, nhóm tác giả phối hợp Bảo tàng tỉnh tiến hành khảo sát trên địa bàn huyện Krông Pa.

Bên cạnh việc thẩm tra lại 4 điểm di tích được phát hiện trong những năm 2019-2021, đợt khảo sát đã phát hiện thêm 7 địa điểm có dấu tích khảo cổ học thời đại Đá cũ, nâng tổng số địa điểm khảo cổ thời đại Đá cũ trên địa bàn huyện Krông Pa lên 11 địa điểm và được ký hiệu từ KP 1 đến KP 11.

Trong đó, địa điểm KP 2 xã Ia Rmok có địa tầng tương đối nguyên vẹn. Ở địa điểm này, đoàn khảo sát đã tiến hành làm sạch mặt vách ta luy, lộ rõ lớp cuội sỏi đa khoáng tái trầm tích có nguồn gốc từ thềm sông cổ, dày 0,7-1 m, chứa nhiều hiện vật khảo cổ.

Phát hiện thêm nhiều di tích khảo cổ thời đại Đá cũ ảnh 1

Di tích Krông Pa 2 (KP2) ở xã Ia Rmok, huyện Krông Pa. Ảnh: Vũ Tiến Đức

Các địa điểm khảo cổ ở Krông Pa phân bố chủ yếu dọc các triền đồi thuộc lưu vực hạ du sông Ba. Tại đây, đoàn khảo sát đã thu được hàng chục hiện vật thuộc thời đại Đá cũ như: công cụ ghè một mặt (chopper), mũi nhọn, công cụ mảnh tước, đá có vết ghè, hạch đá bằng chất liệu đá quartz và đá quartzit. Hầu hết công cụ được ghè đẽo một cách thô sơ nhằm tạo rìa sắc cạnh ở một mặt hoặc tạo mũi nhọn.

Dựa vào chất liệu, kỹ thuật chế tác và so sánh loại hình học cho thấy có sự tương đồng nhất định với hiện vật thuộc nhóm di tích thời đại Đá cũ ở An Khê nhưng ở giai đoạn muộn hơn, khá giống với nhóm công cụ được phát hiện tại các di tích Đá cũ ở huyện Phú Thiện. Qua đó, các nhà khảo cổ bước đầu nhận định, các di tích ở Krông Pa thuộc thời đại Đá cũ, có niên đại tương đồng với các di tích Đá cũ ở Phú Thiện. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác hơn cần phân tích niên đại tuyệt đối và kiểm chứng các tư liệu địa tầng. Các hiện vật thu thập được trong đợt khảo sát được đưa về Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên để tiếp tục nghiên cứu, xử lý thông tin, sau đó sẽ bàn giao lại cho địa phương quản lý.

Phát hiện thêm nhiều di tích khảo cổ thời đại Đá cũ ảnh 2

Công cụ ghè một mặt tại di tích Krông Pa 5 (KP 5). Ảnh: T.Đ

Trong những năm 2014-2019, quần thể di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê (niên đại khoảng 80 vạn năm cách ngày nay) được phát hiện và khai quật dưới sự phối hợp của Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Khảo cổ-Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Liên bang Nga). Đây là một trong những phát hiện quan trọng, mở ra một thời đại, xu hướng nghiên cứu về khảo cổ học thời đại Đá cũ trên mảnh đất Gia Lai. Đến những năm 2019-2021, các nhà khảo cổ học Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã tiến hành khảo sát trên địa bàn huyện Phú Thiện và phát hiện tổng cộng 23 địa điểm khảo cổ học thời đại Đá cũ.

Có thể khẳng định, dọc hai bờ sông Ba, nhiều địa điểm có dấu vết cư dân thời đại Đá cũ lần lượt xuất hiện kéo dài từ An Khê đến Krông Pa. Điều này cho thấy có mối liên hệ nhất định về quá trình hình thành và phát triển của các lớp cư dân cổ xưa trên vùng đất này, đặc biệt là những khu vực từ thượng du đến hạ du sông Ba trên địa phận tỉnh Gia Lai ngày nay.

XUÂN TOẢN TIẾN ĐỨC

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới