Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Phát huy hơn nữa vai trò già làng ở Tây...

Gia Lai: Phát huy hơn nữa vai trò già làng ở Tây Nguyên

Qua 10 năm thực hiện quyết tâm thư của già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên (2009 – 2019), đến nay, các già làng đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thật sự là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào định canh, định cư, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng buôn làng, khu dân cư lành mạnh.

Già làng Rơ Châm Chích (thứ hai từ phải sang) ở làng Beng, xã Ia Chía, huyện Ia Grai (Gia Lai) tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người dân. Ảnh: ANH HUY

Trước năm 2009, tình hình an ninh trật tự xã hội (ANTTXH) ở một số địa phương khu vực Tây Nguyên tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước không ngừng đẩy mạnh các hoạt động chống phá Ðảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực. Một số nơi đồng bào nghe theo kẻ xấu xúi giục bỏ ruộng nương, bỏ buôn làng, dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thoát nghèo chưa bền vững, chất lượng giáo dục, y tế thấp, chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thành thị ngày càng tăng.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của già làng các dân tộc ở Tây Nguyên, những người có uy tín trong cộng đồng buôn làng, T.Ư Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị Biểu dương già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên vào tháng 3-2009 tại TP Plây Cu, tỉnh Gia Lai. Tham dự có 241 già làng tiêu biểu của năm tỉnh Tây Nguyên và sáu tỉnh phụ cận. Tại hội nghị, các già làng nhất trí thông qua Quyết tâm thư gửi T.Ư Ðảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, khẳng định tư tưởng vững vàng, tình cảm thủy chung của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác Hồ, với Ðảng, với Tổ quốc. Ðồng thời bày tỏ quyết tâm đồng sức đồng lòng xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện.

Ðồng chí Ðàm Hữu Ðắc, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: 10 năm qua, các già làng Tây Nguyên đã tổ chức 10.567 buổi tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, các quy định của địa phương; tuyên truyền, vận động người dân, trước hết là thế hệ trẻ về tình cảm, tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) cả nước. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết cho đồng bào thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, vào con đường mà Ðảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn. Ở những buôn đồng bào DTTS theo tôn giáo, các chức sắc, chức việc là người có uy tín, tiêu biểu cũng thường xuyên phối hợp mặt trận, đoàn thể vận động bà con tín đồ chấp hành tốt chủ trương, đường lối chính sách của Ðảng, Nhà nước.

Tại tỉnh Lâm Ðồng, các già làng vận động thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; tích cực tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, luôn đề cao cảnh giác chống lại các âm mưu, thủ đoạn gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch; đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Bằng những kinh nghiệm và hiểu biết của mình, già làng đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thật sự là cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS đến với các cấp chính quyền, tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, bảo vệ đường biên giới. Trong các buổi họp bon, già làng đứng ra vạch trần, phê phán những luận điệu tuyên truyền lừa phỉnh của kẻ xấu, cho rằng ốm đau không phải đi bệnh xá chữa bệnh, cứ cầu nguyện thì bệnh sẽ khỏi, không cần làm cũng có ăn, kích động tụ tập làm mất trật tự trị an ở bon, làng, vượt biên trái phép… Nhờ đó, trật tự trị an được ổn định, trong bon không còn tình trạng vượt biên trái phép, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Tại buôn Khanh, xã Cư Pui, huyện KRông Bông (Ðác Lắc), tất cả đều là người DTTS, đời sống khó khăn, dân trí thấp. Các già làng trong buôn phối hợp các sở, ban, ngành triển khai các chương trình khuyến nông, khuyến lâm và tìm ra giống cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế buôn làng. Từ đó, nhiều hộ vươn lên khá, giàu, buôn không còn hộ đói nghèo. Già làng còn tích cực vận động gia đình, dòng họ, cộng đồng, hiến đất, đóng góp hàng chục nghìn ngày công, hàng tỷ đồng để mở rộng và làm đường bê-tông, sửa chữa nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường điện chiếu sáng, các công trình phúc lợi, phát quang đường tuần tra biên giới.

Các già làng tỉnh Kon Tum vận động người thân, gia đình, dòng họ, cộng đồng hiến 5.058 m2 đất, đóng góp 5.358 ngày công, 78 triệu đồng để mở rộng làm đường bê-tông, sửa chữa nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường điện chiếu sáng. Tính đến nay đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của các già làng. Các già làng tích cực tham gia công tác giữ gìn ANTT tại cơ sở, giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn, xung đột, mê tín. Trong số các già làng tiêu biểu, già làng Ðiểu Mun, dân tộc M’nông tại bon NDRong B, xã Quảng Tân, huyện Tuy Ðức, tỉnh Ðác Nông, đã ngoài 70 tuổi, vẫn tích cực vận động đồng bào biên giới không nghe, không tin những lời dụ dỗ của kẻ xấu. Trong những năm qua, trong bon không có đối tượng vượt biên trái phép. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, ông vận động nhân dân hiến đất và đóng góp công lao động làm hơn 2 km đường bê-tông, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Các già làng ngày càng khẳng định vai trò của mình trong việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng và phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên.

Trịnh Sơn

Theo Sggp.org.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới