Thứ Hai, 20 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Thận trọng khi cho thuê ô tô tự lái

Gia Lai: Thận trọng khi cho thuê ô tô tự lái

Các chủ cơ sở kinh doanh cần tăng cường các biện pháp tự bảo vệ tài sản như tự trang bị kiến thức để xác định giấy tờ khách hàng dùng thế chấp thuê xe ô tô là thật hay giả. Đồng thời, trang bị định vị để theo dõi xe hoạt động…

Ảnh minh họa

Không chỉ lừa đảo, thuê xe ô tô để cầm cố, bán lấy tiền tiêu xài cá nhân, gần đây, tại một số địa phương trong cả nước xuất hiện tình trạng tội phạm sử dụng xe thuê để làm phương tiện thực hiện các hoạt động phạm tội khác, hoặc tráo đổi máy móc và các phụ tùng, linh kiện trên xe, chiếm đoạt tài sản. Thậm chí, dùng xe ô tô thuê để làm phương tiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Đó là nhận định của Thượng tá Trần Trọng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai.

Vừa qua, dư luận tại Gia Lai xôn xao vụ các đối tượng thuê xe ô tô tự lái, rồi chiếm đoạt hàng loạt gây thiệt hại cho các chủ xe. Trước tình hình đó, các chủ xe đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng.

Sự việc bắt đầu diễn ra từ tháng 3/2017, Phạm Văn Tuân, trú tại xã Ia Tô, huyện Ia Grai (Gia Lai) và đồng bọn là Nguyễn Thanh Bình, trú tại xã Ia Kla, huyện Đức Cơ (Gia Lai) và Vũ Ngọc Phương, trú tại phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk) đến cơ sở của ông Phạm Đức Huy, TP. Pleiku để thuê xe ô tô tự lái.

Theo ông Huy, sau khi kiểm tra các giấy tờ liên quan không phát hiện dấu hiệu bất thường nên đồng ý thuê chiếc xe ô tô Innova trong 15 ngày, giá thuê mỗi ngày 700 ngàn đồng. Theo hợp đồng, ông Huy giao cho Tuân giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn hợp đồng thuê xe, không thấy Tuân mang xe đến trả, ông Huy liên lạc nhưng đối tượng vẫn không đem xe trả. Sợ mất tài sản, ông Huy cùng người thân đi tìm thì phát hiện chiếc xe bị cầm cố tại một tiệm cầm đồ trên địa bàn TP. Pleiku.

Chưa dừng lại ở đó, cũng trong tháng 4/2017, nhóm của Tuân đến nhà ông Lê Mạnh Hùng, chủ một cơ sở cho thuê xe ô tô tự lái ở huyện Chư Pah (Gia Lai) để lừa đảo. Khi gặp ông Hùng, Nguyễn Thanh Bình và Vũ Ngọc Phương đặt vấn đề thuê chiếc xe ô tô Mazda 3, trị giá hơn 600 triệu đồng trong 10 ngày, với giá 10 triệu đồng.

Theo hợp đồng, Bình để lại một chứng minh nhân dân và một sổ hộ khẩu, anh Hùng giao xe và toàn bộ giấy tờ liên quan của xe trên cho Bình và Phương. Đến thời hạn nhưng không thấy khách trả xe, anh Hùng liên tục điện thoại nhưng không liên lạc được. Nghi ngờ bị lừa, anh Hùng đi tìm thì phát hiện chiếc xe bị thế chấp cho một người tại huyện Đức Cơ, với giá 400 triệu đồng.

Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, trong tháng 3 và tháng 4/2017, nhóm của Tuân cấu kết với một số đối tượng khác thực hiện 6 vụ lừa đảo trên địa bàn Gia Lai, chiếm đoạt 6 xe ô tô. Qua giám định các giấy tờ liên quan trong vụ án, cơ quan chức năng phát hiện 4 giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô và 4 giấy chứng minh nhân dân mà các đối tượng sử dụng để thế chấp xe là giả.

Tại cơ quan công an, các đối tượng thừa nhận toàn bộ hành vi lừa đảo và làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Gia Lai đang tạm giữ 5 xe ô tô và tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, đồng thời củng cố hồ sơ để sớm đưa các đối tượng ra xét xử trước pháp luật.

Theo Thượng tá Trần Trọng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai, để giảm thiểu thiệt hại do loại tội phạm này gây ra, trước hết, các chủ cơ sở kinh doanh cần tăng cường các biện pháp tự bảo vệ tài sản như tự trang bị kiến thức để xác định giấy tờ khách hàng dùng thế chấp thuê xe ô tô là thật hay giả. Đồng thời, trang bị định vị để theo dõi xe hoạt động…

Theo Thoibaonganhang.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới